Từ năm 2010, Tổng cục Thống kê Việt Nam (TCTK) tính toán chỉ tiêu GDP theo đúng chuẩn mực của Liên Hiệp Quốc, đó là GDP = Tổng giá trị tăng thêm (GVA) theo giá cơ bản + Thuế sản phẩm – Trợ giá sản phẩm.
Trước năm 2010, thuế sản phẩm nằm lẫn trong ngành thương mại của nhóm ngành dịch vụ, điều này không đúng chuẩn mực quốc tế, dẫn đến tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành thương mại nói riêng và dịch vị nói chung không phản ánh thực tế. Cũng vì vậy mà trước năm 2010, tăng trưởng GDP và tăng trưởng GVA luôn là một số (giống nhau) do tổng giá trị gia tăng của các ngành bằng luôn GDP. Đây là cách làm chưa theo chuẩn mực quốc tế nhưng lâu ngày thành quen khiến nhiều người lầm tưởng đó là cách làm đúng, là truyền thống.
Từ năm 2011 tăng trưởng GDP và tăng trưởng GVA luôn là hai con số khác nhau. Tăng trưởng GVA mới là con số phản ánh sự tăng trưởng của sản xuất. Con số tăng trưởng GDP bị méo đi do ảnh hưởng của thuế sản phẩm. Hầu hết các năm tăng trưởng GVA cao hơn tăng trưởng GDP (trừ năm 2013, 2014 và 2016); năm 2017 tăng trưởng GVA là 6,87% trong khi GDP bị thuế làm méo đi khiến tăng trưởng GDP chỉ là 6,81%; bình quân giai đoạn 2010-2017, tăng trưởng bình quân của GVA là 6,28%, tăng trưởng bình quân của GDP là 6,09%, tăng trưởng bình quân của thuế trừ trợ giá sản phẩm là 3,72%.
Về thực chất tăng trưởng GDP và tăng trưởng GVA là tương đương nhau hoặc tăng trưởng GDP thấp hơn một chút bởi yếu tố thuế làm méo mó. Chỉ tiêu GVA mới đánh giá thực chất năng lực sản xuất.
Về nguyên tắc tăng thuế không làm tăng GDP, thuế chỉ ảnh hưởng đến giá cả, nên khi tính toán tăng trưởng giá trị tăng thêm theo giá so sánh thì yếu tố tăng giá đã bị loại trừ. Trong một số trường hợp khi doanh nghiệp không thể tăng giá thì sẽ phải giảm lợi nhuận. Khi thuế suất của sản phẩm tăng sẽ dẫn đến tăng trưởng về năng lực sản xuất thông qua giá trị gia tăng giảm; khi tăng trưởng của thuế sản phẩm cao hơn tăng trưởng về năng lực sản xuất sẽ dẫn đến GDP tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GVA – điều này về nguyên tắc là không xảy ra.
Hình bên dưới cho thấy năm 2013 tăng trưởng về thuế sản phẩm là 6,42% trong khi tăng trưởng về GVA chỉ là 5,29% và tăng trưởng GDP cao hơn là 5,42%, tương tự là các năm 2014 và 2016. Năm 2012 lại ngược lại, tăng trưởng GDP thấp hơn tăng trưởng về GVA khá nhiều (5,25% so với 6,19%).
Nhìn từ báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý I-2018 của TCTK, có thể thấy tăng trưởng về năng lực sản xuất thực sự thông qua chỉ tiêu GVA là 7,55%, cao hơn tăng trưởng GDP (7,38%).
Trong trang web và các ấn phẩm của TCTK có cả các số liệu về GDP, GVA và cả chỉ tiêu tổng thu nhập quốc gia (GNI), chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài… nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu, các nhà tư vấn chỉ chăm chú vào một chỉ tiêu duy nhất là GDP rồi bình luận. Khi cơ quan thống kê công bố tăng trưởng GDP quý I-2018 là 7,38%, đã có không ít ý kiến ngờ vực cho rằng như vậy là cao hơn so với thực tế, một số ý kiến thì ngược lại. Nhưng nếu xét về tăng trưởng năng lực sản xuất (qua GVA), tăng trưởng GVA còn cao hơn (7,55% so với 7,38%).
Chỉ nghiên cứu từ một chỉ tiêu thực ra không phản ánh hết tình hình kinh tế thực sự của một quốc gia trong khoảng thời gian nhất định. Có những chỉ tiêu hết sức quan trọng, phản ánh sức khỏe của nền kinh tế tốt hơn GDP như GNI, chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài… nhưng hầu như không được các chuyên gia hoặc các phương tiện truyền thông đề cập đến, kể cả báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội của TCTK. Chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài phản ánh luồng tiền ra nước ngoài một cách chính thức, tăng trưởng về chi trả sở hữu thuần theo giá hiện hành(1) luôn cao hơn tăng trưởng GDP rất nhiều ở hầu hết các năm, nhưng năm 2016 khoản chi trả ra nước ngoài này đột ngột giảm xuống (giảm 15%) trong khi nợ công và xuất khẩu của khu vực FDI ngày càng tăng (xem bảng). Việc chi trả sở hữu thuần giảm xuống đột ngột và nhanh như vậy cần có một giải thích của cơ quan chức năng, rằng năm đó có gì bất thường hay do thay đổi cách tính?
(1) Do số liệu của TCTK chỉ tính GNA và chi trả sở hữu thuần theo giá hiện hành, nên GDP để so sánh ở đây cũng lấy theo giá hiện hành
– Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn