Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư – cho biết ung thư hiện đang trở thành gánh nặng đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước nghèo và đang phát triển. Theo ông, gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng tại Việt Nam và đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội.
Theo Tổ chức Ghi nhận Ung thư Toàn cầu (GLOBOCAL) và Viện Nghiên cứu và Phòng chống Ung thư Quốc gia, tại Việt Nam mỗi năm có hơn 126 ngàn ca mắc bệnh ung thư mới và khoảng 94 ngàn người tử vong vì ung thư. Đa số người bị bệnh ung thư chỉ điều trị ở giai đoạn cuối nên việc chữa trị càng khó khăn.
Cũng theo ông Thuấn, bệnh ung thư nếu phát hiện sớm thì có thể chữa khỏi được. Ông đưa ra ví dụ – với bệnh ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn 1 thì tỷ lệ điều trị thành công 95%, giai đoạn 2 từ 70 đến 75%, giai đoạn 3 tỷ lệ chữa khỏi là 65%, nhưng đến giai đoạn 4 thì chỉ 5% chữa khỏi bệnh.
Tiến sĩ Trần Văn Thuấn cũng đưa ra lời khuyên, nên có thói quen đi khám bệnh để phát hiện bệnh sớm, cơ hội điều trị thành công cao hơn.
Cũng tại buổi hội thảo, Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết Việt Nam đang đối mặt sự gia tăng ngày càng nhiều của các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh ung thư. Theo ông, các bệnh không lây nhiễm chiếm 2/3 tổng số các ca bệnh và tử vong trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trong đó tử vong do ung thư chiếm 18%.
Ông Trần Đắc Phu cũng nhận định ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác là nguyên nhân quá tải bệnh viện. Ông khuyên mọi người không nên hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục… để phòng tránh bệnh ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác.