Trẻ không dám phản kháng, bởi quá trình lớn lên của trẻ, chính những người lớn luôn chứng minh trẻ có lỗi. Trẻ mang mặc cảm mình sai nên nghĩ người lớn phạt đúng. Cô giáo ở trường chỉ tiếp tục sự nghiệp dọa dẫm trẻ đó thôi.
Bức xúc trước vụ cô Nguyễn Thị Minh Hương chủ nhiệm lớp 3A5 Trường Tiểu học An Đồng (H. An Dương, TP. Hải Phòng) đã phạt em Phương Anh uống nước từ giẻ lau bảng, nhiều phụ huynh đã gửi thư, email đến báo Phụ Nữ TP.HCM, bày tỏ sự hoang mang, hoảng sợ vì thấy mình còn thiếu sót trong việc giáo dục con ý thức phản kháng trước cái ác.
Dạy con phản kháng và ý thức phẩm giá
Câu chuyện cô giáo ở Hải Phòng phạt học sinh lớp 3 phải uống nước vắt từ giẻ lau bảng khiến nhiều người trong chúng ta, trong đó có tôi, quyết định trở về nhà sớm hơn mọi ngày. Có người về để âu yếm con nhiều hơn, để được nhìn ngắm con trong vòng tay che chở của mình giữa bao bất trắc ngoài kia, ngay trong ngôi nhà sư phạm. Tôi cũng không ngoại lệ với phản ứng tự nhiên của người làm cha, làm mẹ.
Tuy nhiên, dò xét lương tâm kỹ hơn, tôi hoang mang, hoảng sợ vì thấy mình còn thiếu sót trong việc giáo dục con. Vì một lý do nào đó, chúng ta quá ít dạy cho con ý thức phản kháng trước cái ác.
Hồi hộp, nhưng tôi vẫn phải làm một phép thử với con gái thứ 2, vừa tròn 9 tuổi. Tôi đưa ra tình huống tương tự, nếu cô giáo phạt uống nước bẩn, con có thực hiện không? Không chút ngần ngừ, cháu trả lời: “Không”. Rồi cháu tiếp: “Nếu con sai cô chỉ phạt con đứng thôi chứ. Còn nếu bắt con uống nước từ giẻ lau bảng như thế con sẽ chạy đi méc thầy hiệu trưởng”.
Tôi hỏi vì sao con dám hành động “trái lệnh” cô? Con gái giải thích: “Con mà làm theo cô như vậy là có thể bị ngộ độc. Cô làm như vậy là xúc phạm con, không được”. Trao đổi với con xong, tôi thấy nhẹ nhõm đến quên cả thắc mắc con đã lĩnh hội thái độ đó từ đâu.
Thực tế, cha mẹ hiện nay rất quan tâm, chăm lo nhiều mặt cho con cái. Các con gái tôi ngoài thích học võ, học bơi, chơi thể thao, mỗi chủ nhật cả nhà lại có dịp quây quần trong bữa sáng hiếm hoi suốt tuần và thường nghe chị lớn hoặc mẹ đọc sách, hoặc nghe từ internet. Tuy nhiên, câu chuyện em học sinh Phương Anh ở Trường Tiểu học An Đồng bị phạt uống nước bẩn khiến gia đình tôi từ nay phải đầu tư suy nghĩ thêm cách dạy con biết phản kháng và ý thức về phẩm giá.
Hay nói theo cách của giáo sư Dương Thiệu Tống, giáo dục phải truyền được cái khí chất hào kiệt của lịch sử. Tất cả khởi đi từ thái độ phản biện xã hội và tôn trọng phẩm giá con người.
– Đoàn Phó Ba (Q.10, TP.HCM)
Cô chỉ tiếp tục “sự nghiệp dọa trẻ” của mẹ
Khi đọc tin tức cô giáo bắt học trò uống nước giẻ lau bảng, chiều ấy về nhà, việc đầu tiên tôi nói ngay với hai đứa con, một lớp 4 và một lớp 1 rằng: nếu cô đuổi học thì mẹ chuyển trường khác. Nếu cô đánh hay ép thì tìm cách gọi điện cho mẹ. Dù bất cứ giá nào cũng không được sợ mà uống, nghe chưa?
Các con tôi vâng dạ một hồi, rồi tản đi chơi. Qua cơn phẫn nộ và sợ hãi tôi mới nhận ra một điều: tôi đã không đặt để con mình trong tình cảnh con bị ép, bị dọa, bị trấn áp bằng cả một tập thể như học sinh lớp 3 ở Hải Phòng. Thay vào đó tôi đã áp ngay vào đầu lũ trẻ một đáp án.
Tôi có hai đứa con, thậm chí còn không thèm lắng nghe cảm xúc và quan điểm của con mình, nói gì một cô giáo với gần 50 học trò. Cách nhanh nhất, dễ nhất chỉ có thể là thị uy và áp chế. Chỉ riêng giáo viên “dữ” đã quá đáng sợ với một đứa bé, cô còn tận dụng hiệu ứng đám đông, kéo cả lớp, lớp trưởng, thậm chí là nhà trường vào công cuộc đe dọa của mình. Trẻ có tự trọng đến đâu, trước bạo lực quá mạnh mẽ như vậy, vẫn sợ hãi như thường.
Trẻ em của chúng ta, từ lúc ở trường mầm non đã bị bắt ăn lại chén cháo mình vừa ói ra. Vừa mở miệng “ý kiến ý cò”, cha mẹ đã quát nạt. Cái trừng mắt, nhíu mày, một cử chỉ hoang mang nào đó mạnh mẽ hơn cả một giờ giảng sa sả.
Trẻ không dám phản kháng, bởi suốt quá trình lớn lên của trẻ, chính những người lớn luôn chứng minh trẻ có lỗi. Trẻ mang mặc cảm mình sai nên nghĩ người lớn phạt đúng. Cô giáo ở trường chỉ tiếp tục sự nghiệp dọa dẫm trẻ đó thôi…
– Trần Lê (P. Phú Thọ Hòa, Q. Tân Phú)
Nếu cô giáo ép, con có uống nước giẻ lau bảng?
Chúng tôi đã phỏng vấn nhanh ba em học sinh phản kháng gì trước việc bị cô giáo ép uống nước giẻ lau bảng.
Lê Ngọc Khánh Linh, học sinh lớp Sáu (Trường THCS Nguyễn Huệ, Q. Tân Phú (TP.HCM): Con không uống, con chấp nhận bị đuổi, cấm thi
Có chết con cũng không uống thứ nước ấy. Con chấp nhận bị đuổi khỏi lớp, thậm chí cấm thi cũng được. Chuyện này sẽ về nói với cha mẹ. Những chuyện lớn quá, con không giải quyết được thì con… để phần mẹ. Con sẽ phản ứng khi nào bị ảnh hưởng đến sức khỏe, “bạo hành” tinh thần thôi. Mẹ luôn nhắc điệp khúc: chỉ có thể giúp con giải quyết vấn đề (không làm thay). Muốn giúp thì mẹ phải biết, vậy nên nếu con giấu có nghĩa con đã mất đi một đồng minh.
P.H., học sinh lớp 8 (Suối Nghệ, Bà Rịa – Vũng Tàu): Con sẽ uống, vì rất sợ ba mẹ biết
Nếu cô giáo ép con uống nước lau bảng như vậy, con sẽ về nói ba mẹ. Nhưng nếu lỗi con lớn, ba mẹ con biết sẽ rất tức giận, thì con sẽ uống. Con rất sợ ba mẹ nên con có làm việc gì sai cũng không dám thổ lộ với ba mẹ. Tự mình trách nhiệm và giải quyết. Con đi học bị gì cũng không dám nói với ba mẹ. Cứ sợ ba đánh, mẹ la. Bị cô đánh và bắt quỳ, bạn con về kể với cha mẹ, con thì không dám.
Trần Lan Khôi, học sinh lớp 6 (Q. Bình Thạnh, TP.HCM): Cô gọi mẹ giùm con, mẹ cho phép thì con quỳ
Con không bao giờ uống. Vì tại sao con phải uống cái nước dơ bẩn đó. Nếu cô dọa, nói mời phụ huynh, con sẽ mời cô gọi. Nếu cô phạt bằng cách buộc quỳ, con sẽ nói tại sao con phải quỳ? Cần gì cô điện thoại cho mẹ con, mẹ cho phép quỳ thì con quỳ.
Cho rằng cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương quá nhẫn tâm khi bắt cháu mình phải uống nước giặt từ giẻ lau bảng, ông Phạm Khắc Thảo, ông nội của cháu Phạm Phương Anh cho hay, gia đình sẽ làm đến cùng vụ việc này.
Ông Thảo nói thêm đã làm đơn kiến nghị, nhờ cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ hành vi bắt cháu Phương Anh uống nước giặt giẻ lau bảng của cô giáo có vi phạm pháp luật không, có bị xử lý hình sự không?
Dự kiến hôm nay 9-4, ông sẽ gửi đơn đến các cơ quan chức năng, kiện cô giáo về hành vi hành hạ trẻ em. “Gia đình yêu cầu cô giáo Hương phải viết cam kết đồng hành cùng gia đình về lâu dài để theo dõi sức khỏe của cháu” – ông Thảo tâm sự.
Cũng theo ông Thảo, mấy ngày qua tâm lý cháu Phương Anh không ổn định, ăn uống kém, lo sợ, không muốn đến trường vì bị bạn bè cô lập, đổ tội làm cô giáo bị đuổi việc, hay chê mồm bẩn vì uống nước giặt giẻ lau nên không muốn chơi cùng. Ông Thảo bày tỏ mong muốn nhà trường có biện pháp để học sinh trong trường không trêu chọc cháu Phương Anh. Vì hoàn cảnh học sinh này éo le, thiếu thốn tình cảm của cha mẹ từ nhỏ, ba tháng tuổi đã ở với ông bà nên gia đình rất lo cho cháu.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, hành động của cô giáo Minh Hương là quá dã man. Những hình phạt, cách cư xử đó của giáo viên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và việc hình thành nhân cách các em sau này. Kỷ luật trên nguyên tắc để giáo dục chứ không phải là hạ nhục hay làm tổn thương học sinh.
Trường học, nơi đáng ra phải là mái nhà thứ hai của trẻ nhưng hiện lại trở thành nỗi ám ảnh với một số học sinh.
Trong khi đó, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) khẳng định, việc cô giáo bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng khiến học sinh bị “ngộ độc” tâm lý. Nếu trường hợp ép học sinh uống, súc miệng bằng nước lau bảng diễn ra trong thời gian dài, nhiều lần hoặc việc tương tự đã xảy ra với nhiều người khác thì hoàn toàn có thể truy cứu về tội “hành hạ người khác” theo điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nhưng nếu đây là lần đầu tiên cô giáo thực hiện hình phạt này với học sinh thì chưa đến mức xử lý hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính.
– Theo Dung Nhi / PNO