Sau khi VN-Index thiết lập đỉnh cao lịch sử mới 1.210 điểm, áp lực chốt diễn ra ồ ạt khiến chỉ số quay đầu điều chỉnh, chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp. Tuy nhiên, điểm tích cực là dòng tiền hoạt động tích cực, giúp thanh khoản tăng mạnh.
Trong phiên giao dịch sáng, thị trường khá tích cực dưới sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng, sắc xanh được duy trì trong phần lớn thời gian giao dịch. Tuy nhiên, trong thời điểm cuối phiên sáng, áp lực bán bất ngờ tăng mạnh, kéo VN-Index rơi thẳng qua tham chiếu, có thời điểm biên độ dao động lên tới hơn 12 điểm khi chỉ số lùi về mốc 1.200 điểm.
Ngay khi bước vào phiên chiều, áp lực bán mạnh một lần nữa xuất hiện, đẩy VN-Index về vùng 1.190 điểm. Đã có những nỗ lực để nâng đỡ chỉ số, song đó vẫn là chưa đủ trước áp lực bán mạnh và dứt khoát trong phiên. Điểm tích cực là sau mỗi nhịp giảm mạnh, lực cầu đỡ giá hoạt động mạnh mẽ để VN-Index không giảm sâu. Nhờ đó mà thanh khoản thị trường gia tăng.
Đóng cửa, với 84 mã tăng và 208 mã giảm, VN-Index giảm 6,21 điểm (-0,52%) xuống 1.198,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 286,72 triệu đơn vị, giá trị 9.234,86 tỷ đồng, tăng 14% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên 9/4.
Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 40,16 triệu đơn vị, giá trị 1.446,3 tỷ đồng. Đáng chú ý là các thỏa thuận của 6,459 triệu cổ phiếu HPG, giá trị 391,7 tỷ đồng; 2,8 triệu cổ phiếu HDB, giá trị gần 140 tỷ đồng; 1,598 triệu cổ phiếu NVL, giá trị 116,4 tỷ đồng; 2,2 triệu cổ phiếu VPB ở mức giá trần, giá trị 160,14 tỷ đồng…
Sau một vài phiên tăng điểm khá tích cực, nhóm cổ phiếu bất động sản-xây dựng chịu áp lực bán mạnh trong phiên này và đồng loạt giảm điểm. Các cổ phiếu như VIC, VRE, HBC, NVL, ROS, FLC, SCR, HBC, DXG, HQC, IDI, DIG, HAR DLG… chìm sâu trong sắc đỏ.
VIC giảm 2,9% về 131.000 đồng, HBC giảm 3,7% về 48.800 đồng, DXG giảm 3% về 38.600 đồng, SCR giảm 2,9% về 13.600 đồng, FLC giảm 1,8% về 6.000 đồng… ROS thậm chí có thời điểm giảm sàn, trước khi đà giảm thu hẹp còn 6,2% về 115.200 đồng.
Việc đồng loạt giảm mạnh khiến nhóm này hút mạnh dòng tiền, thanh khoản theo đó đều ở mức cao. SCR khớp 12,2 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HOSE. FLC khớp 11,3 triệu đơn vị. HBC khớp 5,1 triệu đơn vị. VIC khớp 4,49 triệu đơn vị…
Áp lực bán mạnh cũng khiến nhóm ngân hàng suy yếu. Chỉ còn VCB, BID và HDB tăng điểm, còn lại đều giảm. Đây cũng là 3 mã tăng hết sức tích cực, tạo lực đỡ đáng kể cho chỉ số. Bù lại, nhóm này vẫn được dòng tiền tập trung.
HDB tiếp tục gây ấn tượng với mức tăng 3,9% lên 50.600 đồng, khớp lệnh 9,2 triệu đơn vị, đứng thứ 6 trên sàn HOSE. BID tăng 2,5% lên 45.500 đồng, khớp lệnh 4,18 triệu đơn vị. VCB tăng 0,9% lên 74.500 đồng, khớp lệnh 5,02 triệu đơn vị.
STB dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE với 12,99 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 1,2% về 16.200 đồng. MBB giảm 0,7% về 36.550 đồng, khớp lệnh 8,56 triệu đơn vị. VPB giảm 1,4% về 68.300 đồng, khớp lệnh 3,29 triệu đơn vị.
KSA có phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp, khiến thị giá chỉ còn 670 đồng – thấp nhất thị trường, khớp lệnh 1,45 triệu đơn vị và còn dư bán sàn khá lớn.
Trên sàn HNX, diễn biến cũng tương tự như trên sàn HOSE, song mức giảm lớn hơn và thanh khoản ghi nhận sự sụt giảm.
Đóng cửa, với 45 mã tăng và 105 mã giảm, HNX-Index giảm 1,1 điểm (-0,8%) xuống 136,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 65,14 triệu đơn vị, giá trị 1.125,72 tỷ đồng, giảm 10,36% về khối lượng và 10,67% về giá trị so với phiên 9/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn với 1,49 triệu đơn vị, giá trị 19,7 tỷ đồng.
Các mã lớn trên HNX bị bán mạnh nên đa phần giảm điểm, tạo sức ép lớn lên chỉ số. Bản thân mỗi nhóm cổ phiếu dẫn dắt cũng phân hóa rõ rệt.
Trong khi SHB tăng 1,5% lên 13.700 đồng, khớp lệnh 20,08 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn, thì ACB giảm 1,2% về 50.500 đồng, khớp lệnh 4,548 triệu đơn vị.
Tương tự, PVS tăng 2% lên 20.600 đồng, khớp lệnh 4 triệu đơn vị, thì PVC lai giảm sàn về 7.000 đồng (-9,1%), khớp lệnh gần 0,9 triệu đơn vị. Được biết, cổ phiếu PVC vừa bị đưa vào diện cảnh báo do Công ty mẹ lỗ liên tiếp 2 năm 2016 và 2017.
Theo chân PVC còn có SJC và DPS. Ngược lại, KSK tăng trần lên 1.100 đồng.
Trong số 12 mã khớp lệnh cao nhất thị trường (trên 1 triệu đơn vị), chỉ có 3 mã tăng là SHB, PVS và CEO, 1 mã đứng tham chiếu là PVX, còn lại là giảm.
Trên sàn UPCoM, dù rất nỗ lực để giữ sắc xanh trong phần lớn thời gian của phiên chiều, song sàn này vẫn giảm điểm đáng tiếc khi kết phiên do sức cầu hạn chế. Đây cũng là lý do thanh khoản thị trường này bị sụt giảm.
Đóng cửa, với 51 mã tăng và 67 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,05%) về 60,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 20,93 triệu đơn vị, giá trị 427,11 tỷ đồng, giảm 15,26% về khối lượng và 25,3% về giá trị so với phiên 9/4.
Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,83 triệu đơn vị, giá trị 318,8 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 3,37 triệu cổ phiếu MPC, giá trị 269,6 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu dẫn dắt trên sàn này cũng diễn biến phân hóa. Trong khi VIB, HVN, OIL… tăng điểm, thì LPB, DVN, QNS, ACV, SDI… giảm điểm, còn POW, BSR, VGT, MSR, LTG… đứng giá tham chiếu.
Đáng chú ý, LPB giao dịch đột biến với lượng khớp 11,1 triệu đơn vị, cao nhất từ khi niêm yết, giảm 1,1% về 17.500 đồng.
VIB tăng 4,8% lên 451.300 đồng khớp lệnh 1,08 triệu đơn vị.
Ngoài 2 mã trên, chỉ có POW và BSR là khớp hơn 1 triệu đơn vị.
– Theo ĐTCK