Bánh tét thập cẩm nổi tiếng rất sớm ở Cần Thơ. Chị Huỳnh Thị Đẹp năm nay 46 tuổi, ở phường An Thới, thành phố Cần Thơ có hơn 16 năm sinh sống bằng nghề gói bán bánh này.
Các bậc bô lão sành ăn kể rằng bánh tét xuất hiện từ Nghệ Tĩnh, rồi vào đến Huế, Quảng Nam rồi vào miền Nam và đến nay được coi là… đặc sản miền Nam. Vào đến Nam, nó đã biến dạng hết sức phong phú. Ở Long Thành (Đồng Nai), miệt Phước Thọ, Phước An người ta trộn hột điều vào nếp.
Còn ở Bến Tre, Long An, Mỹ Tho nhiều người xào nước cốt dừa hay bỏ cả cơm dừa nạo nhỏ vào nếp. Ở Tây Ninh, Sông Bé, Củ Chi thì trộn đậu phộng luộc. Miệt Nhà Bè Phú Xuân còn có bánh tét nhưn ngọt, bánh tét nhưn chuối. Riêng Mỹ Tho, có nhà gói bánh tét nếp than màu tím sẫm. Nhưng đẹp nhất là gói bánh bằng nếp trắng (loại nếp màu hạt tròn, ở Minh Hải, Sóc Trăng là tốt nhất) mà nếp đã được ngâm với lá cẩm. Khi chín ánh lên một màu tím mượt mà, dễ thương, hấp dẫn.
Bánh tét thập cẩm của chị Tư Đẹp luôn thơm ngon, dẻo, cắt ra không dính, độ xốp vừa phải, bánh để 5 ngày không bị hư hỏng… Khi gói bánh không nên siết quá chặt và cũng không phải nới lỏng dây, vì chặt quá bánh sẽ không chín, lỏng quá bánh bị nhão ra… Gia vị, nhân, trứng, thịt, mỡ, đậu, nếp… quá trình chuẩn bị phải hết sức đồng bộ và thật kỹ lưỡng để tránh được tình trạng bánh mau “thiu”, nếu cẩu thả chừng non 2 ngày sau khi “ra lò” sẽ bị “bể, thiu…”
Dì Hai Diệp (đường Cách Mạng Tháng Tám, Cần Thơ), chị Sáu (Bình Thủy) cũng là những bậc “tiền bối” trong nghề gói bánh tét, đều công nhận : “Chị Tư Đẹp nhờ biết lắng nghe ý kiến người tiêu dùng và tích lũy kinh nghiệm nên bánh của chị Tư đáp ứng được khẩu vị của người sành điệu…”. Cả nhà chị Tư Đẹp đều có mặt ở chợ Cần Thơ, Cái Khế, Bình Thủy với sản phẩm bánh tét thập cẩm.