Về bản chất của Hiến pháp
Trước hết, cần nhắc lại bản chất của Hiến pháp, để thấy rõ tầm quan trọng của văn bản này đối với đời sống người dân cũng như sự phát triển của một quốc gia, qua đó thấy thêm trách nhiệm to lớn của công dân trong việc góp ý kiến sửa đổi.
Theo các nhà lý luận kinh điển, Hiến pháp được coi là “văn bản giới hạn quyền lực của Nhà nước”; là “bản khếước xã hội”; “văn bản về tổ chức quyền lực Nhà nước”; là “công cụ để phát triển tự do tối đa cho con người”; “văn bản để bảo vệ quyền con người”, v.v… (theo GS-TS Nguyễn Đăng Dung, Hiến pháp, những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011). Qua các ý kiến nói trên, có thể khái quát lại như sau.
Một là, trong từng thời kỳ, ở mỗi quốc gia khác nhau, nội dung của Hiến pháp có thể thay đổi, nhưng chức năng cổ điển nhất của Hiến pháp vẫn là bảo vệ quyền con người, quyền công dân và hạn chế quyền lực của chính quyền.
Hiến pháp bảo vệ quyền con người và quyền của công dân bằng các hình thức chính như: liệt kê, khẳng định các quyền con người như là những quyền tự nhiên không bị giới hạn bởi hình thái kinh tế, xã hội, trên cơ sở đó, khẳng định quyền công dân là quyền của con người được xác định bằng luật pháp trong một quốc gia nhất định, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ; và về nguyên tắc, công dân có quyền làm tất cả mọi việc mà pháp luật không cấm. Hiến pháp quy định trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm cho công dân được hưởng các quyền đã quy định; và mặt khác, cũng có quyền đòi hỏi công dân thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Hiến pháp bảo vệ các quyền con người, quyền công dân bằng cách giới hạn quyền của Nhà nước, hình thành cơ chế bảo hiến, giám sát tư pháp đối với hành pháp và lập pháp, qua đó tránh sự tùy tiện, lạm quyền của cơ quan công quyền.
Việc Hiến pháp quy định chặt chẽ và hạn chế quyền lực của cơ quan nhà nước là cần thiết, bởi vì khi đã có quyền lực trong tay, cơ quan Nhà nước thường có khuynh hướng lạm quyền, chuyên quyền, độc đoán, tham nhũng, đặc quyền đặc lợi, xâm phạm quyền của công dân. Vì vậy, với tư cách là bản “Khếước xã hội”, bản “Hợp đồng” giữa một bên là nhân dân một nước với một bên là những người được nhân dân ủy quyền trong việc tổ chức, sử dụng quyền lực của nhân dân được tổ chức thành Nhà nước, Hiến pháp ràng buộc quyền lực của Nhà nước trong những quyền lực do nhân dân trao cho theo sự thỏa thuận, ủy quyền của nhân dân và với những điều kiện được nhân dân chấp nhận, không có quyền lực nào nằm ngoài khếước xã hội.
Hai là, do đó, Hiến pháp là đạo luật cơ bản, ổn định lâu dài, luật gốc cho tất cả các đạo luật khác. Hiến pháp là đạo luật có vị trí pháp lý cao nhất, có vị trí quan trọng nhất của một quốc gia. Đó là vì Hiến pháp là văn bản tổng hợp các quy phạm điều chỉnh những vấn đề cơ bản của Nhà nước, như chế độ chính trị, an ninh, quốc phòng; có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật; là văn bản ghi nhận ý chí, sự lựa chọn chính trị của nhân dân. Với tư cách là đạo luật có hiệu lực pháp lý tối cao của mỗi quốc gia, Hiến pháp ngày càng có vị trí quan trọng trong việc điều chỉnh đời sống chính trị của mỗi quốc gia.Ở các nước, qua từng thời kỳ, Hiến pháp có thể có sự thay đổi, bổ sung, song chức năng cổ điển vốn có của nó là bảo vệ quyền con người, quyền công dân và giới hạn quyền lực Nhà nước vẫn được xem trọng, có cơ chế bảo hiến để củng cố và do đó, bảo đảm cho Hiến pháp có đời sống pháp lý dài hơn và ổn định hơn. Trong tiến trình dân chủ hóa xã hội ngày nay, vai trò chủ yếu ấy của hiến pháp ở các nước lại càng nổi bật, đang được tôn trọng và thể hiện rõ rệt trong cuộc sống.
Trách nhiệm công dân
Cho đến nay, nước ta đã có bốn bản Hiến pháp: Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946; Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1959; Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980 và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001). Mỗi bản hiến pháp được ra đời trong bối cảnh chính trị, xã hội khác nhau của nước ta, mang những đặc điểm riêng và đều đã có những tác động rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong thời gian qua. Trước yêu cầu của công cuộc phát triển đất nước trong thời kỳ mới và hội nhập quốc tế, Hiến pháp 1992 đã bộc lộ rõ nhiều điểm bất cập, cần được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 được đặt ra trong bối cảnh đất nước có những điểm rất mới so với trước: đó là nước ta đã trải qua trên 25 năm đổi mới, hệ thống thể chế cũng như tổ chức bộ máy Nhà nước đang trong quá trình hoàn thiện, nước ta hội nhập quốc tế sâu hơn (đã là thành viên của WTO từ năm 2007), chúng ta ngày càng rõ hơn con đường phát triển của đất nước, v.v… Những điều ấy đòi hỏi Hiến pháp 1992 phải được sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, vừa xuất phát từ đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta, vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa về Hiến pháp của thế giới. Phải xây dựng được một bản Hiến pháp xứng tầm của dân tộc ta với truyền thống vẻ vang hàng nghìn năm văn hiến, một đất nước 90 triệu dân (năm 2013) có vị trí quan trọng trong vùng Đông Nam Á và trên thế giới.
Nhân dân ta góp ý kiến vào việc sửa đổi Hiến pháp trước hết từý thức và trách nhiệm công dân. Đây là một quan niệm cần được khẳng định vì nếu như đã quan niệm Hiến pháp như là một bản “khếước xã hội”, bản “hợp đồng” như trên đã trình bày, thì Hiến pháp phải do dân chủ động xây dựng, với tư cách là chủ nhân đất nước, theo quan niệm “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.
Nói đến trách nhiệm “công dân” trong thời đại mới, cũng tức là đối lập với tư cách “thần dân” trong chế độ phong kiến, thực dân trước đây. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa ngày nay, dân trí đã có bước nâng cao rõ rệt, càng ngày càng nhận thức rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của công dân trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng và hội nhập quốc tế. Việc nhân dân tham gia ý kiến sửa đổi Hiến pháp lần này với tư cách là người chủ đất nước là quyền đương nhiên.
Việc lấy kiến nhân dân vào việc sửa Hiến pháp lần này phải đạt chất lượng cao và hiệu quả thiết thực. Yêu cầu chất lượng cao có nghĩa là những ý kiến đóng góp vào Hiến pháp phải thể hiện đầy đủ trí tuệ, tâm huyết, năng lực sáng tạo và ý chí đồng thuận của nhân dân ta với tư cách là người chủ; và do đó việc lấy ý kiến phải được tổ chức một cách dân chủ, bằng nhiều hình thức thích hợp. Yêu cầu hiệu quả thiết thực có nghĩa là những ý kiến đóng góp phải được sàng lọc, thảo luận và tranh luận sâu rộng để tìm ra phương án tối ưu. Và cuối cùng, những ý kiến đúng đắn phải được tiếp thu một cách nghiêm túc, có như vậy chúng ta mới hình thành một bản Hiến pháp xứng tầm đất nước như trên đã đề cập.
Vì vậy, để lấy ý kiến một cách thực chất, từ quan điểm, nhận thức đến tổ chức thực hiện, cần phải tổ chức thật tốt việc lấy ý kiến từ cả hai phía: Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và người góp ý kiến.
Về phía người dân, như trên đã nói, đây là một cơ hội để thể hiện quyền làm chủ và trách nhiệm công dân của mình. Chúng ta cần được tiếp cận với những vấn đề cơ bản của Hiến pháp, tham gia ý kiến bằng những thể nghiệm cụ thể từ đời sống, và quan trọng hơn cả, là được phát huy tự do tư tưởng, nói lên những ý kiến tâm huyết với tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung của đất nước. Như các cuộc tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua đã cho thấy: việc trao đổi, thảo luận ở các tổ chức xã hội là rất bổ ích, thu hút được trí tuệ tập thể, từ đó rút ra được những ý kiến toàn diện, xác đáng và việc góp ý kiến có thêm trọng lượng.
Về phía Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, trên cơ sở xác định rõ quyền của công dân, tổ chức việc lấy ý kiến một cách chân thành, thiết thực, không hình thức; mà nên lắng nghe, tôn trọng mọi ý kiến của công dân từ nhiều thành phần, nhiều tầng lớp, ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Cũng nên tổ chức những cuộc lấy ý kiến theo chuyên đề, trong từng chương của Hiến pháp, từng lĩnh vực cụ thể qua các cuộc hội thảo, qua báo chí… để việc lấy ý kiến được sâu hơn. Việc tổng hợp, phân loại các nhóm ý kiến, từ đó rút ra những ý kiến xác đáng cần được tiếp thu và giải trình là rất quan trọng, đương nhiên cần tôn trọng các ý kiến trái chiều với dự thảo, không nên tùy tiện quy chụp, phê phán.
Kỳ sau: Bảo đảm quyền phúc quyết của dân
* Việc Hiến pháp quy định chặt chẽ và hạn chế quyền lực của cơ quan nhà nước là cần thiết, bởi vì khi đã có quyền lực trong tay, cơ quan Nhà nước thường có khuynh hướng lạm quyền, chuyên quyền, độc đoán, tham nhũng, đặc quyền đặc lợi, xâm phạm quyền của công dân.
* Chúng ta cần được tiếp cận với những vấn đề cơ bản của Hiến pháp, phát huy tự do tư tưởng, nói lên những ý kiến tâm huyết với tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung của đất nước.
Vũ Quốc Tuấn