Theo xu hướng quốc tế hiện nay, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày càng chiếm giữ vị trí quan trọng trong các thị trường, đặc biệt là thị trường các nước phát triển.
Nhiều người trong ngành nông nghiệp ở Việt Nam cũng coi sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phần không thể thiếu trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tại diễn đàn Giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam do Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam tổ chức diễn ra vào ngày 27-12 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, một số chuyên gia trong ngành đã đưa ra các ý kiến đáng chú ý.
Tiềm năng từ nhu cầu trong và ngoài nước
Mới đây, khảo sát do Công ty Nielsen Việt Nam phối hợp với hệ thống siêu thị Saigon Co.op Mart thực hiện cho thấy khoảng 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo thân thiện và bảo vệ môi trường. Đồng thời, có 79% người sẵn sàng trả thêm tiền để mua các sản phẩm không chứa các nguyên liệu mà họ không mong muốn.
Theo ông Võ Hoàng Anh, GĐ Marketing Saigon Co.op Mart thì nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hữu cơ ở TP. Hồ Chí Minh hiện vào khoảng 141 tỉ đồng/tháng, ở Hà Nội khoảng 41 tỉ đồng/tháng. Nhiều người có nhu cầu sử dụng sản phẩm hữu cơ nhưng chưa mua vì còn e ngại về giá cả, nguồn gốc xuất xứ, hay chưa phân biệt được sản phẩm hữu cơ với sản phẩm sạch, sản phẩm tự trồng trọt, chăn nuôi. Nhìn chung, mức tăng trưởng trong tiêu thụ sản phẩm hữu cơ ở các thành phố lớn khá tiềm năng. Những sản phẩm hữu cơ mà Saigon Co.op Mart tham gia đầu tư từ gốc để kiểm soát chất lượng theo chuỗi hiện đang trong tình trạng cung không đủ cầu.
Tại diễn đàn, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết thêm: nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên toàn cầu đã đạt trên 81,6 tỉ USD vào năm 2015. Trong đó, thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ với 27,1 tỉ USD, Đức với 7,9 tỉ USD. Tốc độ gia tăng giá trị sản phẩm hữu cơ cũng khá cao, từ 15,2 tỉ USD năm 1999 lên 81,6 tỉ USD năm 2015. Trong một hội thảo cùng chủ đề trước đó, ông Nguyễn Bá Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Organik Đà Lạt từng nhận định: “Nhu cầu thực phẩm hữu cơ của nhiều nước đang rất lớn và đây là cơ hội xuất khẩu tốt cho các công ty trong nước. Ví dụ, nếu đối tác Việt Nam đáp ứng đủ số lượng của khách hàng ngoại thì 1ha rau có thể thu về 500.000-1 triệu USD”.
Nhu cầu nghe hấp dẫn là thế nhưng quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam còn rất khiêm tốn. Năm 2016, diện tích canh tác hữu cơ đã đạt 77 ngàn ha tại 33 tỉnh, thành phố, tăng gấp 3,6 lần so năm 2010. Tuy nhiên, so với 50,9 triệu ha canh tác của cả thế giới và 11,53 triệu ha canh tác nông nghiệp của Việt Nam thì diện tích canh tác hữu cơ ở Việt Nam còn rất khiêm tốn. Theo Cục Trồng trọt đến năm 2016 cả nước đã có 26 cơ sở sản xuất hữu cơ ở 15 tỉnh, thành phố. Các mô hình khá hiệu quả như nuôi cá basa hữu cơ tại An Giang, nuôi tôm sinh thái ở rừng ngập mặn Cà Mau đã có chứng nhận hữu cơ khoảng 10.000ha xuất khẩu sang EU. Ngoài ra còn có 33 cơ sở sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ, tức là mới chú trọng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học với gần 1.200ha lúa, 90ha rau, 285ha nho và 79ha táo. Một số sản phẩm hữu cơ đã có chỗ đứng vững trên thị trường như mật ong, rau, chè, thịt heo, tôm.
Đi tìm quy mô sản xuất phù hợp
Có chung nhận định: Thách thức lớn nhất của quá trình phát triển nông nghiệp hữu cơ là quy trình chứng nhận khắt khe, phức tạp, chi phí chứng nhận cao, phải có thời gian khá dài để cải tạo đất, thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Vì vậy, hầu hết các chuyên gia đều đặc biệt quan tâm đến vấn đề nên phát triển nông nghiệp hữu cơ ở mức độ, quy mô nào.
GS-TS Võ Tòng Xuân nhận xét: nền nông nghiệp Việt Nam vẫn nên tập trung vào sản xuất ra các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm hơn là chạy theo việc sản xuất hữu cơ với các tiêu chí quá khắt khe, phức tạp. Còn theo ước tính của PGS-TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT thì trong mười hay 20 năm tới, dù đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, diện tích canh tác hữu cơ ở Việt Nam cũng chỉ có thể đạt tối đa 10%.
Đa số các nhà khoa học đều cho rằng trước mắt Việt Nam chỉ nên phát triển canh tác theo hướng hữu cơ, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp lấy được các chứng nhận hữu cơ quốc tế để xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Phát triển nông nghiệp hữu cơ phải có lộ trình, có nghiên cứu, đánh giá cụ thể về nhu cầu thị trường, không thể làm đại trà. Bên cạnh đó, cần sớm có những chính sách thúc đẩy phát triển, trong đó có chính sách phát triển sản xuất phân bón hữu cơ. Bởi nếu phát triển được phân bón hữu cơ chất lượng tốt, giá cả phải chăng ở trong nước, thay vì phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu như hiện nay, sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy canh tác hữu cơ, giảm giá thành các sản phẩm hữu cơ… Theo ông Võ Minh Khải, Giám đốc Công ty Viễn Phú nếu trong nước có nguồn phân hữu cơ chất lượng tốt, giá hợp lý, có thể giúp làm giảm giá thành sản phẩm hữu cơ từ 10 – 20%.
Ông Lê Quốc Phong, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam chưa có bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại sản phẩm hữu cơ. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 1104:2015 hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2015 chưa thực sự đi vào cuộc sống đã phải chuẩn bị để thay thế bằng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041:2017 (đang dự thảo) với các quy định chi tiết hơn.
Do đó, các chuyên gia cho rằng việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản phẩm hữu cơ, hài hòa với quốc tế là rất cần thiết cho mọi thành phần tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Qua đó giúp kiểm soát tốt thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, loại bỏ các sản phẩm “đội lốt” hữu cơ hiện đang được bày bán khá phổ biến trên thị trường.