Với ngành giáo dục, năm qua như một năm bản lề với đổi mới giáo dục phổ thông, siết chặt chất lượng với giáo dục ĐH. Tuy nhiên, vẫn còn đó những đầu việc bộn bề, dang dở mà ngành giáo dục phải làm trong năm 2018…
Tạo hành lang đổi mới giáo dục
Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội và phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.
Dự thảo dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung 36 điều liên quan tới bốn chính sách cơ bản: mở rộng phạm vi, nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học; đổi mới quản trị đại học, đổi mới quản lý đào tạo tiệm cận với chuẩn quốc tế, đổi mới quản lý nhà nước phù hợp với điều kiện tự chủ đại học. Những sửa đổi, bổ sung này nhằm gỡ bỏ các vướng mắc để phát triển giáo dục đại học, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc, thông thoáng, hấp dẫn để thực hiện tốt tự chủ đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời khuyến khích thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế tham gia phát triển giáo dục đại học.
Bộ GD-ĐT cũng công bố bản dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung 120 điều, trong đó có bốn vấn đề nổi cộm gồm: đề xuất tăng lương giáo viên lên thang bảng cao nhất trong hệ thống lương công chức; miễn học phí bậc THCS; nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học và phân luồng, định hướng nghề nghiệp THPT.
Đề xuất trên của Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia và toàn xã hội, tuy nhiên cũng đã gây “sóng” trong dư luận. Đặc biệt, vấn đề tăng lương giáo viên đã gây ra nhiều ý kiến khác nhau. Một luồng cho rằng, Bộ GD-ĐT đề xuất tăng lương giáo viên là việc làm cần thiết trong bối cảnh đổi mới nhằm nâng cao đời sống cho giáo viên cũng đồng nghĩa với nâng cao chất lượng dạy và học. Bên cạnh đó, cũng có luồng dư luận cho rằng, đề xuất tăng lương của Bộ khó có thể khả thi bởi nhìn vào ngân sách hiện nay, khó có thể tăng lên hàng nghìn tỉ để đáp ứng cho gần 1,4 triệu nhà giáo, nhà quản lý giáo dục. Có chuyên gia khẳng định, một khi cuộc sống của giáo viên còn thiếu thốn thì đừng mong đổi mới giáo dục thành công.
Đến 2020, ĐH chuyển sang cơ chế tự chủ
Ngày 31-12, Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập chính thức hết hiệu lực. Cho đến thời điểm hiện tại, có 23 trường ĐH đã được giao quyền tự chủ.
Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 77 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực, các cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn thí điểm đã có những thành tựu nhất định trong việc thu hút người học và đảm bảo nguồn thu, được xã hội công nhận. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nhạ cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, tự chủ đại học ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, chính sách, pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ, bất cập; cơ chế quản lý theo chế độ bộ chủ quản không còn phù hợp.
Trong khi đó, ngay tại hội nghị nhiều trường ĐH bày tỏ lo lắng khi ngày 31-12 Nghị quyết 77 hết hiệu lực, việc thực hiện tự chủ của các trường không biết sẽ như thế nào. Còn theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, tự chủ giáo dục ĐH của Việt Nam hiện nay giống như “chiếc khóa có hai chìa với bốn nấc”. Trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục ĐH, tự chủ được quy định rất rõ để tạo hành lang pháp lý cho các trường ĐH chuyển sang cơ chế tự chủ từ nay đến 2020.
Đào tạo tiến sĩ, không thể một bước hóa rồng
Quốc hội vừa phê chuẩn ngân sách cho đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2012-2016 (đề án 911). Với dư luận xã hội, đề án này còn rất nhiều câu hỏi liên quan đến chất lượng đào tạo, hiệu quả đào tạo. Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã vào cuộc và chỉ ra một số bất cập trong quá trình thực hiện đề án. Trong đó phải kể đến việc tuyển sinh ở cả ba phương thức đào tạo (ra nước ngoài, trong nước, phối kết hợp) đều không đạt chỉ tiêu đưa ra.
Không những thế, với phương thức đào tạo trong nước tuy yêu cầu đầu vào cao hơn nhưng chất lượng đào tạo không khác chương trình đại trà. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đào tạo tiến sĩ vẫn rất cần cho các trường ĐH. Tuy nhiên, không thể vì đạt mục tiêu mà phải làm bằng mọi giá. Đề án 911 là một bài học đắt giá khi đặt ra mục tiêu quá cao so với khả năng thực hiện thực tế. Trong khi đó, mức học bổng để hỗ trợ nghiên cứu sinh lại không hấp dẫn, nhất là trong nước, khiến các nghiên cứu sinh có năng lực đều không mặn mà.
Dạy ngoại ngữ không đạt mục tiêu
Tháng 12-2017, Thủ tướng ký quyết định phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025. Theo đó, đề án đặt mục tiêu đổi mới việc dạy học ngoại ngữ theo từng cấp như sau: Giáo dục mầm non, mục tiêu năm 2020 hoàn thành việc ban hành chương trình và học liệu làm quen ngoại ngữ cho trẻ; Đối với giáo dục phổ thông, năm 2020 hoàn thành chương trình môn ngoại ngữ tự chọn lớp 1, lớp 2.
Đến năm 2025, phấn đấu 100% học sinh từ lớp 3 – lớp 6 được học chương trình ngoại ngữ 10 năm (từ lớp 3 đến lớp 12). Đến năm 2025, có 50% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành nghề đào tạo. 100% sinh viên tốt nghiệp đạt yêu cầu theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên và khung năng lực giáo viên ngoại ngữ theo các cấp học và trình độ đào tạo…
Như vậy, với sự điều chỉnh Đề án ngoại ngữ giai đoạn mới thì Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 với tổng kinh phí được phê duyệt là 9.378 tỉ đồng trước đó đã không đạt mục tiêu. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời trước Quốc hội cũng phải thừa nhận: Đề án không đạt mục tiêu.
Trước việc điều chỉnh, bổ sung đề án dạy học ngoại ngữ, năm 2018, Bộ GD-ĐT sẽ còn nhiều việc để làm. Trong đó, điều quan trọng là củng cố, nâng cao chất lượng giáo viên, triển khai chương trình dạy học mới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, làm sao để trẻ đến trường có môi trường học ngoại ngữ tốt, không phải đôn đáo, ngược xuôi học thêm ở các trung tâm như hiện nay.
Chưa có chương trình bộ môn, làm sao viết SGK?
Trước yêu cầu đổi mới, cuối năm 2015, Thủ tướng phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới nhằm chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Đề án có kinh phí dự trù khoảng 777,8 tỉ đồng.
Đề án được phê duyệt thì chương trình, sách giáo khoa mới phải lấy học sinh làm trung tâm. Thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Xây dựng chương trình, thẩm định, ban hành trước làm cơ sở cho việc biên soạn sách.
Tháng 7-2017, Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa thông qua chương trình tổng thể và xác định chương trình giáo dục phổ thông gồm hai giai đoạn cụ thể tuy nhiên, chương trình được các chuyên gia đánh giá là chưa bám sát thực tiễn.
Cụ thể, điều kiện thực hiện chương trình trên thực tiễn còn chưa đáp ứng được. Ví như cơ sở vật chất trường học nhiều nơi thiếu thốn, giáo viên các bậc nơi thừa, nơi thiếu. Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa khó có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Lãnh đạo các sở giáo dục đào tạo khi được hỏi đều băn khoăn về hiệu quả của chương trình.
Vì vậy, cuối tháng 11-2017, gần 90% đại biểu Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh lộ trình triển khai chương trình, sách giáo khoa. Cụ thể, sẽ lùi hai năm so với quy định cũ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chương trình, sách giáo khoa còn chưa đưa ra lấy ý kiến về chương trình bộ môn. Điều này sẽ gây khó khăn cho các tác giả viết sách giáo khoa, bởi việc viết sách phải đảm bảo cả yếu tố thực nghiệm. Nếu tác giả triển khai viết sách sớm thì sau này khó có thể phù hợp với những điều chỉnh của chương trình bộ môn, nhưng nếu không triển khai sớm thì 1-2 năm nữa lại rơi vào tình thế gấp gáp, khó đảm bảo chất lượng.
- Theo Tiền Phong