“Chưa năm nào khách đến với festival hoa Đà Lạt thấp như năm nay, cứ như thế này Đà Lạt sẽ tự chết”, Tân, tài xế hãng taxi giá rẻ Vina Gold, nói với tôi như thế sáng ngày 24/12.
Chạy ngang qua khán đài bên bờ hồ Xuân Hương mà tối hôm trước khai mạc festival, Tân nói: “Năm trước người ta còn bắn pháo hoa được vài phút, năm nay chỉ bắn được hai quả chưa đến 30 giây. Những năm trước hoa nhiều và đẹp lắm, năm nay chỉ lèo tèo vài con đường. Khách đến rất ít, hôm qua em chạy còn kha khá, chứ sáng giờ mới chạy được hai cuốc”.
Dọc theo các con đường quanh bờ hồ và lối lên chợ, hoa tươi vẫn được bày biện và tạo dáng, nhưng nếu nhìn kỹ, nó chẵng có gì là bản sắc của “xứ sở ngàn hoa” mà na ná như ở bất kỳ lễ hội nào ở các tỉnh, thành khác.
Thu, 28 tuổi, nhân viên một quán càphê ngay lối lên chợ, nói: “Người ta cắt hoa ngoài vườn bỏ vào chậu, mang đến đây chưng bày vài ngày rồi vất nó vào thùng rác, vì đã hết công năng. Năm nào cũng như thế, có gì khác đâu”.
Trong khi thiếu ý tưởng để làm những điều mới lạ, thú vị, thì du lịch Đà Lạt lại vẫn thừa những bê bối cố hữu. Minh, một kỹ sư từ TP.HCM lên chơi, là nạn nhân của chuyện lừa đảo. Anh cho biết: “Đi du lịch nhiều nơi, tôi vẫn có thói quen lên mạng book phòng trước, nghe nói homestay Đà Lạt thú vị lắm cũng muốn ở thử cho biết, nào ngờ đến nơi mới hỡi ôi đó chỉ là một nhà trọ nhếch nhác và dơ bẩn”.
Tại nhà nghỉ Trâm Anh trên đường Đoàn Thị Điểm, ông Đức, chủ nhà nói: “Thật ra Đà Lạt giờ đây chẳng còn gì để thu hút khách. Người ta đến đây may ra chỉ vì muốn tận hưởng khí hậu”. Tại nhà nghỉ này cũng như các nhà nghỉ và khách sạn dọc con đường, người ta treo bảng “Còn phòng”, một hiện tượng hiếm thấy trước nay.
Theo anh Tâm, chủ một homestay trên đường Bùi Thị Xuân, lượng khách đến Đà Lạt năm nay giảm sút thê thảm, vì du khách ngày càng khó tính và có nhiều chọn lựa. Cũng số tiền bỏ ra, họ muốn thưởng thức những gì mới mẻ, hấp dẫn chứ năm nào cũng lễ hội, chưng bày hoa và ca hát thì có gì hay ho đâu. “Thời buổi cạnh tranh khốc liệt, phải chú trọng vào ý tưởng và chất lượng, chứ rập khuôn, ăn xổi ở thì chỉ có nước chết”.
Tối 24/12, lượng khách đông hơn buổi sáng, 22 giờ khu vực xung quanh bùng binh cạnh hồ Xuân Hương và lối vào chợ đêm người người tấp nập, ùn ứ giao thông. Nhưng quan sát kỹ, góp phần gây ra cảnh tượng này chính là cả trăm xe bán đồ nướng, cũng như các gánh bán khoai nướng và sữa đậu nành nóng. Chốc chốc, những người buôn bán này lại nháo nhác xách đồ đạc bỏ chạy khi thấy bóng dáng công an.
Nhưng cảnh bát nháo đâu chỉ diễn ra ở đây. Tại sân khấu dựng vội trước rạp hát cạnh chợ Đà Lạt là lễ hội Vang Đà Lạt. Vài ca sĩ trong nước và nước ngoài phô diễn các bản nhạc rock với âm thanh được mở hết công suất, mà đi cách xa vài trăm mét người ta vẫn nghe thấy. Quanh đó, vài ba chiếc bàn được kê ra để mời người qua đường nếm thử rượu vang.
“Người ta chỉ tồn tại với chừng đó ý tưởng thôi thì làm sao phát triển được”, ngồi uống càphê với tôi tại quán Home trên đường Cô Giang, Quỳnh, 29 tuổi, người sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, nói. Trước đó vài năm, Quỳnh xuống TP.HCM lập nghiệp, nhưng nhớ nhà quá nên cô bỏ tất cả trở về quê sống.
Là một người trẻ, Quỳnh muốn làm điều gì đó cho quê hương mình, nhưng mọi thứ không dễ chút nào. Vì Đà Lạt, như cô nói, giờ đây đang “xuống cấp” từ môi trường, văn hoá cho đến tổ chức.
Theo An Lành / TGTT