Bản báo cáo Giám sát Toàn cầu (GMR) năm 2012 của hai tổ chức tài chính hàng đầu thế giới là Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra nhận định là một sự gia tăng đột biến giá cả thực phẩm trên thế giới sẽ khiến các nước có thu nhập thấp khó đạt được sự bình ổn giá cả và thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội. Đến nay, viện trợ quốc tế dành cho nông nghiệp, thực phẩm và dinh dưỡng chỉ mới đạt 10% những cam kết được các nước giàu đưa ra vào năm 2010. Dự kiến mức viện trợ sẽ tiếp tục giảm mỗi năm khoảng 0,2%, riêng lĩnh vực dinh dưỡng, mức hỗ trợ chỉ chiếm 0,3% tổng mức chi tiêu của thế giới. Theo nhà nghiên cứu Danielle Nierenberg thuộc Viện Tầm nhìn Quốc tế, trong suốt 30 năm qua, đã tồn tại một khuynh hướng quay lưng lại với nông nghiệp, do đó để thoát khỏi cuộc khủng hoảng về giá cả thực phẩm, cần hướng sự chú ý đến nông nghiệp. Mặt khác, trong một thời gian dài, cộng đồng quốc tế đã không có sự chuẩn bị thích hợp để đối phó với những gì đang xảy ra, chủ yếu ở các nước châu Phi, châu Á và châu Mỹ La tinh. Hiện chỉ có chín chính phủ châu Phi đầu tư trên 10% ngân sách cho nông nghiệp và không hề có một sự cải tiến nào kể từ khi các mục tiêu thiên niên kỷ được cộng đồng quốc tế nhất trí đề ra (năm 2000).
Hội chợ Nông nghiệp Paris 2012, nơi giao dịch các mặt hàng lương thực với số lượng lớn
Nhận định về triển vọng giải quyết vấn đề thực phẩm cho năm 2012, một chuyên gia kinh tế cao cấp của FAO là Abdolreza Abbassian cảnh báo rằng trong nửa đầu năm nay, giá cả còn tiếp tục gia tăng, nhất là bắp, đậu tương và có thể cả lúa mì. Các nước nghèo bị tác động mạnh nhất bởi tình trạng này do họ không sản xuất đủ thực phẩm để sử dụng mà phải nhập khẩu thêm hằng năm. Ước tính trong thời điểm 2011-2012, các nước thu nhập thấp và thiếu lương thực sẽ phải nhập khẩu một lượng ngũ cốc trị giá lên đến 32,62 tỉ USD, cao hơn cả mức 32,28 tỉ USD của thời điểm 2010-2011. Áp lực giá cả sẽ đè nặng lên vai các nhà hoạch định chính sách và đe dọa sự ổn định xã hội, vì người ta chưa thể quên được rằng sự tăng giá các thực phẩm chủ yếu là một trong những nguyên nhân chính gây ra các cuộc nổi dậy “mùa Xuân Ả Rập” tại Bắc Phi và Trung Đông trong năm qua. Hiện nay, tại Bắc Phi, đặc biệt ởTunisiavà Ai Cập, các khoản trợ cấp thực phẩm đã đạt đến mức tối đa và giá cả thực phẩm phải tăng song hành với sự gia tăng của giá dầu. Một trong những giải pháp cơ bản được GMR đề xuất là tự do hóa các chế độ mậu dịch với các hình thức mậu dịch đa phương, vì khuyến khích mậu dịch sẽ giúp nâng cao mức độ an ninh lương thực cho các quốc gia nghèo. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, tự do hóa mậu dịch không phải là cốt lõi của vấn đề, điều quan trọng là phải dành cho lĩnh vực nông nghiệp sự quan tâm thích đáng, từ đó mang lại sự an toàn cho người nông dân cùng giới tiêu dùng.
Lê Nguyễn tổng hợp