Cà phê thì đầy ra đó thôi. Tiệm lớn trang trí bờ tường cây, suối nước, mang những tên mê ly gợi cảm như “Khúc ban chiều”, “Sỏi đá”, “Em tôi”, “Đừng quên”… Nhiều lắm! Thỉnh thoảng lại một tiệm mới hoành tráng ra đời. Bên hông các tòa nhà lớn, các ngân hàng, khách sạn lại có “cà phê dù” lịch sự.
Đó, nhiều như vậy mà dám nói “không dễ có bạn cà phê”? Những ai ngồi đầy ở các quán xá đó, không phải bạn cà phê thì là gì? Nhiều quán nhiều hàng, nhưng trong đó ít ai ngồi một mình lắm. Bạn bè nhiều vậy, nhưng ta có thể chia ra nhiều loại. Bạn đi ăn sáng, ăn trưa rất đông, nhưng hỏi họ có nói chuyện gì sâu kín quan trọng với nhau không thì câu trả lời là “hiếm lắm”.
Nếu ăn uống mà cái đầu phải nghĩ ngợi, buồn đau, thậm chí vui nổ trời đi chăng nữa, thì còn ai chú ý đến ăn nữa? Cho nên, “đi ăn” có nghĩa ăn là mục đích chính. Mọi người cũng vui vẻ nói cười, nhưng chủ yếu vẫn là ăn. Thậm chí có lúc cả một hội kéo nhau vào quán. Hội teen thì chỉ ghé các quán trà chanh, thịt bò khô gỏi cuốn, chứ không vào tiệm lớn.
Tiền đâu mà vào! Các hội kéo vào quán có khi là các bác tóc đã muối tiêu, xách cặp táp, đi xe xịn. Nhưng trông họ chẳng có tác phong gì quan chức, mà cười đùa rổn rảng. Chú ý nghe, có khi họ gọi nhau là… thằng, con, mày, tao. Đó là những cuộc họp mặt lớp học cũ. Nhiều lớp lắm – phổ thông, đại học, có khi là lớp học chính trị, nghiệp vụ.
Chuyện của họ có những gì? “Này thằng kia, tao không hiểu sao mày lại là tiến sĩ, mà lên lớp giảng cái gì? Có giỏi bữa nào giảng cho tao nè!”. Thử nghĩ, nếu học trò mà nghe thấy thầy mình bị gọi như vậy thì sao nhỉ. Họ tranh nhau nói, không biết mình gắp cái gì, đang ăn cái gì. Chuyện ngày xưa anh nào hẹn chị nào, ai hôn ai thì bị bắt gặp…
Bây giờ toàn chức lớn, “đổ xuống một xe toàn tiến sĩ”… Đó, loại bạn nhốn nháo này có gọi cà phê đi nữa, hỏi họ có biết ly cà phê mình đang uống có vị gì, đố trả lời được đấy. Mà họ thì dư sức gọi loại đắt tiền. Cà phê chồn chứ gì? Họ đùa nhộn nhạo: “Lấy đâu ra chồn mà ị ra cà phê chồn lắm thế!”. Một người kêu lên: “Chồn ăn thua gì, bây giờ có cả cà phê phân voi một triệu đồng một ly kia kìa”…
Vậy cà phê đúng nghĩa phải thế nào? Như thế nào, tiêu chuẩn gì mới được gọi là bạn cà phê? Có ai quy định đâu! Đại thể là phải yên tĩnh để con người có thể cảm nhận được không gian và rồi không gian xung quanh sẽ hỗ trợ cho cảm xúc. Nếu buồn thì tiếng nước róc rách, làn gió hiu hiu như trở lạnh làm liên tưởng đến những kỷ niệm đã qua, thấy rõ mình hơn, mình đã trưởng thành hay chưa…
Nếu vui thì từng giọt cà phê đậm đà sóng sánh rơi xuống ly cũng tạo cảm giác vui tươi. Người ta lắng nghe nhau, thấu hiểu và chia sẻ những điều ý nghĩa. Chữ “giải khát” hình như không đúng với cà phê. Cơn khát phải đáp ứng bằng ly nước to và lạnh, được uống như “cấp cứu” cơn khát. Chính vì thế, trong mọi quán cà phê đều có bán thêm rất nhiều loại nước uống khác nhau, trà lipton chanh đường, nước cam, trái dừa tươi.
Có người uống cà phê đá khi trời nóng. Còn bạn cà phê chính hiệu hay uống cà phê phin, chờ chảy từng giọt, nói chuyện ít lời mà hiểu nhiều. Vậy chỉ có những đôi yêu nhau khi mới gặp lần đầu e ấp, còn đang thăm dò nhau? Giọt cà phê lúc này như bạn đồng hành cùng những suy nghĩ từ từ, cẩn trọng và e ấp, ý nhị… Đến lúc đã quen nhau rồi thì biết ai thích gì, khỏi “điều tra” gì nữa. Giọt cà phê lúc này như vui chào nhanh nhảu chờ đôi bạn.
Đọc đến đây, có người sẽ kêu lên: “Trời đất! Uống là uống, nước gì chẳng được, giải khát thôi mà, cứ tán ra lắm ý nghĩa, cứ như là… PR cho cà phê vậy?”. Xin thưa, không phải đâu, bạn cứ để ý mà xem, bạn bè thì đông nhưng bạn cà phê thì có khác đấy…