Năm 2012, Cục Thuế TP.HCM được giao chỉ tiêu thu thuế gần 150.000 tỉ đồng, chiếm gần 30% tổng số thu ngân sách của ngành thuế cả nước. Tuy nhiên, thu ngân sách chỉ đạt trên 92% chỉ tiêu được giao. Đây là năm đầu tiên TP.HCM không hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, nhiều chi cục chỉ đạt số thu trên 80%.
Một quan chức ngành thuế TP.HCM cho biết: “Thu từ thuế GTGT mới đạt trên 70% vì hiện 40% doanh nghiệp làm ăn đều không có lãi”.
Khách hàng mua sắm trong siêu thị Metro
Tình hình thu ngân sách năm 2013 được dự báo vẫn có nhiều khó khăn. Nguồn thu năm sau có nguy cơ không tăng, nên ngoài việc giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn để có điều kiện góp phần tăng nguồn thu ngân sách và giám sát các khoản chi tiêu của nhà nước, còn có một vấn đề quan trọng không kém, đó là rà soát lại tình hình thu thuếở các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) mà doanh số lẫn lợi nhuận đều rất cao nhưng lâu nay vẫn báo lỗ để không làm nghĩa vụ thuế.
Trên các phương tiện truyền thông gần đây xuất hiện nhiều nghi vấn chung quanh hoạt động lời thật lỗ giả của các doanh nghiệp FDI. Chẳng hạn, theo báo cáo hoạt động kinh doanh của Công ty Coca-Cola tại Cục thuế TP.HCM, trong nhiều năm có mặt tại thị trường Việt Nam công ty này liên tục thua lỗ.
Theo đó, năm 2006 công ty này đạt doanh thu 1.026 tỉ đồng nhưng lỗ đến 253 tỉ đồng; năm 2007 lỗ 198 tỉ đồng; năm 2010 doanh thu lên đến 2.529 tỉ đồng nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỉ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỉ đồng và năm 2011 mức lỗ là 39 tỉ đồng. Theo số lũy kế đến năm 2011 công ty này đã lỗ tổng cộng 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng. Như vậy trung bình mỗi năm Công ty Coca-Cola lỗ 100 tỉ đồng.
Giải thích về tình trạng này, ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc đối ngoại Công ty Coca-Cola Việt Nam nói rằng không có được lợi nhuận là do lạm phát cao, giá nguyên liệu đầu vào tăng, lãi vay tăng và do công ty mới đầu tư vào dây chuyền sản xuất và mạng lưới phân phối.
Vì thua lỗ nên mặc dù hơn cả chục năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam không phải đóng đồng nào cho nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp, mà chỉ phải đóng một số khoản thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài.
Sự việc này cũng đã được cơ quan chức năng mà trực tiếp là Cục thuế TP.HCM đặc biệt chú ý đưa doanh nghiệp này vào danh sách công ty có nghi vấn về dấu hiệu “chuyển giá”. Qua việc mua nguyên liệu sản xuất từ công ty mẹ, doanh nghiệp này luôn khai báo với cơ quan thuế giá thành nguyên liệu cao nhằm đẩy giá chi phí sản xuất tăng khiến tình trạng kinh doanh luôn ở mức lỗ. Điều đáng nói là cơ quan thuế trong nhiều năm vẫn không thể xác minh tính xác thực của vụ việc. Lý do là hiện nay Việt Nam vẫn chưa có hệ thống, những quy phạm pháp luật tương thích có thể điều chỉnh biểu hiện chuyển giá.
Một dẫn chứng khác là trường hợp của Metro Cash & Carry Việt Nam. Tập đoàn này, người dân quen gọi là Metro, vừa khai trương trung tâm bán sỉ mới tại Hà Nội. Đây là trung tâm thứ 19 của Metro tại Việt Nam, có tổng diện tích bán hàng lên tới 5.100m², cung ứng hơn 25.000 mặt hàng các loại.
Quá trình phát triển có phần vũ bão như vậy nhưng các báo cáo tài chính của Metro lại không hề như mong đợi. Liên tiếp trong nhiều năm, công ty này báo lỗ với ngành thuế với mức lỗ cao nhất trong số các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Một báo cáo của Tổng cục Thuế cho hay, Metro Cash & Carry, khai lỗ từ năm 2001 đến 2009 là 1.157 tỉ đồng, đứng đầu bảng trong danh mục các doanh nghiệp FDI khai lỗ. Sau khi số liệu này được công bố, đã có nhiều ý kiến nghi ngờ về khả năng chuyển giá tại doanh nghiệp này.