Doanh thu ngành du lịch trên nền tảng các ứng dụng di động đã tăng đến 58,1% trong giai đoạn 2013-2016, vượt qua mức tăng trưởng của doanh số ngành du lịch trực tuyến và dự kiến sẽ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn từ năm 2017-2020, theo kết quả nghiên cứu của công ty công nghệ tiếp thị trên hiệu suất Criteo.
Có thể thấy, ứng dụng di động (mobile app) đã thay đổi cách kinh doanh trong ngành du lịch những năm gần đây. Sự bùng nổ của tiện ích di động đã tác động mạnh đến ngành công nghiệp du lịch, giúp cho việc đặt vé máy bay, tìm phòng khách sạn… trở nên dễ dàng. Theo một nghiên cứu gần đây, các ứng dụng di động về du lịch đứng thứ bảy trong nhóm được tải về điện thoại phổ biến nhất. Nghiên cứu cho thấy du lịch vẫn là một ngành mà người Việt Nam quan tâm, trong năm 2016, người Việt Nam đã có 6,9 triệu lượt đi du lịch nước ngoài và 52,8 triệu lượt du lịch trong nước, chi tiêu cho giải trí và thư giãn dự kiến sẽ tăng 7,7% trong giai đoạn 2017-2020. Hiện có khoảng 30% số người dùng mobile app để tìm kiếm giá máy bay hoặc phòng giá rẻ, 8% khách hàng chỉ sử dụng ứng dụng di động để lên lịch trình và đặt vé. Ngoài ra, số người dùng smartphone để kiểm tra thời tiết, xem bản đồ, tìm kiếm các dịch vụ ăn uống… cũng đạt trên 55% số người tham gia khảo sát. Có đến 79% người chọn lựa sử dụng điện thoại thông minh thay vì máy tính để bàn hay máy tính xách tay bởi vì họ có thể sử dụng khi di chuyển và 90% người đã nhấn vào các quảng cáo được nhắm đến họ.
Theo đó, ngày càng nhiều đơn vị kinh doanh lữ hành biết tận dụng triệt để các ứng dụng di động để tiếp cận người dùng nhằm giới thiệu dịch vụ, cung cấp công cụ đặt vé trực tuyến và giao tiếp với khách hàng tiềm năng trên khắp thế giới. Chẳng hạn như ứng dụng tra cứu thông tin du lịch của Vietravel trông khá bắt mắt với giao diện hình ảnh đẹp, rõ ràng, còn ứng dụng tìm kiếm nơi lưu trú của Agoda được biết đến với các tính năng dễ sử dụng, thanh toán nhanh chóng…
Theo nghiên cứu của Criteo, người dùng mong muốn các app du lịch tập trung vào việc cung cấp trải nghiệm di động thân thiện, dễ điều hướng, có các tính năng bổ sung hay các phương thức thanh toán an toàn. Nghiên cứu cũng cho thấy ba yếu tố có tính quyết định đối với việc sử dụng dịch vụ du lịch trên điện thoại là sự thuận tiện (91%), tiết kiệm thời gian (66%) và dễ so sánh các sản phẩm du lịch trực tuyến (62%). Ngoài ra, giá cả cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch sang mua sắm du lịch trực tuyến, với gần một nửa số người được hỏi cho rằng một số chương trình khuyến mãi hoặc giảm giá chỉ có trên mạng.
Theo ông Alban Villani, Tổng giám đốc của Criteo Đông Nam Á – Hongkong và Đài Loan, thì khi mua hàng trực tuyến qua điện thoại di động trở nên ngày càng phổ biến hơn, các doanh nghiệp du lịch và đại lý du lịch trực tuyến cần phải đầu tư nhiều hơn vào công cụ tiếp thị được cá nhân hóa. Điều này được hiểu là cách hiển thị quảng cáo cho người mua sắm dựa trên những gì họ đang xem và hiển thị các đề xuất bổ sung cho những gì họ đã mua. Các nhà bán lẻ khi nhận thức được điều này đúng đắn sẽ có thể thúc đẩy các hoạt động trực tuyến một cách hiệu quả.
Xem thêm:
- Đặt vé xe khách trực tuyến: Cuộc “cách mạng” mang tiện ích đến cho người dân
- Mạng đặt chỗ online trước sức ép của người khổng lồ
- Dịch vụ đặt phòng trực tuyến: doanh nghiệp nội chưa giành được ưu thế