Vài tuần trước, Rachel Anderson, Giám đốc marketing của một công ty đa quốc gia tại Việt Nam đã quyết định sẽ trải qua kỳ nghỉ chín ngày trong tháng 8 này tại Thái Lan, thay vì nghỉ dưỡng toàn thời gian ở một resort tại biển miền Trung Việt Nam như cô dự tính trước đó. Lý do là trong cả tháng liên tiếp, trang Facebook của cô liên tục có những hình ảnh, video clip kèm nội dung thông tin vô cùng hấp dẫn về chiến dịch Women’s Journey mà Thái Lan đang quảng bá rầm rộ. Cũng như năm ngoái, chiến dịch trên diễn ra trong suốt tháng 8 với rất nhiều ưu đãi về giá cho du khách nữ, bên cạnh đó là nhiều dịch vụ làm đẹp, mua sắm, các khóa học thủ công mỹ nghệ, nấu ăn được nâng cấp, làm mới… Rachel Anderson thuộc phân khúc khách hàng chi tiêu cao mà ngành du lịch nước Thái đã đổ nhiều công sức để nghiên cứu thói quen, hành vi chi tiêu – giải trí. Hơn nữa cô còn thuộc tầng lớp phụ nữ độc thân thích đi du lịch. Tầng lớp này đang tăng nhanh trên toàn cầu về số lượng cũng như mức chi tiêu nên tất nhiên, họ là đối tượng chăm sóc đặc biệt của các quốc gia mạnh về dịch vụ du lịch, mua sắm, chăm sóc sắc đẹp.
Không thể lạc quan khi nhìn ra toàn khu vực
Mấy năm qua, Bộ Du lịch Thái Lan (TAT) mỗi năm được cấp ngân sách hoạt động lên đến hơn 220 triệu USD. Ngoài mục tiêu đạt được 78 tỉ USD doanh thu năm 2017 (trong đó doanh thu từ khách quốc tế ước sẽ đạt 50 tỉ USD), khoản ngân sách này còn nhằm để ngành du lịch Thái tiếp cận và thu hút được phân khúc du khách chi tiêu cao trên thế giới. Các chiến dịch Women’s Journey, Discover Thainess (chiến dịch thu hút khách từ xứ dầu mỏ Trung Đông), Amazing Thai Taste (quảng bá ẩm thực Thái) gần đây đều có kinh phí vài chục triệu USD. Toàn bộ các khâu từ nghiên cứu thị trường cho đến quảng bá đều do những công ty sự kiện, quảng cáo hàng đầu châu Á thực hiện.
Không có được nguồn ngân sách lớn như Thái Lan nhưng Campuchia cũng được đánh giá là quảng bá du lịch khá hiệu quả so với điều kiện còn hạn chế. Từ năm 2013, ngân sách quảng bá du lịch của Campuchia đã tăng từ 2 triệu USD lên đến 3,5 triệu USD mỗi năm. Vương quốc này chi gần cả triệu USD mỗi năm suốt từ 2011 đến nay để hình ảnh đất nước đều đặn xuất hiện trên kênh truyền hình CNN. Khi quảng cáo trên internet bắt đầu bùng nổ, Campuchia cũng là quốc gia nắm bắt xu hướng khá sớm khi thực hiện quảng bá trên Facebook và Google từ đầu năm 2010. Dù không có chương trình Năm du lịch quốc gia mỗi năm một lần như Việt Nam, tốc độ tăng trưởng du khách giai đoạn 2011-2016 của Campuchia vẫn đứng trên Việt Nam.
Tiếp sau Singapore, Thái Lan, Malaysia, giờ đây mức đầu tư của chính phủ Campuchia cho ngành du lịch đang trở thành mơ ước của nhiều người Việt Nam. Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) diễn ra ngày 31-7 vừa qua, nhóm doanh nghiệp du lịch đã nhận xét: “Xúc tiến du lịch Việt Nam mỗi nơi làm một kiểu, mỗi nơi làm một thương hiệu, thiếu đồng bộ và không hiệu quả. Đầu tư cho quảng bá của du lịch Việt Nam thuộc hàng thấp nhất Đông Nam Á, thậm chí còn kém hơn cả Campuchia và Lào”. Dù số lượng khách nước ngoài đến nước ta đang tăng nhanh, tất cả các ý kiến của các doanh nhân ngành du lịch tại VPSF đều bày tỏ nỗi lo lắng trước sự tụt hậu khá xa của Việt Nam so với khu vực. Sự lo lắng của họ là hoàn toàn có cơ sở. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chi tiêu chính phủ Việt Nam dành cho ngành du lịch xếp hạng 114 (trên 136 quốc gia được khảo sát); mức độ ưu tiên cho ngành du lịch xếp hạng 101; chất lượng hạ tầng du lịch xếp hạng 113; chỉ số yêu cầu thị thực nhập cảnh xếp hạng 116 (thấp nhất trong các nước ASEAN).
Doanh nghiệp sẽ đóng góp nếu Nhà nước chịu chi và minh bạch
Tại Hội nghị xúc tiến du lịch năm 2017 diễn ra sáng ngày 3-8 vừa qua tại Hà Nội do Tổng cục Du lịch tổ chức, ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho biết du lịch Việt Nam mới chỉ đứng thứ 6 tại ASEAN về mức đóng góp trực tiếp cho GDP. Bên cạnh đó, một hạn chế đáng kể của Việt Nam hiện nay là không có cơ quan chuyên trách về xúc tiến du lịch. Với ngân sách 2 triệu USD/năm, hoạt động quảng bá không thể tránh khỏi bị tụt hậu. Thêm vào đó, khoản kinh phí này còn bị giới doanh nghiệp đánh giá là chưa hiệu quả. Hằng năm, chương trình Năm du lịch quốc gia đã chiếm đến một nửa khoản ngân sách quảng bá. Dù vậy, chương trình này lại ít có sự tham dự của các hãng lữ hành và du khách – đối tượng chính cần quảng bá. Mặt khác, các hoạt động trong chương trình còn mang tính hình thức và chú trọng tính văn hóa, lễ hội hơn là làm kinh tế du lịch. Mục tiêu của Năm du lịch quốc gia là giới thiệu, xây dựng được sản phẩm mới của du lịch địa phương để phục vụ khách quanh năm. Thế nhưng, các hoạt động liên kết với các công ty lữ hành để bán sản phẩm hầu như chỉ sôi động vào buổi đầu, sau đó thì mờ nhạt hẳn.
Vừa qua, Hội đồng Tư vấn Du lịch đã thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp đầu tư du lịch, bước đầu thu hút được hơn mười doanh nghiệp tham gia với số tiền đóng góp 25 tỉ đồng để hỗ trợ công tác xúc tiến. Ông Hoàng Nhân Chính cho rằng, mối quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp trên là số tiền đóng góp phải được sử dụng hiệu quả, minh bạch, có kế hoạch rõ ràng và có định hướng cụ thể. “Tôi cho rằng nên thành lập hội đồng tư vấn du lịch quốc gia theo cơ chế hợp tác công – tư có sự tham gia của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có quyền đóng góp ý kiến về thu hút nguồn tiền từ đâu, sử dụng vào việc gì. Nếu chỉ thành lập Cục Xúc tiến Du lịch thuần túy là cơ quan quản lý Nhà nước thì e rằng những đóng góp từ doanh nghiệp sẽ khó được tiếp nhận thì cách sử dụng khó hiệu quả”, ông Hoàng Nhân Chính đề xuất. Từ lâu ở nhiều nước, sự hợp tác tốt giữa công và tư đã tạo nên nguồn quỹ xúc tiến du lịch quốc gia dồi dào. Tuy nhiên Nhà nước luôn nhất thiết phải dành ra khoản ngân sách hợp lý gọi là vốn mồi ban đầu, từ đó các doanh nghiệp mới sẵn sàng tham gia. Quan trọng hơn nữa, chỉ khi các khoản chi cho công tác xúc tiến được công khai minh bạch thì mới có thể thu hút được đông đảo doanh nghiệp đóng góp.
Giữa tháng 7 vừa qua, kênh truyền hình CNN công bố 50 món ăn hấp dẫn nhất thế giới do 35 ngàn khán giả của kênh này bầu chọn thông qua Facebook. Thái Lan có bảy món lọt vào danh sách, Việt Nam có hai món là phở và gỏi cuốn. Trong khi tại Việt Nam hầu như chẳng có tổ chức nào quan tâm đến thông tin trên, Thái Lan đã nhanh chóng làm truyền thông cho sự kiện và chỉ hai tuần sau, TAT công bố kế hoạch đưa bảy món ăn được bầu chọn vào các sự kiện thuộc chiến dịch Amazing Thai Taste.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel thì kết quả nhiều cuộc khảo sát cho thấy có đến hơn 80% du khách cho rằng ẩm thực là một trong những thứ tạo ấn tượng mạnh nhất trong hành trình. Đặc biệt, du khách dành đến 30 – 50% tổng chi phí chuyến đi để chi trả cho việc ăn uống tại các điểm đến. Bên cạnh phong cảnh và văn hóa, ẩm thực là yếu tố quan trọng mà nhiều nước đang đẩy mạnh khai thác nhằm thu hút du khách. Tuy nhiên tại Việt Nam, thế mạnh này vẫn chỉ là một trong những “tài nguyên” bị lãng phí bởi sự kém cỏi của bộ máy quảng bá, nhất là do sự tụt hậu của tư duy làm du lịch.
* Số liệu: Bộ Du lịch Thái Lan, Tổng cục Du lịch Việt Nam, Bộ Du lịch Campuchia
- Cẩm Tú
Xem thêm:
- Ngành du lịch chưa bám sát mục tiêu tăng trưởng
- Bốn điều ngành du lịch nên làm ngay
- Du lịch Việt Nam: Nâng tầm nhân lực để phát triển bền vững