Các nước ASEAN hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng, điều này khiến mặt hàng than sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với các quốc gia này. Theo báo cáo của Hiệp hội Than thế giới và Trung tâm Năng lượng ASEAN công bố mới đây, than dự kiến sẽ vượt qua khí tự nhiên vào năm 2030 để trở thành nguồn năng lượng sản xuất điện lớn nhất ở Đông Nam Á.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán công suất tiêu thụ than trong sản xuất điện vào năm 2035 sẽ tăng 150% so với năm 2013. Về mức tiêu thụ điện, IEA dự báo khu vực này sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2035. Do đó, thị phần của nhiên liệu than trong tổng các loại năng lượng sản xuất điện dự kiến sẽ tăng từ 32% vào năm 2013 lên 48% vào năm 2035.
Nhu cầu về năng lượng là thách thức và cơ hội cho ASEAN vì các chính phủ của khu vực đang tìm cách tạo ra một hỗn hợp năng lượng cân bằng các yêu cầu về xã hội, kinh tế và môi trường. Đông Nam Á đã trải qua một thời kỳ phát triển kinh tế bền vững, giúp hàng chục triệu người thoát khỏi đói nghèo và thúc đẩy sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.
Trong cùng thời kỳ, số hộ gia đình không có điện đã giảm 2/3. Xu hướng phát triển này cũng trùng hợp với sự phát triển nhanh chóng của việc sản xuất điện bằng than. Dân số của khối này dự báo sẽ tăng lên hơn 750 triệu người vào năm 2040, các thành phố trong khu vực sẽ tiếp tục phát triển và dân số ở các khu vực thành thị dự kiến cũng gia tăng.
Đến năm 2040, thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia công nghiệp mới sẽ tăng lên mức 27.000 USD so với mức 10.000 USD của năm 2013 và kéo theo đó là nhu cầu về năng lượng tăng cao. Việc liên kết giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển lĩnh vực công nghiệp là rõ ràng, các nước ASEAN sẽ được hưởng lợi từ việc đầu tư vào công nghệ sử dụng than đá có lượng phát thải carbon thấp.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Than thế giới Benjamin Sporton cho rằng việc lựa chọn công nghệ sản xuất than có lượng chất thải thấp ở Đông Nam Á là một trong những chiến lược hiệu quả nhất để giảm phát thải khí nhà kính trong khu vực. Để đạt được điều này, báo cáo đề xuất rằng ASEAN cần chuyển sang sử dụng công nghệ than HELE (hiệu quả phát thải thấp), một giải pháp thay thế hiện đại cho các cơ sở sử dụng than như hiện nay.
HELE dự kiến sẽ góp phần giúp giảm 1,3 tỉ tấn lượng phát thải khí CO2 của khu vực này đến năm 2035. Con số này tương đương với lượng phát thải hằng năm kết hợp của cả Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu. Dự báo này phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Nó phản ánh cam kết toàn cầu hiện nay nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và chống lại sự biến đổi khí hậu. Ngoại trừ Myanmar, tất cả các nước thành viên ASEAN đều đã phê chuẩn hiệp định này.
Giám đốc điều hành cơ quan Năng lượng ASEAN, Sanjayan Velautham phát biểu rằng, với khoảng 100 triệu người vẫn chưa được sử dụng điện, việc cung cấp điện giá rẻ, đáng tin cậy và bền vững là rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của ASEAN.
Ông Velautham nói thêm rằng các công nghệ than hiện đại là “cần thiết” để đảm bảo rằng than được sử dụng một cách bền vững nhằm cân bằng nhu cầu kinh tế và cam kết về khí hậu của khu vực.
- T.C theo Jakarta Globe
Xem thêm:
- ASEAN và Trung Quốc khởi động đàm phán nội dung COC
- ASEAN sẽ sử dụng nhiều than cho phát triển điện
- Thượng đỉnh ASEAN sẽ thảo luận COC