Kosovo có lẽ là cái tên khá xa lạ đối với đa số người Việt Nam nếu không có cuộc chiến giành quyền tự trị với Liên bang Nam Tư (cũ) hồi năm 1998, nhưng đối với khu vực Đông Nam châu Âu (vùng Balkan) thì đây chính là điểm du lịch nổi bật với ẩm thực, kiến trúc và di sản tôn giáo.
Năm 2011, UNESCO đã xếp Kosovo vào Top 40 các địa điểm nên ghé thăm và từ đó lượt tìm kiếm các chuyến bay đến đây trên trang Skycanner cũng tăng theo. Tranh thủ hai ngày cuối tuần, chúng tôi bay đến Pristina, đến với đất nước tự tìm lấy tự do cho mình dù cho sau sự tự do ấy, đất nước này gặp khá nhiều khó khăn do chiến tranh.
Pristina – thủ đô non trẻ
Kiến trúc ở Pristina cũng khá giống với nhiều thành phố thuộc Đông Âu nhưng thể hiện khá rõ sự tương phản giữa các kiến trúc mới xây dựng và các di tích lịch sử. Hấp dẫn du khách nhất là nhà thờ Hồi giáo Carska Džamija (được xây từ thế kỷ XV), tháp đồng hồ và khu nhà Emindžika vốn của các quý tộc phương Đông điển hình, được xây dựng từ thế kỷ XIX.
Pristina khá bụi bặm, đường phố toàn nhà với xe, vắng bóng mát cây xanh. Đại lộ lớn nhất mang tên Bill Clinton – người được người dân Kosovo coi là vị anh hùng nhờ quyết định khởi xướng cuộc không kích của NATO xuống Kosovo trong liên tiếp 78 ngày đêm, buộc quân đội Serbia phải rút lui khỏi đây hồi năm 1999. Ngay đầu đường còn có một bức tượng Clinton cao hơn ba thước và một bích chương lớn hình gương mặt với nụ cười của ông.
Dọc đường George Bush, chúng tôi đi qua khuôn viên trường đại học và dừng lại để chiêm ngưỡng Thư viện Quốc gia. Tòa nhà rộng lớn và mơ hồ này được xây dựng vào năm 1982, mặt tiền được bao phủ bằng một mạng lưới thép hình tổ ong. Khó có thể nói cấu trúc này làm tăng thêm vẻ đẹp hay làm xấu đi công trình. Khi mới khai trương, nhiều người vẫn tưởng tòa nhà đồ sộ này chỉ là dàn giáo chưa hoàn thành. Gần đây, nó đã được bình chọn là một trong những tòa nhà… xấu nhất trên thế giới!
Gần thư viện, giữa công viên thành phố là một nhà thờ Chính thống giáo chưa hoàn thành do người Serbia xây dựng rồi bị bỏ rơi vì chiến tranh. Nhìn vào bên trong qua lối vào duy nhất có thể thấy tòa nhà cũ kỹ và nứt nẻ, gian thờ hoang phế, như một nhân chứng của một quá khứ không êm đềm.
Băng qua đại lộ George Bush, chúng tôi đến với Newborn monument. Hàng chữ nặng đến chín tấn này được dựng ngày 17-2-2008, thời điểm Kosovo tuyên bố độc lập và được các họa sĩ liên tục thay đổi bằng cách sơn graffiti. Ở trung tâm của Pristina là đại lộ Mẹ Teresa, trên vỉa hè được lát đá hoa cương dành cho người đi bộ hướng tới quảng trường cùng tên – một không gian sạch sẽ và náo nhiệt nơi trẻ em chơi đùa giữa các vòi nước màu. Các quán cà phê nằm dọc hai bên, xen kẽ là các quầy hàng bán bánh kếp hoặc hạt dẻ nướng.
Với sức sống trẻ trung và hiện đại, thủ đô Pristina tràn ngập các nhà hàng phục vụ hầu như đủ mọi món ăn trên thế giới, từ các món Âu, Mỹ đến Á. Văn hóa cà phê cũng tràn vào Pristina một cách nhộn nhịp và sôi động với nhiều loại thức uống được giới trẻ ưa chuộng. Thật khó tưởng tượng ra rằng chỉ mười mấy năm trước, nơi đây còn là vùng chiến sự ác liệt.
Từ quảng trường Mẹ Teresa, chúng tôi đi về hướng Bắc, đến Old Town. Đường phố ở đây trưng bày đủ loại hàng hóa đầy màu sắc, phải chen chúc giữa các quầy áo jacket và cặp xách, balô, rau quả, nước hoa và đồ trang sức. Người đi mua sắm khá đông, ồn ã tiếng nói cười.
Ngoài rìa của Old Town là Bảo tàng Kosovo. Bỏ tiền mua vé vào cửa giá 2 euro, chúng tôi đã mục kích được những hiện vật được trưng bày tại đây. Tiếc rằng hầu hết các vật triển lãm đều được chú thích bằng tiếng Albania nên không thể hiểu rõ ý nghĩa. Giữa các vỏ hộp rách và các khẩu súng rỉ sét là một kệ treo các tờ báo, biểu đồ các sự kiện xảy ra trong hai năm 1998-1999, nổi bật dòng chữ God Bless America and NATO.
Prizren – cổ trấn thanh bình
Từ Pristina, bắt chuyến xe buýt với giá 5 euro, hai giờ sau chúng tôi đến Prizren – thị trấn gần biên giới với Albania, có lối kiến trúc cổ kính, chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa Ottoman từ thời Trung cổ. Bên cạnh những con phố cổ, nhà thờ Hồi giáo ở đây rất tráng lệ, là một điểm níu chân mọi du khách muốn tìm hiểu về di sản tôn giáo tại Kosovo. Không khí ở đây gợi nhớ đến những thị trấn Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đông đúc du khách, cũng san sát hàng quán mang nét đặc trưng văn hóa Trung Đông.
Nắng đã nhạt dần, mọi người hăng hái leo lên một con đường khá dốc trải sỏi với những bậc thang loang lổ tróc vữa để đến với pháo đài Prizren có từ thời Trung cổ. Những khoảnh đất có tầm nhìn đẹp xuống thung lũng Lumbardhi và đồng bằng Dukagjini từng thuộc về các lãnh chúa hoặc gia đình giàu có người Serbia. Chắc vì thế mà nhà thờ Chúa cứu thế được xây từ thế kỷ XIV ở một vị trí rất nổi bật trên đồi. Mặc dù vẫn được sử dụng cho đến năm 1912 nhưng pháo đài đã khá hoang tàn, không một công trình nào còn nguyên vẹn. Bên những mái vòm đã sạt lở một phần ba là chân thành lúp xúp, trơ trọi, những đống đất đá đó đây.
Tuy vậy, cả khu đồi vàng óng vẫn nổi bật trên nền xanh tươi của núi đồi xa xa. Có lẽ giá trị lớn nhất giúp pháo đài này được UNESCO đưa vào danh sách “Những công trình văn hóa cần được bảo tồn” là tầm nhìn tuyệt vời xuống thị trấn Prizren. Khó có thể diễn tả hết vẻ đẹp và sự yên bình của thành phố nhìn từ trên cao: dòng sông thẳng tắp chảy, hai bên bờ là những mái ngói đỏ tươi và những tháp nhà thờ thấp thoáng. Nắng chiều nhuộm một màu vàng cổ tích lên tất cả. Một buổi chiều lộng gió thật khó quên trong ký ức của riêng tôi.
Theo bản đồ di tích được dựng khắp nơi, chúng tôi dạo quanh những công trình văn hóa lớn của Prizren. Một trong những địa danh nổi bật là nhà thờ Hồi giáo Sinan Pasha, được xem là một biểu tượng có từ thời đế quốc Ottoman. Ở phía tây thành phố là Church of Our Lady of Ljeviš – một nhà thờ Chính thống giáo Serbia. Di sản văn hóa UNESCO này được xây dựng từ thế kỷ thứ IX, đến thời Ottoman được dùng như nhà thờ Hồi giáo, rồi lại trở về nhà thờ Chính thống giáo sau khi quân Ottoman rút đi. Đây là một công trình kiến trúc Byzantine điển hình nhất vùng Balkan, cả nội và ngoại thất đều rất bề thế và hoàn chỉnh.
Đáng tiếc là sau trận bạo động dẫn đến hỏa hoạn hồi năm 2004, nhà thờ này bị hủy hoại nặng nề, sau đó người ta dùng hàng rào dây kẽm gai để bảo vệ. Nghe nói dự án sửa chữa và khôi phục lại nhà thờ này đã được phác thảo, trị giá khoảng 500 ngàn euro với sự tham gia của các kiến trúc sư người Ý nhưng chưa có kế hoạch thực hiện cụ thể. Đang lang thang dạo phố, chúng tôi lại tình cờ đi qua một nhà thờ Chính thống giáo khác mới xây khá đồ sộ, khuôn viên đẹp đẽ được tô điểm bởi các bụi hồng đỏ thắm.
Khi trời xâm xẩm tối, chúng tôi theo những con đường lát đá đi vào khu phố cổ nhộn nhịp. Ánh đèn rực rỡ lan tỏa soi bóng trên dòng sông Bistrica, rọi lên cây cầu cổ, lên vách những hàng quán san sát ven đường, hắt quầng sáng lên bầu trời.
Đi qua cây cầu đá cổ rất đẹp, chúng tôi gặp một anh bán dạo đồ trang sức đang khéo léo dùng một chiếc kìm nhỏ uốn những cọng dây mạ bạc thành hình hoa lá, trái tim… Nếu khách yêu cầu, anh ta sẵn sàng uốn cả những chữ cái xếp thành một cái tên. Mấy nữ du khách trẻ sau khi xem hàng đã đặt anh làm những vật lưu niệm xinh xắn gắn tên bạn bè để làm quà tặng.
Trời tối hẳn khi chúng tôi về đến khách sạn. So với những ngôi nhà thường chỉ hai ba tầng trong phố, quầy bar trên tầng 5 của nơi này quả là nơi ngắm cảnh lý tưởng. Những mái ngói đỏ vẫn rực lên trong ánh đèn đường. Vọng lại từ xa tiếng nhạc và tiếng trống, có lẽ là một ban nhạc đường phố đang biểu diễn. Ngắm nhìn kỹ mà chẳng thấy ban nhạc nào, lát sau chúng tôi mới phát hiện ra một cặp nam nữ mặc trang phục dân tộc khá lạ mắt, người đàn ông thổi kèn, còn người phụ nữ gõ trống. Kèn trống đều thuộc cỡ đại, phải buộc dây quàng lên người. Kể ra khả năng biểu diễn của họ cũng khá vì những bản nhạc dân gian vui nhộn nghe rất bùi tai.
Một Kosovo đã để lại trong chúng tôi những kỷ niệm đáng nhớ như thế.