Khi đến gặp bác sĩ, thông thường bạn sẽ miêu tả triệu chứng, khám và có thể sẽ làm các xét nghiệm. Bác sĩ sau đó sẽ giải mã thông tin này và đúc kết lại bằng một giải pháp. Kết luận của quá trình này là chẩn đoán miêu tả những gì đang làm bạn khó chịu. Có khi quá trình này bị sai sót, xảy ra ở ba dạng:
Chẩn đoán sai: Đó là tình huống mà bác sĩ nói bạn mắc một loại bệnh nào đó, nhưng thực ra lại không chính xác.
Trì hoãn chẩn đoán: Bác sĩ có thông tin để nhanh chóng định bệnh nhưng không hành động cho tới lúc triệu chứng trở nên không nhầm lẫn được nữa.
Thiếu sót trong chẩn đoán: Thường dẫn đến điều trị không chính xác hoặc không điều trị. Một bệnh nhân nữ được bảo rằng khối u trong ngực là lành tính nhưng sau đó, nó thật ra lại là ác tính.
Các cuộc nghiên cứu cho thấy sai sót trong chẩn đoán bệnh xảy ra trong khoảng 10-15 phần trăm dù là ở phòng khám, khoa cấp cứu hay bệnh viện. Tỷ lệ này không thay đổi mặc cho những tiến bộ ấn tượng trong kỹ thuật y khoa. Vì thế, đừng nghĩ rằng các xét nghiệm di truyền hay chụp MRI đắt tiền sẽ bảo vệ bệnh nhân khỏi sai lầm trong chẩn đoán. Hơn nữa, đừng cho là chỉ bệnh hiếm mới gặp sai sót; ngược lại, hầu hết chẩn đoán sai xảy ra với người có bệnh trạng thông thường.
Bác sĩ có thể bị mệt mỏi, căng thẳng và đang vội. Họ quên hoặc có điều gì đó chưa học qua. Một số bác sĩ thì quá tự tin; một số khác thì không dứt khoát.
Khi bạn miêu tả một vấn đề, bác sĩ sẽ dựa vào hai cách lập luận. Đầu tiên là sự phán đoán nhanh. Thứ hai là phân tích và suy xét. Cách thứ nhất sẽ dễ vấp phải thành kiến. Cách thứ hai dường như ít mắc phải sai lầm hơn, nhưng nghĩ quá nhiều cũng có thể đưa cả bác sĩ và bệnh nhân đi sai hướng.
Bạn có thể tránh được lỗi chẩn đoán?
Bạn không thể thay đổi được tâm trạng bác sĩ hay không thể biết được họ có theo kịp với nghiên cứu y khoa mới nhất hay không. Nhưng bạn có thể chủ động hợp tác để giúp bác sĩ làm tốt hơn.
Để được phát hiện chính căn bệnh đang gặp phải và có cách chữa trị hợp lý, chúng ta nên lưu ý vài chỉ dẫn dưới đây.
Tìm một bác sĩ chú tâm. Bác sĩ thường bị ảnh hưởng bởi những kết quả xét nghiệm trong quá khứ, vào tiền sử bệnh trạng. Bạn nói mình bị đau ngực và lo rằng đó có thể là một vấn đề tim mạch. Nhưng nếu bạn cũng từng bị rối loạn lo âu, chứng này có thể làm bác sĩ nghĩ rằng cơn đau đến từ đầu. Nếu bạn cảm thấy rằng bác sĩ có định kiến quá mạnh về trường hợp của mình, hãy tìm một quan điểm khác. Bạn cũng nên tìm người kinh nghiệm nhất mà bạn có thể tìm thấy, có thể là ở một trung tâm chuyên khoa.
Chuẩn bị trước khi gặp bác sĩ. Viết nhanh ra các ghi chú và câu hỏi của bạn trước cuộc hẹn với bác sĩ. Cần khéo léo đặt câu hỏi để bác sĩ không cảm thấy khó chịu vì người bệnh “thông thái” quá. Đừng nói “Tôi tìm thấy thông tin trên mạng và biết chắc mình bị bệnh đó”, mà chỉ hỏi về những gì bạn đã đọc và để bác sĩ xem xét.
Giải thích triệu chứng của bạn một cách rõ ràng, logic. Các bác sĩ được đào tạo để tập trung vào ngay triệu chứng đầu tiên mà bạn đề cập. Do đó, ngay từ đầu hãy nêu thật rõ vấn đề mà bạn đang gặp phải, sau đó mới kể những gì bạn trải qua theo thời gian.
Đặt câu hỏi mở. Một câu hỏi đơn giản “Những triệu chứng đó còn có thể là bệnh gì nữa, thưa bác sĩ?” sẽ giúp bác sĩ tránh được hai cái bẫy thông thường. Thứ nhất là “kết luận sớm” khi một bệnh trạng có vẻ đơn giản, rõ ràng, không cần tiếp tục động não phát hiện bệnh nữa. Thứ hai là lỗi “thành kiến kết luận”, tức là bác sĩ cứ đi tìm thông tin ủng hộ cho khả năng định bệnh A, phớt lờ những chi tiết khác là dấu hiệu của bệnh B.
Biết là bạn đang xét nghiệm cái gì và tại sao. “Bói mò” với bệnh trạng cũng nguy hiểm như một chẩn đoán không chính xác. Bạn nên nhẹ nhàng hỏi bác sĩ vì sao cần phải xét nghiệm và kết quả của xét nghiệm sẽ dùng để làm gì. Nhờ bác sĩ cho biết các khả năng có thể xảy ra và chỉ rõ cách hiệu quả nhất để đi đến kết quả chẩn đoán chính xác.
Cố gắng tìm hiểu kết quả xét nghiệm. Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sai sót trong chẩn đoán là do không đánh giá đúng các kết quả xét nghiệm khác thường. Nếu bạn phát hiện một điểm bất thường nào đó trong các kết quả xét nghiệm máu hoặc chụp X-quang thì phải nói ngay với bác sĩ.
Thể hiện sự tôn trọng. Bày tỏ cảm xúc và sự thất vọng là điều bình thường và có lúc bạn cần thể hiện để biện hộ cho chính mình. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những cảm xúc tiêu cực chỉ làm rối thêm vấn đề và ảnh hưởng đến quá trình tư duy của bác sĩ điều trị.
- An Bình theo Men’s Health