Trong lĩnh vực đấu giá tác phẩm nghệ thuật toàn thế giới vừa xảy ra một sự kiện: vụ hãng đấu giá danh tiếng Christie’s kiện một công ty đấu giá ở Trung Quốc đã nhái thương hiệu của mình, và đây không phải lần đầu.
Nhà đấu giá lớn nhất hành tinh Christie’s đã khởi kiện tại Tòa án tối cao Hongkong với đối tượng bị kiện là hãng đấu giá Trung Quốc có cái tên tiếng Anh là Chritrs. Theo bà Mathilde Heaton, đại diện pháp luật của hãng Christie’s thì Chritrs đã “có chủ tâm” đánh lận con đen khiến các khách hàng của Christie’s có thể bị nhầm lẫn giữa hai cái tên. Đã vậy, từ “Chritrs” khi đọc bằng tiếng Hoa lại y chang như từ Christie’s. Trong một cuộc chất vấn trước tòa vào tháng 10-2012, bà Heaton nói: “Chúng tôi coi là nghiêm trọng khi phải bảo vệ công chúng và khách hàng của chúng tôi trước sự lừa đảo và đánh lận con đen này”. Trong khi đó, đại diện của hãng Chritrs thừa nhận cách phát âm tên của hai hãng là giống hệt nhau, nhưng ngụy biện rằng hầu hết những cuộc đấu giá được marketing trên thị trường của hãng này đều ở dạng in ấn hay văn bản, và như vậy là có khác biệt về cách đọc tiếng Anh giữa Christie’s với Chritrs!
Tháng 8-2011, nhà Christie’s đã quyết định khởi kiện Chritrs sau khi họ phát hiện có nhiều khách hàng của họ đã đến dự một cuộc đấu giá các tác phẩm hội họa của các họa sĩ Trung Quốc do Chritrs tổ chức ở Bắc Kinh mà cứ ngỡ là một hoạt động của Christie’s.
Ngày 14-11 vừa qua, Tòa án tối cao Hongkong đã ra phán quyết về vụ kiện này, theo đó buộc hãng Chritrs phải ngừng tất cả các hoạt động quảng cáo cũng như các tài liệu ấn loát nhái thương hiệu Christie’s trước ngày 6-12. Người phát ngôn của Christie’s cho biết: “Chúng tôi hài lòng với phán quyết của tòa án, qua đó đã ngăn chặn sự xâm phạm của hãng Chritrs đối với thương hiệu và tên tuổi của chúng tôi. Khách hàng của Christie’s cũng như công chúng phải được bảo vệ trước sự lừa đảo. Phán quyết này thật quan trọng để giúp chúng tôi thực hiện điều đó. Chúng tôi khuyến cáo khách hàng cũng như công chúng hãy cẩn trọng khi chọn các nhà đấu giá để tham gia, và chỉ làm việc với các công ty có uy tín tốt, đáng tin cậy, có quá trình hoạt động rõ ràng, minh bạch”.
Website của Chritrs cho biết hãng này có 10 văn phòng đại diện khắp thế giới, trong đó có một tại London, nơi đặt trụ sở chính của hãng Christie’s vốn đã có bề dày lịch sử hơn 300 năm (thành lập năm 1766) với 85 văn phòng đại diện ở 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả Bắc Kinh và Hongkong.
Đây cũng không phải lần đầu có một sự lươn lẹo, ma giáo như vậy trong lĩnh vực đấu giá tác phẩm nghệ thuật. Năm 2008, nhà Sotheby’s cũng đã thắng kiện trong vụ kiện một hãng đấu giá ở Tứ Xuyên lấy tên là Sufubi. Dù Sotheby’s và Christie’s đều đã thắng kiện nhưng nhiều người tin rằng có thể trong tương lai ở Trung Quốc sẽ tiếp tục xuất hiện những cái tên nhái kiểu “Sothbis” (nhái Sotheby’s) hay “Phillyps” (nhái Phillips de Pury – một nhà đấu giá cũng danh tiếng ở New York). Bởi làm hàng nhái đã là “nghề của chàng”. Điều đó có thể thấy ngay tại Việt Nam, từ các mặt hàng xa xỉ, cao cấp của các thương hiệu như Louis Vuitton, adidas, Hermès, Christian Dior, Versace… cho tới chiếc xe gắn máy nhái các thương hiệu xe Nhật và trăm ngàn ví dụ khác.
Năm 2011, thị trường đấu giá tác phẩm nghệ thuật và cổ vật tại Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành trị trường đấu giá lớn nhất thế giới với doanh số lên tới 7,6 tỉ USD. Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến có cái tên nhái Sotheby’s và Christie’s.
- Lê Bản