Giữa tháng Ba vừa qua, một nhóm người yêu thích trồng trọt từ TP. Hồ Chí Minh đã đến với Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, Kon Tum nhằm tìm hiểu khả năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại đây. Đa số thành viên của nhóm đánh giá cao khí hậu, thổ nhưỡng, chính sách của địa phương… Tuy nhiên, một vấn đề lớn làm cả nhóm phải cân nhắc rất kỹ trước khi đầu tư vào Măng Đen: đó là chi phí vận chuyển sản phẩm khá cao. Măng Đen nằm cách xa các khu vực tiêu thụ lớn, thêm vào đó, các cung đường vận chuyển cứ khoảng chừng 100km lại có một trạm thu phí.
Theo báo cáo mới nhất về chuỗi cung ứng nông sản của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện chỉ đạt 48,4 điểm (trên thang điểm 100) về thương mại kinh doanh nông sản, thấp hơn Philippines, Campuchia và Lào. Có thể thấy những yếu kém trong khâu vận chuyển là một trong các nguyên nhân dẫn đến thực tế này. Trong một hội thảo đầu năm 2017, một lãnh đạo Bộ Công thương cho biết chi phí vận chuyển con tôm từ Đồng bằng sông Cửu Long lên biên giới phía bắc còn cao hơn từ Ecuador về Việt Nam. Hiện nay, chi phí dịch vụ logistics của nước ta tương đương khoảng 21% GDP, trong khi các nước phát triển chỉ số này chỉ từ 9 – 14%.
Tại hội thảo Chi phí kinh doanh của doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức diễn ra sáng 23-3, ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã nêu một số vấn đề ảnh hưởng và làm gia tăng chi phí logistics của doanh nghiệp, đồng thời đưa ra một số đề xuất để giảm chi phí trong kinh doanh dịch vụ logistics. Theo ông Nguyễn Tương, trong tổng chi phí logistics hiện nay của nước ta, chi phí về vận tải chiếm khoảng 60% chi phí, chi phí tồn kho khoảng 36%, chi phí quản lý khoảng 4%. Vì vậy, việc giảm chi phí logistics trước hết tập trung vào việc giảm chi phí vận tải.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, vận tải hàng hóa bằng đường bộ đang chiếm trên 70% thị trường vận tải Bắc – Nam. Theo một số doanh nghiệp vận tải thì trong chi phí vận tải đường bộ xăng dầu chỉ chiếm khoảng 30 – 35%, trong khi phí cầu đường bình quân chiếm khoảng 10%. Tùy theo từng doanh nghiệp vận tải và khu vực vận tải, tỷ lệ chi phí trên có thay đổi. Đối với tuyến đường ngắn thì chi phí cầu đường (BOT) còn cao hơn chi phí xăng dầu. Ngoài ra, các chi phí không chính thức trên đường vận chuyển rất cao, không dưới 5%. Báo cáo tại Hội nghị phát triển thương mại thông qua vận tải xuyên biên giới Hành lang Đông – Tây tại Đà Nẵng ngày 9-11-2016 cho biết: Phí đường bộ vài năm trước đây từ 60.000-80.000 đồng, hiện nay là 200.000 đồng/xe. Trước đây, hàng từ đường 14 về TP. Hồ Chí Minh phí BOT chừng 1.000.000 đồng/xe, hiện giờ đã hơn 3.000.000 đồng/xe, chưa tính phí cửa khẩu.
Tại hội thảo Chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics đã đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có ý kiến với thủ tướng Chính phủ chỉ thị cho Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an trong việc tìm cách giảm chi phí vận tải nhất là vận tải đường bộ.