Trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại sẽ xảy ra một cuộc chiến thương mại do xu hướng bảo hộ ngày càng tăng trên thế giới, hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã kết thúc tuần qua tại Baden-Baden (Đức) mà không đưa ra được những cam kết rõ ràng.
Tuyên bố chung sau hai ngày làm việc chỉ nêu lên thỏa hiệp tối thiểu đó là duy trì mở cửa thương mại toàn cầu, chứ không hề đề cập tới vấn đề tự do thương mại, bảo hộ mậu dịch và biến đổi khí hậu như sự khẳng định trong các hội nghị đã qua. Đây là một tín hiệu xấu cho thương mại toàn cầu, báo trước những bất đồng sâu rộng giữa 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh Hamburg tại Đức sẽ diễn ra vào đầu tháng 7 tới.
Sau hai ngày làm việc tại Baden-Baden, miền Tây Nam nước Đức, Bộ trưởng Tài chính nhóm G20 với sự tham dự lần đầu tiên của đại diện Mỹ Steven Mnuchin, đã phá thông lệ, không hứa hẹn thúc đẩy tự do mậu dịch, mà chỉ kêu gọi các nước đóng góp để các hoạt động giao thương được “công bằng”.
Trong bản tuyên bố chung kết thúc cuộc họp, các bên đã thay thế cam kết được chờ đợi là “chống bảo hộ” bằng cụm từ G20 đồng ý “đẩy mạnh vai trò của trao đổi mậu dịch trong các hoạt động kinh tế tại mỗi nước”. Lý do là tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng mục tiêu “chống bảo hộ không hoàn toàn thích hợp”. Giới quan sát cho rằng tranh cãi về từ ngữ chỉ là vỏ bọc bề ngoài. Thực chất của vấn đề là cuộc họp ở Baden-Baden vừa qua thể hiện rõ chủ đích của chính quyền Trump muốn áp đặt lại một trật tự thương mại mới, xóa bỏ mô hình toàn cầu hóa hiện nay.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ tuyên bố không có ý định lao vào một cuộc đọ sức trong lĩnh vực thương mại, nhưng Washington quyết tâm “xét lại” một số điều khoản trong hồ sơ này, sao cho “công bằng hơn với người lao động Mỹ”. Ông Mnuchin đã gây chú ý khi khẳng định không loại trừ khả năng “xét lại thỏa thuận với Tổ chức Thương mại Thế giới”, được xem là nền tảng của chính sách tự do mậu dịch toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin, tình hình hoàn toàn bế tắc và các bên đã bày tỏ bất đồng với Mỹ. Paris thất vọng, còn Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfang Schauble trên cương vị nước chủ nhà đã phải tìm cách giảm thiểu thất bại vừa qua khi cho rằng, “không hẳn là các bên bất đồng”, có điều một số nước có một cái nhìn khác về khái niệm bảo hộ mậu dịch.
Ngay trước thềm cuộc họp G20, Mỹ đã tuyên bố thẳng thừng: sẽ bác bỏ bất kỳ tuyên bố chung nào lên án chủ nghĩa bảo hộ, cho dù truyền thống của G20 là khẳng định tự do thương mại và từ chối mọi hành động mang tính bảo hộ. Và mọi diễn biến tại Baden-Baden diễn ra đúng như vậy.
- Đ.N