Những ngày qua, dù câu chuyện nộp thuế khi kinh doanh qua mạng xã hội được nhiều cá nhân quan tâm thì Huỳnh Anh Đào, người mới trở về Việt Nam sau hai năm tốt nghiệp đại học tại Mỹ vẫn khẩn trương tiến hành kế hoạch kinh doanh sản phẩm làm đẹp. Trước mắt, kênh tiếp cận khách hàng chính của Anh Đào là hai trang mạng xã hội Facebook và Instagram. Chuyện sắp tới có thể phải nộp thuế không làm Anh Đào lo lắng. Từ những quan sát cá nhân, chị cho rằng chuyện này sẽ khó xảy ra trong vài ba năm tới, khoảng thời gian đó đủ để một thương hiệu kinh doanh trên mạng xã hội đi vào hoạt động ổn định.
Tương tự, một cơ sở chuyên bán chế phẩm từ thịt heo đã tham gia bán hàng trên Facebook được năm năm, với lượng khách quen gần năm trăm người cũng tỏ ý nghi ngờ tính khả thi trong việc thu thuế khi kinh doanh nhờ mạng xã hội. Theo lời bà chủ, cách đây hai năm câu chuyện thu thuế cũng đã rộ lên rồi lắng xuống vì luật lệ – các quy định chưa theo kịp sự phát triển của mạng xã hội. Và cho đến thời điểm hiện nay, khoảng cách đó vẫn chưa thu hẹp lại được. Chị còn cho biết thêm: “Thực tế chúng tôi muốn nộp thuế cũng khó. Lúc mới hoạt động tôi đã cẩn thận đi làm thủ tục khai thuế. Thế nhưng khi đến phòng kinh tế quận hỏi thì được trả lời quận không quản lý kinh doanh qua mạng. Bây giờ tôi có muốn đóng thuế cũng không biết đóng ở đâu”.
Theo lời Anh Đào và nhiều du học sinh Việt Nam thì ngay cả tại Mỹ, ngành thuế cũng đau đầu trước bài toán phải làm sao để người bán hàng trên mạng xã hội nộp thuế. Hiện nhiều bang ở Mỹ không đánh thuế thu nhập với cửa hàng kinh doanh trên mạng. Lý do là cửa hàng kinh doanh online hiếm khi có chi nhánh thật và việc truy tra doanh thu của họ rất khó khăn.
Tại buổi họp báo về quyết toán thuế năm 2016 do Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính tổ chức chiều 3-3 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quý Trung – Phó vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, đơn vị này vừa được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế giao nhiệm vụ nghiên cứu, quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội. Theo đó, các cá nhân, tổ chức có thu nhập phát sinh qua hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội đến mức phải nộp thuế thì phải thực hiện nghĩa vụ. Theo ông Quý Trung, việc thu thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử như Facebook là có cơ sở. Tuy nhiên, hoạt động này có những cách thức tiếp cận rất khó khăn. Khi đặt ra vấn đề thu thuế sẽ có phản ứng từ dư luận, nhất là loại hình kinh doanh này mang tính thời vụ. Do vậy cần tính đến phương án đối xử với những người kinh doanh lĩnh vực này cho hợp lý. Đại diện Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cũng khẳng định, cơ quan thuế sẽ phối hợp với ngành ngân hàng, công thương, thông tin truyền thông nghiên cứu; trên cơ sở đó đề ra chính sách phù hợp với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Đề cập thêm về vấn đề này, ông Cao Anh Tuấn – Phó tổng trưởng Tổng cục Thuế thông tin: cá nhân kinh doanh có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm là phải nộp thuế. Bản thân người kinh doanh cần tự kê khai, tự tính, tự nộp. Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra, quản lý theo quy định. Tuy nhiên, do kinh doanh trên Facebook là hình thức mới, ngành thuế phải đẩy mạnh tuyên truyền để người nộp thuế tuân thủ đúng pháp luật và sau đó mới tính đến thanh, kiểm tra. Về hướng dẫn thu thuế kinh doanh trên Facebook, qua mạng xã hội, Tổng cục Thuế cho biết sẽ có hướng dẫn sớm nhất trong thời gian tới.
Với nền kinh tế tiền mặt ở Việt Nam, việc giám sát khâu thanh toán cũng là trở ngại khiến việc thu thuế sẽ gặp khó khăn. Mới đây, một lãnh đạo Bộ Tài chính trả lời trên báo Tuổi Trẻ: Bên cạnh các quy định về thuế, cũng cần quy định thanh toán mua hàng trên mạng phải thanh toán qua ngân hàng. Chính phủ vừa phê duyệt đề án không dùng tiền mặt, cơ quan thuế sẽ bám sát vào đề án này. Tuy nhiên, việc này không thể làm ngày một ngày hai được.
Cái gọi là “ngày một ngày hai” đó khiến nhiều cá nhân bắt đầu kinh doanh hiện vẫn yên tâm sử dụng mạng xã hội, mà chưa cần phải lo lắng đến chuyện đóng thuế.
- Cẩm Tú