Trong thời đại của internet kết nối vạn vật cùng sự bùng nổ của các thiết bị điện tử thông minh thì khái niệm nhà thông minh trở thành một xu thế tất yếu tại Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này hiện đang bị chiếm lĩnh bởi các thương hiệu nước ngoài là chủ yếu. Mới đây, một hệ thống nhà thông minh của người Việt Nam mang tên VSMARTTEK đã được thực hiện thành công bởi một nhóm sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin, thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Điểm ấn tượng nhất trong giải pháp này là các sản phẩm được nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, sử dụng linh kiện nhập khẩu từ các nhà sản xuất nổi tiếng như Texas Instruments (Mỹ), Wurth Elektronik (Đức), Microchip (Mỹ), muRata (Nhật)…
Nền tảng IoT ứng dụng vào ngôi nhà thông minh
VSMARTTEK là công ty khởi nghiệp của nhóm kỹ sư trẻ, tốt nghiệp ngành Công nghệ Thông tin (CNTT), được thành lập từ tháng 9-2013, bắt nguồn từ ý tưởng khóa luận tốt nghiệp “Điều khiển hệ thống điện trong nhà bằng điện thoại Android”. Trải qua một khoảng thời gian dài nghiên cứu và phát triển dưới sự cố vấn của tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn và một số chuyên gia trong lĩnh vực Internet of Thing (IoT) khác, nhóm đã thành công trong việc hiện thực một giải pháp nhà thông minh hoàn chỉnh, toàn diện và dễ lắp đặt.
Giải pháp nhà thông minh VSMARTTEK sử dụng công nghệ truyền dẫn không dây wifi và Bluetooth, cho phép các thiết bị thông minh của người dùng như điện thoại, máy tính bảng kết nối đến các sản phẩm trong nhà. Vì vậy, chúng ta có thể giám sát và điều khiển nhiều thiết bị cùng lúc chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại. Chúng ta cũng có thể kích hoạt chức năng tự động bật tắt, các thiết bị cần thiết sẽ tự động bật khi có người trong phòng và tự động tắt khi phòng trống, vừa tiện lợi lại tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, hệ thống của VSMARTTEK còn cho phép điều khiển các thiết bị trong nhà bằng giọng nói, giúp trẻ em hoặc người lớn tuổi không am hiểu về công nghệ cũng có thể dễ dàng sử dụng. Ngoài ra, còn có các thiết bị đo điện năng tiêu thụ giúp cho người dùng có thể dễ dàng giám sát công suất từng phòng hoặc toàn căn nhà, từ đó đưa ra những thay đổi thích hợp. Thiết bị thông minh cũng sẽ “nhắc nhở” khi người dùng bật những thiết bị không thật sự cần thiết, chẳng hạn như bật đèn khi trong phòng đã đủ sáng, bật quạt, máy lạnh khi phòng đã đủ mát…
Theo TS Nguyễn Minh Sơn, hiện đã có không ít doanh nghiệp nghiên cứu giải pháp này, nhưng trên thực tế, những ngôi nhà được giới thiệu trên thị trường chỉ mới là nhà tự động (automation) chứ chưa… thông minh (smart). Một ngôi nhà thông minh sử dụng kết hợp các hệ thống tự động hóa tiên tiến để cung cấp cho con người kiểm soát và điều khiển các chức năng của tòa nhà một cách dễ dàng và tiện lợi như: ánh sáng, nhiệt độ, đa phương tiện truyền thông, an ninh, cửa và nhiều chức năng khác. Tuy nhiên, nhà thông minh cao hơn “tự động” một bậc vì có thể tổng hợp thông tin để có thể “phản hồi” với chủ nhà. Chẳng hạn như một thiết bị tủ lạnh của một ngôi nhà thông minh có thể là khả năng tạo danh mục các loại thực phẩm dự trữ, đề nghị các lựa chọn thay thế lành mạnh hơn và thay thế để làm thực phẩm đã hết hạn sử dụng… Cùng với những công nghệ hiện đại cao cấp, ngôi nhà thông minh vừa thay đổi không gian sống vừa giúp giảm tiêu thụ năng lượng cùng một lúc bằng cách sử dụng dữ liệu lớn (big data). Khi đó, con người trải nghiệm, tương tác với ngôi nhà thông minh chứ không phụ thuộc vào hệ thống.
Động lực là niềm tự hào về một sản phẩm Việt
Nhóm VSMARTTEK là những kỹ sư CNTT vừa mới tốt nghiệp đại học, hăm hở với dự án về một sản phẩm do người Việt Nam thiết kế. Tuy làm việc trong điều kiện tài chính khó khăn, phải lấy những đề án nhỏ để nuôi giấc mơ lớn, thậm chí có những lúc nản lòng nhưng cả nhóm đã đồng lòng cùng với TS Nguyễn Minh Sơn – người thầy tâm huyết với ngành CNTT trong nước để cùng hướng đến một giải pháp nhà ở thông minh cho người Việt Nam. “Các bạn trẻ rất thông minh, chịu khó và có niềm đam mê, tôi chỉ cố gắng kết nối và định hướng để có thành quả hôm nay”, TS Nguyễn Minh Sơn cho biết.
Thật may, một số nhà đầu tư đã tin tưởng vào đề án của nhóm, quyết định hỗ trợ nguồn tài chính để nhóm có thêm chi phí trang trải, tập trung tốt hơn cho việc nghiên cứu. Một trong những nhà tài trợ chính cho dự án là anh Nguyễn Thanh Điều, một người làm trong lĩnh vực xây dựng và cơ khí. Anh chia sẻ: “Trước đây, trong quá trình làm việc, tôi cũng có dịp tiếp xúc với nhiều ngôi nhà được sử dụng công nghệ hiện đại, giúp cho cuộc sống của con người tiện nghi hơn nên rất quan tâm. Nay gặp Nguyễn Minh Sơn, một người bạn cũ đang ra sức cho một dự án nhà thông minh của Việt Nam, tôi càng hào hứng hơn. Tôi nhận thấy giải pháp này rất có tiềm năng trong xã hội hiện đại”.
Ngôi nhà mẫu cho giải pháp thông minh đã được nhóm VSMARTTEK xây dựng ở địa chỉ số 169 Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức, thu hút nhiều người quan tâm. Ngoài niềm tự hào về một sản phẩm từ trí tuệ Việt, giải pháp này còn là nền tảng cho vấn đề an toàn thông tin quốc gia. Có thể nói, IoT đã thay đổi cách thức vận hành của nền kinh tế toàn cầu và được ứng dụng trong hầu hết tất cả mọi lĩnh vực, từ giao thông đô thị, thiết bị y tế, ôtô cho đến các thiết bị gia dụng đồng thời cũng ẩn chứa những rủi ro lớn về bảo mật và an toàn thông tin. Lỗ hổng bảo mật trong các sản phẩm thông minh hiện nay rất nhiều, mở ra một cơ hội khác cho tin tặc, botnet và các dạng tội phạm mạng theo đó nảy nở. Một xu hướng mất an toàn thông tin là botnet có trong thiết bị IoT. Các hacker lại tận dụng các thiết bị IoT, như camera giám sát, smartTV hay các hệ thống tự động trong nhà. Chính vì vậy, sử dụng công nghệ được sản xuất trong nước như định hướng của VSMARTTEK là một trong những hướng đi nhằm đảm bảo cho an toàn thông tin quốc gia.
- Thanh Nhã