Cứ để đàn bà cai trị thì bảo đảm có nhiều thay đổi, nhiều sáng kiến – vì đàn bà vốn dĩ… nhiều chuyện, ưa can thiệp, ưa phê bình chỉ trích, bất nhất, thay đổi như chong chóng. Toàn cái xấu. Nhưng lấy độc trị độc, thành tốt. Như bà Hidalgo thị trưởng Paris đấy. Đã ông nào ngồi ghế này mà nặn óc nghĩ ra được như bà: mỗi năm dành một ngày cho thành phố Paris thảnh thơi tản bộ để giúp cho bầu không khí trong lành? Ngày hôm đó thành phố Paris mang bộ mặt khác hẳn. Vốn nhộn nhịp, Paris bỗng dưng lắng xuống, êm ả, thơ mộng, bình an, thân thiện. Bị hỏi Paris có gì lạ không em, thì biết cách trả lời.
Chợt nghĩ Việt Nam nên kiếm thêm một bà Kim, làm Bộ Giao thông Vận tải, ví dụ Kim đan, nghĩa là thuốc tiên, uống vào trường sinh bất tử. Thỉnh về cho ngồi lên cái Bộ rất nhức đầu này, viết ngay biểu ngữ tám chữ vàng: “Xe chạy ta chết, xe chết ta còn”, là sẽ tiêu tan quốc nạn.
Các xứ Bắc Âu có thói quen đi xe đạp rất nhiều, Pháp đang gia tăng lượng xe đạp và tìm mọi cách hạn chế xe hơi vào Paris. Dân Âu châu đã lâu đời dùng bốn bánh nên ít ham xe như Á châu, họ quan tâm tới việc giữ gìn thành phố xanh, sạch, đẹp. Bộ Giao thông Vận tải của họ làm việc hiệu quả, tính toán thần sầu.
London
Nhân dịp xe buýt nhanh chạy thử ở Hà Nội và bây giờ nghe nói sẽ được thưởng 300 nghìn đôla hiến kế bớt kẹt xe, ham. Bèn nhớ London có xe buýt đỏ lộng lẫy, xuất hiện từ năm 1910, nổi tiếng là biểu tượng của London, nhanh chóng vì xe tới lui liên tục không bị chờ đợi lâu ly, sạch sẽ, rẻ, tiện nghi, chở được nhiều vì hai tầng, được hoàn thiện mỗi ngày. Họ chạy tất bật 24/24, có cả 8.500 chiếc với 673 tuyến cày xới mọi nẻo đường. Trừ loại cũ, còn tất cả đều nền thấp để người cần chó dẫn đường, người đi đứng khó khăn, các cụ, hoặc xe đẩy con nít, xe lăn… có thể lên xuống dễ dàng. Buýt nào cũng có chỗ dành cho xe lăn, miễn phí.
Thiên hạ thường ưa ngồi tầng trên để thênh thang nhìn phố phường London chật chội. Xe buýt sát cánh, nối đuôi nhau. Nhiều nơi thấy hơi bị mệt, vì chiếc buýt hai tầng ngất ngưởng kềnh càng trong những con phố hẹp, dù rất hiệu nghiệm.
Paris
Mọi việc bắt đầu từ 1825 ở Nantes, miền Tây nước Pháp, khi một cựu sĩ quan muốn lôi kéo khách hàng đến cơ sở tắm nước nóng do ông sáng lập. Để riêng một xe hơi dành cho việc đưa đón khách hàng, ông chợt nhận ra là khách ưa “giao du” với xe của ông hơn là bồn tắm nước nóng, bèn xin phép thành phố thiết lập một dịch vụ xe công cộng giữa thành phố và khu này. Khai mào cho việc tạo ra tuyến xe công cộng đầu tiên ngay năm sau đó.
Paris có loại buýt đôi, là hai xe nối dính vào nhau. Buýt đã dài, hai chiếc thành loằng ngoằng, tài xế quẹo phải quẹo trái trong thành phố chằng chịt xe cộ mà đường chẳng rộng rãi gì, thiệt giỏi. Thường là xe tự động, loạt xe buýt mới nhất còn có thể “nghiêng” xuống lề đường hoặc có chiếc còn trang bị tay vịn thả – rút được.
Hằng ngày có 3 triệu người dùng xe buýt vùng Paris, bà thị trưởng tuyên bố từ đây đến năm 2020 sẽ có thêm 1.000 xe buýt mới và mở thêm nhiều tuyến đường, nhiều buýt hơn, thường xuyên hơn, tiện nghi hơn, an ninh hơn, bảo đảm môi trường và sức khỏe người dùng. Chương trình Grand Paris des bus hy vọng từ đây đến 2020 thực hiện xong. Ngoài ra, nhiều thành phố khắp nước Pháp bắt đầu lo quy hoạch lại để gây cảm tưởng rằng thật ra xe hơi không đến nỗi cần thiết lắm. Trên thực tế có thể đúng, nếu mỗi tỉnh, mỗi phố biết cách tính toán đường sá và phương tiện di chuyển khác đi.
Nông nghiệp, kỹ nghệ, cư dân… đều góp phần vào việc làm ô nhiễm môi trường. Xứ Bhutan nhỏ bé được mệnh danh là xứ sở xanh, Singapore sạch sẽ tinh tươm, Hà Lan và các nước Bắc Âu xe đạp đầy đường…, được cho là các nơi đáng sống. Pháp thua xa, nhưng để xứng đáng với Hiệp định Paris về khí hậu, nay phải nách chai rượu vang, xách bánh phô mai chạy theo trối chết.
Việt Nam
Nghe đâu trước 1975, Sài Gòn đã có chương trình làm “tàu treo” như bên Nhật, Thái Lan hiện tại. Văn minh quá nhưng chưa kịp thực hiện. Có điều cái chính là hiện nay ai cũng muốn có xe, vấn đề thể diện, ông A. bà B. bốn bánh mà mình hai bánh thì không sang chảnh bằng, lại nữa trời nắng nóng ngồi xế hộp mở máy lạnh cũng khỏe, và ăn bận đẹp như tiên mà tròng cái mũ bảo hiểm thì diện mạo hết linh. Lại nữa bây giờ thuế nhập khẩu 0%, có tiền tội gì không sắm? Mà đường sá thì cũng từng ấy, có muốn mở thêm cũng chịu, trong khi xe hơi mỗi lúc một nhiều:
Các nhà sản xuất ôtô đang xem Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng để xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng thị trường ôtô hiện đang ở mức gần 60% một năm… Các doanh nghiệp cho biết, mức độ tăng trưởng bình quân 40% một năm của thị trường ôtô Việt Nam có thể được duy trì lâu dài. Đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng. Thị trường ôtô Việt Nam có thể đạt 1 triệu xe vào 2030. Chưa thấy ai tính bao nhiêu phần trăm tỷ lệ tai nạn, ô nhiễm, bệnh môi trường… Tiêu thụ giùm người ta, còn mình vẫn chỉ chạy vòng quanh mấy cái đinh cái vít. Tuyệt!
300 nghìn đô, đưa đây!
Nghe mà… thèm, bèn vắt trán đề nghị: Thay vì tậu một dàn xe buýt đắt đỏ, kềnh càng, đường dành riêng còn gây bực bội, có thể nào Việt Nam quay về thời xe lam ba bánh ngày xưa, ít nhất chở được 11 người, lại nhẹ vốn, dễ sắm, sản xuất tại gia, tạo công ăn việc làm. Một xe lam không chiếm chỗ bằng 11 xe gắn máy hay một xe buýt. Chạy trên nhiều tuyến đường, nhiều trạm đón, mỗi chuyến cách nhau tối đa vài ba phút, giá rẻ. Toàn bộ xe một kích kiểu, cùng một màu, bảo đảm nhan sắc trên trung bình, sạch sẽ, nghĩa là không có ý nghĩ dành cho dân lao động hay người nghèo.
Cáp treo vào phi trường được hay không chưa biết, nhưng cũng chỉ giải quyết cái ngọn vào – ra phi trường, trong khi hằng ngày ở khắp mọi nẻo đường thì vẫn còn là chuyện kinh hoàng!
Việc giao thông, cần trước hết là phải thay đổi thói quen và thái độ. Mà hai món này lại tùy thuộc rất nhiều vào phương tiện đề ra. Và biết đâu bà Kim đan sẽ đặt ra một ngày toàn dân cuốc bộ?
(1-2017)
Xem thêm:
- Tôi giã từ xe buýt cho đến khi…
- Giải bài toán giao thông đô thị, trước hết từ xe buýt
- Vui buồn cùng… buýt