Dù được xem là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp, thế nhưng nông sản sạch vẫn là bài toán khó với những doanh nghiệp tầm cỡ lẫn các doanh nhân khởi nghiệp. Chi phí đầu tư lớn, thời gian dài, đầu ra sản phẩm bấp bênh là yếu tố khiến nhiều doanh nghiệp chết yểu hoặc “giữa đường đứt gánh”. Để nông sản sạch thực sự phát triển bền vững, rất cần những chính sách hỗ trợ và sự tiếp sức thiết thực từ các cơ quan nhà nước.
Doanh nghiệp gặp khó trăm bề
Trong một hội thảo diễn ra gần đây, các chuyên gia cho rằng dù là xu hướng kinh doanh tạo nên “cứu cánh” niềm tin của người tiêu dùng giữa ma trận thực phẩm bẩn, thế nhưng, làm nông sản sạch có vẻ như đi ngược với xu thế sản xuất nông nghiệp của nước ta nên doanh nghiệp sẽ gặp nhiều thách thức cả đầu vào lẫn đầu ra. Trong đó, việc đầu tư sản xuất tốn kém nhưng không tìm được đầu ra ổn định là khó khăn lớn nhất.
Là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, Công ty cổ phần Vinamit vẫn phải trả giá bằng cả thời gian và tiền bạc khi chọn con đường nông sản sạch. Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty, cho biết: “Năm 2010, chúng tôi mất gần 150 tỉ đồng vì không khống chế được sự phát triển của vi khuẩn. Trong chế biến của Vinamit, chúng tôi không dùng chất bảo quản. Khi không dùng chất bảo quản là chuyện to rồi. Chỉ cần sơ suất thôi thì toàn bộ hàng hóa bị hư hết”. Thế nhưng, thách thức lớn nhất vẫn là làm sao để khách hàng tin tưởng và chấp nhận trả giá cao cho sản phẩm, bởi vì sản xuất bằng phương pháp vi sinh sẽ tốn kém rất nhiều. Ông ngậm ngùi: “30 năm như Vinamit còn chưa được tin, huống chi các bạn khởi nghiệp”. Theo ông Viên, Việt Nam hiện có ba “trường phái” sản xuất nông nghiệp: thuần vô cơ, gốc hữu cơ ngọn vô cơ và thuần hữu cơ. Nếu doanh nghiệp theo thuần hữu cơ như Vinamit thì phải tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Bởi vì sản xuất nông nghiệp hiện nay của Việt Nam đi trên nền tảng nông nghiệp hóa học, để chuyển hướng sản xuất sang thuần hữu cơ, doanh nghiệp sẽ mất thời gian dài để nghiên cứu về vi sinh, vi khuẩn học. Theo ông Viên, để giảm thiểu rủi ro, doanh nghiệp nên có sự phối hợp giữa sản xuất và chế biến. Nếu trồng cây mà có bảo quản, có chế biến thì hai khâu sẽ hỗ trợ nhau. Chẳng hạn, khi bán không hết thì có thể chế biến.
Sản xuất gặp khó đủ thứ đã đành, việc tìm đầu ra cho sản phẩm mới là ưu tư lớn nhất của doanh nghiệp trong tình hình nhập nhằng vàng thau lẫn lộn hiện nay. Nhiều nông hộ hiện đang trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tự nhiên tại
TP. Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù họ có trong tay sản phẩm sạch nhưng không biết tiêu thụ ở đâu. Tại Cần Thơ, nông dân sản xuất sạch được cấp sáu điểm bán thực phẩm sạch ở những vị trí đẹp, thế nhưng vì không thực hiện quảng bá sản phẩm nên tình trạng ế ẩm vẫn diễn ra thường xuyên. Đây cũng là tình hình chung của nhiều doanh nghiệp khi rau sạch được đưa ra thị trường với giá bán cao hơn không thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm kém chất lượng.
Gỡ khó từ chính sách
Những người tham gia sản xuất sạch, cả doanh nghiệp và nông hộ đều đang phải loay hoay trong buổi giao thời. Để nông sản sạch thực sự có “đất sống” bền vững, nhà sản xuất cần thêm nhiều cơ chế và sự tiếp sức thiết thực hơn nữa từ cơ quan chức năng. Hiện nay, nhiều chính sách hỗ trợ được đưa ra nhưng rất khó để tiếp cận, chưa kể khâu quản lý nhà nước trong nông nghiệp cũng còn nhiều bất cập khiến doanh nghiệp lẫn nông dân không biết gỡ kiểu nào.
Theo một cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp, khi chuyển từ sản xuất nông nghiệp hóa học sang sản xuất sạch, nông dân rất cần sự hỗ trợ không chỉ về chuyên môn mà cả việc làm thế nào để đảm bảo quy trình sản xuất sạch và tìm đầu ra cho sản phẩm. Thế nhưng, cán bộ quản lý chưa thực sâu sát cùng dân. Đơn giản như việc có được sử dụng thuốc trừ sâu sinh học đăng ký của cây này cho cây khác trong danh mục được cho phép hay không, Cục bảo vệ thực vật bảo không, nhưng người trồng rau tra cứu mãi trên trang web của Cục cũng không ra loại thuốc đó. Đây là chuyện thật của VinEco khi họ trồng rau muống, khi tìm mãi không có loại thuốc sinh học nào dùng cho rau này nên đã tìm đến Bộ Nông nghiệp để xin. Bộ Nông nghiệp đề nghị VinEco đóng tiền rồi cùng với Bộ khảo nghiệm lâm sàng rau muống trong vòng… hai năm. Sau đó, VinEco xin đặc cách rút ngắn xuống còn sáu tháng. Những trường hợp tương tự không hiếm. Nhưng doanh nghiệp lớn còn có tiềm lực để gỡ, còn doanh nghiệp nhỏ và nông hộ thì biết gỡ kiểu nào.
Tiếp cận vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là những bài toán cần lời giải từ phía chính sách cho sản xuất nông sản sạch. Hiện nay, không chỉ các doanh nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ, các doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch theo hướng công nghệ cao cũng gặp khó trong việc tiếp cận vốn để mở rộng sản xuất. Với nông nghiệp công nghệ cao, khoản đầu tư hệ thống nhà kính là khoản chi phí tốn kém nhất nhưng doanh nghiệp không được mang tài sản này đi thế chấp để vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, nhiều chính sách tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp nhưng doanh nghiệp và nông dân với mãi không tới vì vướng thủ tục.
Đơn giản hóa thủ thục, đưa ra những chính sách dễ tiếp cận là việc cần làm để khuyến khích và tiếp sức cho nông sản sạch. Giải được bài toán chính sách giúp doanh nghiệp tối ưu khâu sản xuất, giảm chi phí, tận dụng được các ưu đãi, bài toán thị trường ắt hẳn không khó giải quyết. Hiện nay, các siêu thị cho biết họ hoan nghênh sản phẩm sạch nhưng sản phẩm muốn vào siêu thị cũng phải tuân thủ các quy định như sản phẩm có thực sự là nhu cầu của người tiêu dùng, giá cả đã hợp lý chưa và khả năng cạnh tranh của sản phẩm với các sản phẩm cùng loại… Vì thế, để nông sản sạch lấy được niềm tin của người tiêu dùng, cạnh tranh được với các sản phẩm khác và trở thành một nhu cầu thực sự, không thể thiếu việc quảng bá, xây dựng thương hiệu. Việc kiểm soát chất lượng từ các chứng nhận cũng cần duy trì thường xuyên để vững chất lượng sản phẩm và giữ niềm tin của người tiêu dùng.
- Mộc Lan