Chuyến đi tiền trạm xuyên Kyrgyzstan của chúng tôi rơi đúng vào những ngày đầu năm mới ở đất nước này. Sau mùa đông buốt giá dài dằng dặc, khắp nơi trên xứ sở đồi núi thảo nguyên đang bung nở những màu hoa trái tươi thắm nhất, màu xanh của trời và của hàng ngàn hồ nước cũng đang đậm dần lên dưới nắng xuân.
Cánh đại bàng bên dãy Thiên Sơn
Máy bay đáp xuống Bishkek, mọi người trong đoàn hơi thất vọng vì thủ đô của Kyrgyzstan nhìn khá tẻ nhạt với những tòa nhà vuông vức, đơn điệu xây từ thời Xô Viết. Có lẽ vì vậy mà chương trình du lịch của các công ty lữ hành ở Úc (và cả châu Âu, Mỹ) tổ chức tại Kyrgyzstan thiên về di chuyển, ngắm phong cảnh trên đường đi, chứ thời gian lưu lại các thành phố rất ít. Chúng tôi cũng chỉ lưu lại Bishkek một đêm rồi sáng hôm sau dậy sớm, lên đường đến chân dãy Thiên Sơn hiểm trở và hùng vĩ.
Mặt trời ló dạng, ai nấy tỉnh ngủ ngay trước thiên nhiên quá xinh đẹp. Hai bên đường, từng trảng hoa tulip vàng, hồng, đỏ đọng sương lóng lánh. Nhìn về phía trước, những ngọn núi xanh đỉnh phủ tuyết trắng càng lúc càng rõ nét. Rồi đồng cỏ mượt như nhung xen lẫn hoa dại sặc sỡ đủ sắc màu, dòng suối trong vắt màu ngọc bích róc rách chảy qua những vườn hoa mơ, hoa mận trắng xóa tinh khôi.
Đoàn dừng chân ở một ngôi làng nhỏ để ăn sáng, kết hợp với tìm hiểu nghề săn đại bàng và nghề chăn cừu. Nền kinh tế du mục tại Kyrgyzstan đang có những biến chuyển mạnh mẽ, người trẻ rời bỏ thảo nguyên sang Nga kiếm sống khá nhiều. Nhiều nghề truyền thống bị mai một. Tuy nhiên, ở ngôi làng hiếu khách mà bảo thủ chúng tôi đã ghé thăm, một số đứa trẻ vẫn được cha chúng nuôi dạy và truyền nghề theo cách cũ.
Dù thân hình nhỏ bé nhưng Azim, cậu bé bảy tuổi con nhà nòi trong nghề huấn luyện đại bàng, chim ưng (phục vụ cho công việc đi săn) tỏ ra khá tự tin khi tham gia học cách huấn luyện một con đại bàng vàng khổng lồ – trợ thủ đắc lực cho con người khi săn cáo, dê và hươu non.
Gia đình Azim có hai con đại bàng vàng và một con chim ưng con để cậu bé có thể học cha mình cách huấn luyện chúng. Quan sát cách chơi đùa đầy trìu mến giữa Azim với mấy con chim dữ có nhiều điều thú vị. Đại bàng nhìn gần quả là đẹp và oai phong trong từng tư thế đứng lẫn cách chuyển động.
Bình thường, sau bữa sáng đơn giản với bánh mì và trà đường, Azim sẽ phải hoàn thành các bài tập huấn luyện nghiêm khắc của cha. Nhưng hôm chúng tôi đến đang là lễ hội đầu xuân nên cậu bé được ăn điểm tâm thịnh soạn và chơi các trò chơi dân gian sau khi luyện tập với đại bàng một chút để “lấy hên”.
Người Kyrgyzstan đón năm mới theo lịch Ba Tư, tết của họ kéo dài cả chục ngày, rơi vào cuối tháng Ba Dương lịch. Những ngày này, dân địa phương thường mặc áo truyền thống được may mới với ba màu đỏ, trắng và xanh và đi chúc tết lẫn nhau rất rôm rả. Chúng tôi được mời ăn thử hai món không thể thiếu trong tết là kocho, loại cháo mặn được nấu từ lúa mì, lúa mạch, hạt kê và sumolok, một loại cháo ngọt được nấu từ bột mì, gạo cùng các loại hạt nhiều chất béo.
Tuy đạo Hồi là quốc giáo nhưng xem ra người dân Kyrgyzstan vẫn khá yêu thích bia rượu. Sau màn cụng ly bằng vodka, khách và chủ cùng nhau thưởng thức besh barmark, món mì và thịt ngựa xào đẫm dầu mỡ. Nhà nào ở trong làng cũng có thùng bột mì để làm món này. Bột mì được nhào, cán, cắt thành dạng sợi và đem luộc chín rồi xào với thịt, hành tây và một số rau thơm.
Ngọn núi thiêng trên con đường tơ lụa
Trên chặng đường đến Osh – thành phố lớn thứ hai ở Kyrgyzstan, cả đoàn đi qua nhiều lễ hội và chợ phiên. Trang phục người dân và các ngôi lều bên đường được trang trí rực rỡ, cứ như là màu đỏ của thảm hoa poopy, màu vàng của thảm hoa cúc và muôn hồng ngàn tía của các loại hoa thảo nguyên vẫn còn chưa đủ làm nên bức tranh mùa xuân.
Đông vui và ồn ào nhất phải kể đến phiên chợ gia súc, nơi các chàng cao bồi Trung Á lùa từng đàn ngựa, bò, cừu mập mạp tới mua bán, trao đổi. Nếp sống du mục phóng khoáng vẫn còn đậm nét trên đồi núi và những đồng cỏ bát ngát. Cung đường chúng tôi đi đèo dốc trập trùng quanh co uốn lượn vô cùng kỳ vĩ. Núi đồi, thung lũng và hồ nước xanh màu ngọc liên tiếp thay nhau hiện ra.
Kyrgyzstan không có biển nhưng được thiên nhiên bù đắp bằng gần hai ngàn hồ nước rải rác trên đất nước non 6 triệu dân. Xe dừng ở một bờ hồ. Chúng tôi đứng ngắm cảnh trên bờ dốc cheo leo trông thẳng xuống nước. Những đợt sóng xanh bạc đầu như cầm tay nhau chạy thành hàng lên bờ cát vàng. Mặt trời bắt đầu khuất sau rặng núi, và những khoảng nước ở phía xa trông như nhuộm hồng.
Xa tít tận bên kia hồ, một dãy núi tím đỉnh phủ tuyết hằn lên nền trời. Một đàn thiên nga trắng bay lượn trên hồ, trong ánh chiều tà, khi bay vút lên, khi sà thấp xuống, cánh dang rộng. Chúng đậu xuống nước, vỗ cánh rào rào làm nước sủi bọt loang ra thành từng vòng rộng, rồi lại cất cánh bay lên.
Sau cùng chúng sắp thành hàng dài và vỗ cánh nhịp nhàng bay đến một bờ vịnh đất cát để nghỉ đêm. Thường thì chỉ mùa thu và mùa đông mới có thiên nga trên hồ. Mùa xuân chúng rất ít khi về. Người hướng dẫn bảo đây là những con thiên nga từ miền Nam đang bay về phương Bắc.
Xe tiếp tục băng ngang thảo nguyên trong chiều muộn. Bên ngoài cửa kính, những mảnh vườn, ruộng nho, bãi trồng bắp lúp xúp màu xanh thẫm vun vút lướt qua. Bất chợt hiện ra một bóng người cưỡi ngựa rong ruổi. Đường xa, thảo nguyên mênh mông, lắng tai chỉ nghe tiếng vó ngựa lóc cóc.
Vầng dương xuống sau rặng đồi, làn gió mát rượi lướt êm trên mặt đất, những bụi cỏ phơi biêng biếc và những bụi ngải đắng lá vàng mọc bên con đường đất nâu thẫm đung đưa, tung phấn bay theo gió. Ánh chiều tà lụi dần sau chân trời xa tắp, ngả dần sang màu cỏ úa và tuyết trên đỉnh núi đón nhận những tia cuối cùng của ánh tà dương, cũng ửng hồng lên rồi tối sầm lại trong chốc lát…
Thành phố Osh có lịch sử hơn 3.000 năm và từng đóng vai trò quan trọng trên con đường tơ lụa. Dấu vết huy hoàng thời quá khứ còn lưu lại nhiều trên ngọn Suleiman Too – di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Dân địa phương kính cẩn gọi Suleiman Too là núi thiêng bởi trên núi có rất nhiều đền đài và điện thờ. Bắt đầu từ giữa sườn núi đổ lên tới đỉnh núi có nhiều nơi thờ tự cổ xưa, gồm các hang động với những bức tranh khắc đá, nhà thờ Hồi giáo và một số nhà thờ nhỏ.
Những hình khắc trong hang có tuổi đời vài ngàn năm, các nhà thờ cũng được xây cách đây bốn, năm thế kỷ. Trong gần hai thiên niên kỷ, Suleiman Too được coi như ngọn hải đăng soi đường cho các đoàn thương gia đi qua con đường tơ lụa. Hàng vạn đoàn người từng qua lại nơi đây đều đã hướng về đỉnh núi cầu nguyện cho chuyến đi của họ được an toàn.
Từ trên núi phóng tầm mắt xuống Osh thấy trước mắt mình là một thành phố xanh. Dọc theo con phố trắng xóa hoa mơ, hoa mận, tháp nhà thờ Hồi giáo nhẹ nhàng vươn cao trông thật cổ kính êm đềm.