Những ngày giao hòa năm cũ – năm mới luôn là khoảng thời gian vàng với hầu hết doanh nghiệp. Bởi đây là thời điểm doanh nghiệp tổng kết những kế hoạch, mục tiêu đã đặt ra trong năm cũ, qua đó rút kinh nghiệm nhằm xây dựng những kế hoạch, định hướng đúng đắn cho doanh nghiệp trong năm mới.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp startup, lại thường phạm phải sai lầm ngay trong những bước đi đầu tiên của năm mới, cụ thể là trong việc lập kế hoạch.
Lập kế hoạch quá chi tiết và dài hạn, đánh mất lợi thế của sự linh hoạt
Một trong những lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp startup, chính là sự linh hoạt.
Với một quy trình làm việc đơn giản, một hệ thống cấp bậc ít rườm rà…, những công ty startup luôn khiến các công ty lớn, với bộ máy cồng kềnh, phải lo lắng bởi vì sự linh hoạt và nhanh chóng trong việc thay đổi chính sách cũng như chiến lược để kịp thời phản ứng với các biến động của thị trường.
Ngoài ra, sự lên ngôi của mạng xã hội, internet, điện thoại thông minh, những thứ giúp người dùng liên tục được cập nhật tin tức mới, những góc nhìn mới đa chiều, nhanh chóng về mọi vấn đề, thì việc phản ứng nhanh và linh hoạt còn giúp doanh nghiệp startup kịp thời tương tác, nắm bắt thị hiếu và tâm lý của khách hàng.
Thế nhưng, việc lập kế hoạch quá chi tiết và áp dụng cố định cho cả một năm khiến nhiều doanh nghiệp startup vô tình đánh mất lợi thế trên của mình.
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường CB Insights, dựa trên việc phỏng vấn trực tiếp 135 công ty startup đã thất bại ở Mỹ, thì sự thiếu linh hoạt là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc những startup nhận được nhiều kỳ vọng này sớm phải sụp đổ.
Cũng theo một nghiên cứu của Rita McGrath, giáo sư chuyên ngành quản trị kinh doanh, hiện giảng dạy tại Trường Đại học Wharton School, tác giả nhiều quyển sách chuyên ngành nổi tiếng như: The End of Competitive Advantage (tạm dịch: Sự kết thúc của lợi thế cạnh tranh), Discovery Driven Growth: A Break Through Process to Reduce Risk and Seize Opportunity (tạm dịch: Khám phá bước đột phá cho việc giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa cơ hội)… thì những doanh nghiệp có chu kỳ lập kế hoạch ngắn hạn, ba tháng hoặc sáu tháng một lần, dựa trên những mục tiêu dài hạn cụ thể từ trước, thường là những doanh nghiệp có sự thích ứng với hoàn cảnh tốt hơn và thành công hơn so với những doanh nghiệp đặt mục tiêu quá cụ thể rồi áp dụng cố định trong cả năm.
Đặt ra quá nhiều mục tiêu
Sai lầm thứ hai mà nhiều doanh nghiệp startup thường mắc phải trong việc lập kế hoạch năm, đó là đặt ra quá nhiều mục tiêu.
Trong một khảo sát được website classic.stickk.com thực hiện, với quy mô 300 doanh nghiệp thường xuyên dành khoảng thời gian đầu năm để xây dựng mục tiêu hoạt động trong năm, thì hơn 80% trong số này không theo dõi những gì họ đã lập ra từ đầu năm, và có tới 77% (trên tổng số 300 doanh nghiệp khảo sát) cho biết họ vẫn chưa đạt được bất cứ mục tiêu nào trong danh sách kế hoạch cần hoàn thành mà họ từng liệt kê tỉ mỉ trước đó.
Cũng theo kết quả phân tích dữ liệu người dùng của iDoneh This, một startup chuyên phát triển các công cụ marketing online, từng nằm trong danh sách 20 Hot Silicon Valley Startups You Need To Watch của trang Business Insider, thì có 41% doanh nghiệp – những đơn vị thường sử dụng “danh sách việc phải hoàn thành trong năm”, “danh sách những mục tiêu cần đạt được trong năm”… không bao giờ hoàn thành được những đề mục trong đó.
Nhận định về những vấn đề trên, Dorie Clark, chuyên gia marketing đồng thời đang giảng dạy marketing chuyên ngành tại Trường Đại học Duke University’s Fuqua School of Business, cho rằng doanh nghiệp startup, cũng giống như mỗi cá nhân, chỉ có thể tập trung vào tối đa là hai mục tiêu trong cùng một thời điểm nhất định.
Theo Dorie Clark, việc hoàn thành danh sách bao gồm: phát triển nhiều dòng sản phẩm, mở rộng thị phần, xây dựng đội ngũ nhân sự, nghiên cứu sản phẩm mới,… sẽ là điều rất khó. Bởi khi là một doanh nghiệp startup, với đội ngũ nhân sự ít người, các bộ phận còn chưa có sự kết dính, ổn định, nguồn lực tài chính còn hạn chế… thì càng đặt nhiều mục tiêu, doanh nghiệp sẽ càng khó có cơ hội hoàn thành được chúng.
Amazon, trang thương mại điện tử hiện mỗi tháng bán trung bình khoảng 12,2 triệu sản phẩm từ 688.000 thương hiệu, từng đặt mục tiêu cho kế hoạch phát triển của mình khá ngắn gọn và đơn giản. Theo đó, khi vừa thành lập Amazon.com, Jeff Bezos chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất, đó là tối đa hóa những sản phẩm khách hàng chỉ có thể mua được qua website. Bezos sau đó đã lọc ra một danh sách gồm năm sản phẩm, là đĩa CD, phần mềm máy tính, phần cứng máy tính, video và sách.
Sau cùng, sản phẩm duy nhất Jeff Bezos chọn để phát triển là sách. So với sức chứa trung bình chỉ khoảng 175.000 đầu sách tại các nhà sách truyền thống, thì Amazon.com nhanh chóng trở thành “nhà sách” đầu tiên khách hàng có thể tiếp cận hơn 1,5 triệu đầu sách mà không phải mất hàng giờ tìm kiếm. Và rồi từ thành công này, các sản phẩm khác cũng lần lượt được Amazon lên kế hoạch phát triển, với quy mô ngày một mở rộng như những gì chúng ta có thể thấy ngày nay.