Có thể gọi triển lãm tranh màu nước với tên gọi “Đồng chất” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, quận 1, từ 15-11 đến 23-11-2016) là một sự kiện nghệ thuật đáng chú ý trong năm, bởi đây là lần đầu tiên có một cuộc trưng bày quy mô lớn các tác phẩm cùng chất liệu của một nhóm tác giả sống ở nhiều địa phương trong nước, và tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức.
Hơn 120 tranh màu nước trong triển lãm “Đồng chất” của 11 họa sĩ Võ Hoàng Nhựt, Bùi Duy Khánh, Đinh Quang Hải, Chu Quốc Bình, Nguyễn Thái Dương, Nguyễn Duy Dũng, Nguyễn Tiến Dũng, Đoàn Văn Tới, Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Văn Quý, Dương Tôn Quốc Thụy phần lớn đều lấy cảm hứng từ những gì thân thuộc nhất với họ. Đó là làng cổ Cự Đà (huyện Thanh Oai, Hà Nội), quê gốc của Đinh Quang Hải, nơi từng là một thương cảng sầm uất cung cấp nhiều mặt hàng nhu yếu cho Hà Nội và giao thương cả với người Pháp, người Hoa, nơi hội tụ những nét kiến trúc tinh hoa của Pháp, Trung Quốc và Việt Nam. Thế nhưng những nét đẹp đó hiện đang bị mai một nghiêm trọng bởi thiếu sự công nhận, bảo tồn, gìn giữ, bởi sự xâm lấn của đời sống đô thị. Và Đinh Quang Hải đã “chọn cách vẽ để gửi gắm tình yêu và tâm tư của mình với hy vọng ngôi làng cổ sẽ có thêm câu chuyện kể của tôi”. Đó là những lát cắt phố phường Hà Nội hôm nay trong tranh Chu Quốc Bình; là khung cảnh biển với những con sóng đập vào bờ đá suốt đêm ngày trong tranh Bùi Duy Khánh, họa sĩ Hải Phòng dù đến với hội họa bằng tự học nhưng kỹ thuật và thủ pháp màu nước đều “siêu”; là những bức tĩnh vật có hồn vía trong tranh Nguyễn Thái Dương; là một góc Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh vào giữa trưa, nơi họa sĩ Nguyễn Thành Nhân đang công tác… Và phải kể đến tranh của Võ Hoàng Nhựt, một gương mặt kỳ cựu của làng tranh màu nước Sài Gòn, người đã có triển lãm cá nhân gây được sự chú ý những ngày gần đây (DNSGCT đã có bài giới thiệu). Trong triển lãm “Đồng chất”, ngoài những tranh có đề tài quen thuộc, Võ Hoàng Nhựt còn giới thiệu một số bức trừu tượng vẽ màu nước trên canvas thay vì trên giấy.
Màu nước có lịch sử vào loại lâu đời bậc nhất trong các chất liệu hội họa đang được sử dụng, nếu kể những tranh được người tiền sử vẽ trong hang động ở châu Âu. Nó được người cổ đại Ai Cập dùng vẽ minh họa các bản chép tay, đặc biệt là trong các văn bản chép tay vào thời Trung cổ ở châu Âu. Tuy nhiên, lịch sử được coi là xuyên suốt của chất liệu hội họa này khởi đầu từ thời Phục hưng với họa sĩ Albrecht Dürer (1471-1528), người đã vẽ những tranh phong cảnh, đời sống hoang dã và các khu vườn thực vật ở Đức bằng màu nước. Sau đó là Hans Bol (1534-1593), người tiếp nối Dürer và đã khai sinh một trường phái màu nước quan trọng ở Đức thời bấy giờ.
Từ cuối thế kỷ XVIII đến suốt thế kỷ XIX, khi thị trường sách in bùng nổ cũng là lúc chất liệu màu nước được sử dụng nhiều để vẽ tranh minh họa, mặt khác nó được coi là chất liệu thích hợp nhất để ghi chép nhanh cảnh quan và làm những bản in khắc rất được các nhà sưu tập ưa thích. Dưới tác động của các họa sĩ không chuyên, thị trường sách in và giới sưu tập trung lưu (không có nhiều tiền để mua tranh sơn dầu), hàng loạt các hiệp hội của các họa sĩ chuyên trị màu nước đã ra đời trong thế kỷ XIX, nhiều nhất là tại Anh, nơi có một “tay tổ” tranh màu nước là họa sĩ William Turner (1775-1851), người được coi là đã đạt tới trình độ “thượng thừa” với loại chất liệu này qua hàng trăm tác phẩm còn lưu giữ được.
Tranh màu nước cũng dần trở nên phổ thông tại Mỹ vào thế kỷ XIX với những tên tuổi tiền phong như John James Audubon, William H. Bartlett, George Harvey, đặc biệt là John Ruskin, người được coi là có sức ảnh hưởng lớn với các họa sĩ màu nước thời bấy giờ. Hiệp hội họa sĩ vẽ màu nước Hoa Kỳ được thành lập năm 1866 với các thành viên “có máu mặt” như Thomas Moran, Thomas Eakins, John LaFarge, John Singer Sargent, Childe Hassam và Winslow Homer. Paul Cézanne, Paul Signac – những tên tuổi lớn của hội họa Pháp đều từng thử sức mình với loại chất liệu “dễ mà khó” này. Gần chúng ta hơn, các bậc thầy hội họa châu Âu và Mỹ đều có tranh màu nước để đời, chẳng hạn như Wassily Kandinsky, Emil Nolde, Paul Klee, Egon Schiele, Raoul Dufy, Edward Hopper, Georgia O’Keeffe, Charles Demuth, nhất là John Marin (với 80% tác phẩm được vẽ bằng màu nước).
Tranh màu nước đương đại vẫn tiếp tục phát triển và ổn định chẳng hề thua kém tranh sơn dầu hay acrylic. Giới sưu tập không hề “bỏ qua” tác phẩm hội họa được vẽ bằng màu nước, tất nhiên tranh phải đẹp và đầy cảm xúc. Trở lại với triển lãm “Đồng chất”, trong số tranh được trưng bày đã có nhiều bức có chủ trước giờ khai mạc và còn được mua với giá cao. Họa sĩ Bùi Duy Khánh cho biết anh thường không phải mang tranh về sau nhiều cuộc triển lãm.
Dấu ấn của triển lãm này còn là sự đồng lòng, đồng điệu của các tác giả khi đến với nhau, cùng bắt tay thực hiện một cuộc giao lưu nghề nghiệp bổ ích, thiết thực, nhất là với những người tự học hội họa hay mới làm quen với chất liệu màu nước như Dương Tôn Quốc Thụy, Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Thái Dương, Chu Quốc Bình… Toàn bộ tranh được vẽ với kích thước chuẩn, được cắt loại bo riêng, vào khung với hai lớp kính để tạo hiệu quả sắc màu của chất liệu.
Được biết, trong thời gian triển lãm, các họa sĩ “Đồng chất” còn tổ chức một workshop ngay tại sân Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và một chuyến đi trực họa qua các cung đường mới lạ, nguyên sơ… đến với Đà Lạt. Các bạn yêu thích hội họa màu nước được mời cùng du ngoạn và vẽ chung với nhóm.
- Ngã Văn