Trong Tọa đàm Cà phê bẩn – Thực trạng và Giải pháp do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức, diễn ra vào hạ tuần tháng 7-2016 tại TP. Hồ Chí Minh, Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường C49 công bố, từ năm 2012 đến nay, đơn vị này đã tiến hành rất nhiều đợt kiểm tra phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, xử lý hơn 20 doanh nghiệp cơ sở sản xuất cà phê giả, sai quy định, thiếu an toàn thực phẩm các loại, tịch thu hàng trăm tấn cà phê với trị giá lên tới hàng tỉ đồng.
Khảo sát từ tháng 4 đến tháng 7-2016 của Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) trên 253 mẫu cà phê bột và cà phê nước tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Sóc Trăng và Lâm Đồng, có tới 30,04% các mẫu có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/l), trong đó có năm mẫu hoàn toàn không chứa caffeine. Ngày 25-6, Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng) công bố có hai mẫu cà phê không có hàm lượng caffeine trong 100 mẫu cà phê bột tại các cơ sở sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; và 28/100 mẫu cà phê có hàm lượng caffeine nhỏ hơn 1,0% (không đạt yêu cầu)…
Giữa thời điểm thị trường cà phê ở Việt Nam đang chứa đựng nhiều hoài nghi và căng thẳng như vậy, cùng với việc kinh doanh không được khả quan thì Vinacafé lại bất ngờ đưa ra tuyên bố trong một quảng cáo mới đây của mình: “Từ ngày 1-8, trong mỗi ly cà phê của Vinacafé là cà phê nguyên chất”. Một tuyên bố được cho là mạnh mẽ hơn nhiều so với tuyên bố “Café chỉ làm từ café” vào năm 2013. Và câu “Key message” (thông điệp doanh nghiệp muốn truyền tải tới khách hàng) này nhanh chóng tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, khi người tiêu dùng ngay lập tức đặt ra câu hỏi, vậy trước ngày 1-8, Vinacafé không sản xuất cà phê nguyên chất hay sao?
Câu trả lời là… đúng. Ngày 23-8, tại Diễn đàn kết nối Doanh nghiệp – Người tiêu dùng: Đón sóng thực phẩm sạch, ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng giám đốc Vinacafé Biên Hòa (thuộc Tập đoàn Masan) thừa nhận: “Tôi thú thật cách đây 3-4 năm, chính xác là năm 2012, trước sức ép của thị trường, sức ép của gu thưởng thức cà phê mới, chúng tôi đã làm ra hai sản phẩm hòa tan Wake-up và Phin có trộn đậu nành vào cà phê”.
Lời thú nhận này, đi kèm với chiến dịch marketing trước đó của đội ngũ Vinacafé giống như một vụ đặt cược, khi họ gần như “giao phó” cả thương hiệu với tuổi đời 48 năm của mình (1968-2016) vào lòng vị tha của khách hàng. Khách hàng lúc này sẽ đưa ra quyết định, có nên mua, sử dụng và tiếp tục tin tưởng vào sản phẩm của Vinacafé nữa hay không, khi mà trước đó Vinacafé đã từng không trung thực.
Cơ sở cho “vụ đặt cược” này của Vinacafé, và một phần nào là Nestlé (bà Lê Thị Hoàng Yến – Giám đốc truyền thông và hỗ trợ tiếp thị Công ty Nestlé Việt Nam cũng từng nhận định: “Ở thị trường Việt Nam, lưu ý là người tiêu dùng có rất nhiều khẩu vị cà phê khác nhau. Để đáp ứng các nhu cầu khác nhau về khẩu vị đó, Nestlé Việt Nam có cả sản phẩm cà phê độn và cà phê nguyên chất 100%”), để họ tin vào “lòng vị tha” của người tiêu dùng Việt, có thể được tạo ra từ hai điều sau:
Đầu tiên, khi mà một thị trường cà phê đang tràn ngập những sản phẩm kém chất lượng, thiếu trung thực và giả dối, khi người tiêu dùng ngán ngẩm, mất lòng tin và luôn hoài nghi, thì một sản phẩm, một nhãn hàng, một thương hiệu, dám đứng ra nhận lỗi, dám đứng ra tự “vạch trần” chính mình và cam kết sẽ tạo ra những sản phẩm tốt, giá trị thực sự, chất lượng thực sự, sẽ là một sản phẩm, một thương hiệu tạo nên điều khác biệt và do đó có thể vực dậy niềm tin mới cho người tiêu dùng.
Thứ hai là cơ sở từ sự lạc quan của người tiêu dùng Việt. Theo khảo sát của Nielsen Vietnam, niềm tin của người tiêu dùng Việt trong quý I-2016 đứng ở vị trí thứ năm toàn cầu và là một trong những quốc gia có mức độ lạc quan nhất với chỉ số đạt 109 điểm. Sự lạc quan này vì thế luôn giúp người tiêu dùng Việt tin rằng, quá khứ hoặc hiện tại dù có thể thách thức, khó khăn và mất niềm tin đến như thế nào, thì chắc chắn trong tương lai, những điều tốt đẹp, mới mẻ và giá trị hơn sẽ tới.
Hãy đợi xem Vinacafé có chiếm được niềm tin của người tiêu dùng hay không.
Phạm Tú (DNSGCT)