Sau một ngày dài ở văn phòng, nhiều người trong chúng ta nhận ra rằng mình đang “trút” nỗi căng thẳng lên bạn bè, con cái và những người quan trọng khác. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ cho phép stress do công việc trở thành stress ở nhà và phải trả giá bằng cuộc sống gia đình, các mối quan hệ hay sức khỏe của chúng ta.
Bằng cách nào bạn có thể hạn chế tối đa những tác hại của stress công việc đối với các mối quan hệ quan trọng như gia đình và bạn bè? Dưới đây là những phương pháp giúp giữ cho stress công việc tránh xa khỏi đời sống gia đình, cá nhân.
Chốt công việc của bạn vào khung thời gian và không gian cụ thể. Ngày nay, trong thế giới luôn kết nối, nhiều người trong chúng ta được mong đợi phải sẵn sàng với công việc 24/7 dù là làm việc toàn thời gian hay bán thời gian. Có những công việc yêu cầu bạn phải gặp khách hàng hoặc xử lý khủng hoảng gần như bất cứ thời gian nào trong ngày hoặc gần như không buông được laptop cho đến tận khuya. Thế nhưng nếu bạn để công việc liên tục thấm vào đời sống gia đình thì stress công việc cũng sẽ theo sau đó.
Vì vậy, nên để công việc ở lại văn phòng. Hãy lập ra một nguyên tắc: chỉ làm việc ở nhà trong những tình huống đặc biệt và giữ hồ sơ, máy tính, sổ tay tại bàn làm việc. Nếu điều này là không khả thi với vị trí và công việc của bạn, hãy định ra vài giờ mỗi ngày đặc biệt chỉ dành cho gia đình – chẳng hạn một giờ ăn tối hoặc thời gian trước khi các con đi ngủ – đó là thời gian bạn không bị quấy rối và hoàn toàn tập trung cho gia đình. Nếu bạn làm việc tại nhà, đừng nên mang laptop lên giường ngủ hoặc sử dụng nó trên ghế sofa. Nên làm việc trong phòng hay một không gian làm việc riêng biệt. Nhờ thế, bạn có thể “đóng” lại công việc khi bạn rời phòng và giúp bạn làm việc hiệu quả hơn là cứ đeo bám với công việc.
Xây dựng thói quen tốt đối với các thiết bị di động. Có lẽ cách phổ biến nhất để công việc thấm sâu vào quan hệ cá nhân của một người là qua điện thoại thông minh. Bạn đã từng trải qua cả buổi tối “giải trí” với các thể loại email, tin nhắn và cuối cùng là bị stress? Hiện nay, một người bình thường có thể kiểm tra điện thoại của mình 46 lần/ngày và dành năm tiếng cho các thiết bị di động và 30% người dùng điện thoại thông minh xem đây là “dây xích” của họ.
Xây dựng các thói quen tốt và nguyên tắc giúp bạn tránh không để điện thoại thông minh và máy tính bảng trói bạn với công việc. Chẳng hạn, bạn có hai điện thoại – một dành cho công việc và một dành cho cá nhân – và cất riêng điện thoại công việc (hoặc tắt hẳn) vào ban đêm, cuối tuần. Không nên kiểm tra email trong một giờ hoặc hai giờ trước khi đi ngủ. Các cuộc nghiên cứu cho thấy “ôm” điện thoại trước khi đi ngủ có thểảnh hưởng tiêu cực đến khả năng chuẩn bị ngủ của não và việc mất ngủ có liên hệ nhiều với stress. Khi bạn đi du lịch, đi nghỉ, nên để các thiết bị di động liên quan đến công việc trong két an toàn của khách sạn và chỉ kiểm tra vào những giờ cố định.
Tạo dựng một mạng lưới hỗ trợ tốt. Những người thân có thể là cộng sự tuyệt vời giúp bạn đối phó với stress. Nhưng đặt tất cả gánh nặng stress trong công việc lên vợ/chồng hoặc bạn là bất công với họ và nguy hiểm cho mối quan hệ của bạn. Nên phát triển một mạng lưới hỗ trợ gồm bạn bè, “cố vấn” có thể giúp bạn vượt qua stress trong công việc và không để nó trở thành gánh nặng cho duy nhất một người thân. Có người hỗ trợ để dựa vào những lúc căng thẳng có thể làm tăng khả năng ứng phó vấn đề vì được hỗ trợ cũng giúp tăng lòng tự trọng và khả năng tự kiểm soát.
Tạo thói quen kết thúc công việc. Có những lúc não của bạn cần một dấu hiệu để chuẩn bị cho thời gian bạn ở nhà. Nếu dấu hiệu này có thể giúp bạn tìm thấy sự bình yên và thư giãn thì càng tốt. Chẳng hạn, hãy tận dụng thời gian trên đường về nhà để nghe nhạc, xem đây là thời gian để bạn “sang số”, chuyển sang lúc dành cho gia đình. Có người thì đến phòng tập gym, thiền hoặc tham gia một hoạt động nào đó. Hãy tìm ra cách giúp bạn thư giãn và tìm chỗ trống trong thời gian biểu để giữ thói quen này – đặc biệt là vào cuối một ngày làm việc dài – để bạn có thể về nhà mà không phải xách theo cả “túi hành lý nặng nề”.
Tạo một không gian thứ ba. Khi những người chuyên nghiệp có gia đình, toàn bộ cuộc sống của họ đều xoay quanh trách nhiệm tại nơi làm việc và ở nhà. Những quản trị viên bận rộn khi về nhà thì lo cho con cái hoặc làm việc nhà, nấu ăn. Nhưng nếu họ có một “không gian thứ ba” bên ngoài nơi làm việc và nhà thì có thể giúp họ nhiều cho việc kiểm soát stress.
Không gian này có thể khác nhau tùy người – là quán café yên tĩnh, sân tennis, phòng tập yoga…
Stress do công việc có thể là một thách thức cho đời sống gia đình. Vì vậy, cần học cách kiểm soát stress, hợp tác với người bạn đời của mình đểứng phó và giữ stress tránh xa tổấm gia đình cũng là cách làm cho mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn, giúp cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn.
- Mai Ngọc theo Harvard Business Review