Bản chất của Hiến pháp
Theo các nhà lý luận kinh điển, Hiến pháp là bản “Khế ước xã hội”, là bản cam kết của tất cả mọi người với nhau và giữa nhân dân với Nhà nước về những quyền và nghĩa vụ được phân định, ràng buộc Nhà nước và ràng buộc nhân dân về các quyền và nghĩa vụ. Hiến pháp cũng được coi như một bản “Hợp đồng” về những vấn đề cơ bản nhất giữa một bên là nhân dân một nước với một bên là những người được nhân dân ủy quyền trong việc tổ chức, sử dụng quyền lực của nhân dân được tổ chức thành Nhà nước. Quyền lực chỉ được trao cho Nhà nước theo sự thỏa thuận, ủy quyền của nhân dân với những điều kiện được nhân dân chấp nhận và được nhân dân giám sát; và do đó, không thể có thứ quyền lực nằm ngoài khế ước xã hội. Như vậy, Hiến pháp là đạo luật cơ bản, ổn định lâu dài, có vị trí pháp lý cao nhất của một quốc gia, là luật gốc cho tất cả các đạo luật khác, có vị trí quan trọng nhất trong việc điều chỉnh đời sống chính trị của một quốc gia.
Trong Hiến pháp, vấn đề được quan tâm hàng đầu là các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Trở lại bốn bản Hiến pháp của nước ta (Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và 1992), có thể thấy Hiến pháp 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo là một mẫu mực về các quyền này. Hiến pháp 1946 đã có những quy định rất rõ, ngay từ Điều 1 “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Tiếp theo là Điều 21 “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia”; Điều 10 “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”, v.v… Việc tiếp thu, kế thừa những tinh hoa của Hiến pháp 1946 và các bản Hiến pháp sau đó là rất cần thiết trong việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.
Ngày nay, Nhà nước ta đã được khẳng định là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân và vì dân” và “Toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân”. Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích của công dân, phải đề ra các chủ trương, chính sách để các quyền ấy được thực thi trong thực tế. Bộ máy nhà nước hoạt động trên cơ sở tuân thủ pháp luật theo nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”; công chức chỉ được thực hiện những nhiệm vụ mà pháp luật cho phép; phải thực hiện công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ. Tòa án phải được độc lập trong xét xử; chỉ tuân theo pháp luật, không bị chi phối bởi bất kỳ quyền lực nào. Người dân có quyền giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, có quyền tham gia ý kiến đối với Hiến pháp cũng như các đường lối, chủ trương phát triển đất nước, bãi miễn những công chức không làm tròn nhiệm vụ.