Thường để chinh phục một ngọn thác hay một đỉnh núi, ta phải trèo từ dưới lên trên. Riêng thác Voi, ta lại chinh phục chân thác với nhiều điều lý thú, hồi hộp, nơi thuở xa xưa theo truyền thuyết từng là chỗ quần tụ của những đàn voi rừng.
Nằm giữa lòng thị trấn Nam Ban thuộc huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 25km về phía Tây Nam, thác Voi là một cái tên nhuốm màu huyền thoại, gắn liền với mối tình bi tráng của đôi trai tài gái sắc người K’Hor bản địa.
Thác cao khoảng 35m, rộng 15m, tuôn đổ nước từ suối Cam Ly Thượng chảy về giữa rong rêu cổ tích rừng già. Tại sao lại gọi là thác Voi? Một ông lão là cư dân lâu năm ở đây cho biết: “Thực ra thác Voi là cách gọi của người Kinh khi dịch nguyên nghĩa từ Liêng Rơwoa Jơi Biêng trong tiếng K’Hor.
- Xem thêm: Hoa Lang Bian
Có thể hiểu là thác có những tảng đá lớn hình con voi quây quần. Điều này liên quan đến một sự tích của người K’Hor”.
Vẫn cái giọng lơ lớ tiếng Kinh, ông lão dắt dẫn tôi vào miền huyền sử: Chuyện xưa kể lại rằng, vùng đất này vốn dĩ an lành. Con người sống đoàn kết, sum vầy bên nhau. Người xứ khác gọi nơi đây là xứ sở của hòa bình và tình yêu.
Có người con gái rất đẹp, con tù trưởng trong làng, nức tiếng bởi giọng hát hay, múa giỏi, đem lòng yêu thương chàng trai dũng mãnh, con của tù trưởng làng bên cạnh. Dân cả hai làng chỉ đợi ngày cùng nhau uống rượu cần ăn mừng.
Nào ngờ, chiến tranh xảy ra. Chàng trai phải lên đường đánh đuổi quân thù. Chàng đi mãi, đi mãi. Người tù trưởng già rồi chết. Còn người con gái chờ suốt từ mùa rẫy này sang mùa rẫy khác mà chàng trai vẫn bặt vô âm tín.
Trong những ngày mỏi mòn chờ đợi người yêu, nàng đã cất tiếng hát than vãn với lũ chim rừng. Giữa đại ngàn bao la có loài chim B’ling nghe được tiếng hát của nàng, bèn cất công đi tìm chàng trai. Mới hay, chàng đã gục ngã dưới mũi tên kẻ thù.
Đêm xuống, lũ chim B’ling trên đỉnh núi về báo mộng cho nàng biết là chàng trai đã vĩnh viễn ra đi, không bao giờ còn dịp thực hiện lời ước hẹn xưa với nàng. Nghe báo mộng, nàng tột cùng đau khổ. Tuy vậy, nàng vẫn không tin là chàng đã chết, nàng vẫn hy vọng mong manh rồi chàng trai sẽ trở về.
- Xem thêm: Nên thơ và khoáng đạt rừng núi Di Linh
Hằng đêm, nàng ra một nơi hoang vắng giữa rừng sâu và bắt đầu cất tiếng hát. Tiếng hát nỉ non. Tiếng hát ai oán. Tiếng hát là tiếng lòng nàng đang thổn thức. Tiếng hát là lời gọi chàng trai trở về. Bầy chim rừng bay đến rất đông để nói với nàng về một sự thật đau lòng.
Đàn voi rừng cũng kéo đến để báo với nàng một tin mà nàng không bao giờ mong đợi. Nhất quyết nàng vẫn một mực không tin. Nàng vẫn hát. Hát đến kiệt sức. Biết không thể làm sao nói cho nàng tin sự thật, đàn voi rừng bèn chia nhau đi tìm xác chàng trai.
Đến sáng thì xác chàng trai được đem về. Nàng đổ gục trước nỗi đau quá lớn, ngọn núi nơi nàng ngồi cũng gãy xuống làm thành dòng thác ầm ào chảy, như nước mắt nàng tưới đẫm lên đàn voi rừng vô tội. Trong sự đồng cảm tột cùng, đàn voi bỗng hóa đá, lặng câm từ bấy đến giờ. Bởi vậy, người K’Hor ở đây đã gọi ngọn thác này là Liêng Rơwoa Jơi Biêng – thác của những con voi phủ phục hóa đá trước tình yêu nồng nàn, son sắt.
Tạm chia tay ông lão người K’Hor dễ mến và nỗi buồn thi vị của câu chuyện tình có kết thúc bi thiết mà ông kể chúng tôi băng qua những vực đá chông chênh, hiểm trở, nhìn ngắm thác Voi dưới nhiều góc độ. Hàng vạn cột nước từ trên cao dội xuống trắng xóa giữa những thanh âm vang rền.
Chẳng biết có phải tạo hóa đã kỳ công tái hiện quang cảnh trong truyền thuyết hay không mà trước mắt chúng tôi lúc này là hình ảnh từng đàn voi rừng với tấm áo choàng xanh trên lưng hiện ra nơi màn hơi nước mờ ảo, như đang đợi lệnh của đấng chủ nhân vô hình trong sương khói.
- Xem thêm: Cung đường chinh phục thác Hang Cọp
Phía sau thác là những hang động, như hang Gió thâm u và hang Dơi kỳ bí. Chúng tôi phải cố nép mình để lách qua những kè đá trơn trượt, đầy rêu mới có thể chiêm ngưỡng được những hình thù cổ quái nơi hang Gió, hang Dơi. Bên trong hang Gió là phong cảnh mênh mang, với nhiều dây leo chằng chịt, cũng là nơi đắc địa cho rêu xanh phát triển.
Hang Dơi, đúng như tên gọi, là nơi xưa kia đàn dơi trú ẩn. Hang sâu dưới mặt đất 50m, vừa hoang sơ, huyền ảo, vừa rờn rợn da thịt bởi hệ thảm thực vật phong phú, đa dạng. Đặc biệt là hình ảnh, màu sắc rất lạ của những nhũ đá…
Du thám chân thác đã thỏa thuê, chúng tôi ngược lên chùa Linh Ẩn, một lần nữa ngắm thác Voi từ xa trong màn sương giăng. Bỗng vẳng trong thinh không tiếng kinh siêu độ hòa với lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang vọng từ tâm tưởng “Nhiều đêm thấy ta là thác đổ – Tỉnh ra có khi còn nghe…”.