Việc khai thác và xây dựng bừa bãi tại Biển Đông, mà rõ nhất là tại các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp đang ngày càng trở thành mối lo ngại lớn về sinh thái. Một số nghiên cứu mới đây cho thấy diện tích san hô tại bảy thực thể địa lý do Trung Quốc kiểm soát giảm ít nhất gần 30%. Việc hủy diệt san hô – nơi trú ẩn và sinh trưởng của nhiều loài cá biển – đe dọa nguồn hải sản nuôi sống hàng chục triệu cư dân ven bờ. Nhiều tiếng nói cất lên kêu gọi các nhà khoa học trong khu vực hợp tác và xây dựng khu vực biển được bảo vệ tại Biển Đông, trước khi tình hình trở nên quá muộn.
Một bài viết trên báo mạng The Huffington Post (đầu tháng 4-2016) dẫn lại một nghiên cứu của Đại học Hawaii, Hoa Kỳ, về các rạn san hô tại bảy địa điểm: Cuarteron (đá Châu Viên), Fiery Cross (đá Chữ Thập), Gaven (đá Gaven), Hughes (đá Tư Nghĩa), Johnsons South (đá Gạc Ma), Mischief (đá Vành Khăn) và Subi. Nghiên cứu của Đại học Hawaii khẳng định Trung Quốc đã bồi đắp khoảng 10,7km² tại khu vực này từ tháng 2-2014 đến tháng 5-2015, cùng lúc đó diện tích san hô bị giảm là 11,6km², tương đương 26,9% diện tích.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí mở PLOS Biology (ngày 31-3-2016) cho biết, san hô tại Trường Sa không chỉ là nạn nhân của việc mở rộng, bồi đắp trực tiếp nói trên, mà còn đe dọa bị hủy diệt hàng loạt do việc nạo vét lòng biển bằng phương thức hút. Hoạt động này để lại vô số các trầm tích, trùm lên các rạn san hô, khiến chúng rất khó lòng hồi sinh. Ông Camilo Mora, người phụ trách của nhóm nghiên cứu, nói rằng đây là một trong những hoạt động gây tổn hại nghiêm trọng nhất cho san hô. Ông nói thêm, những người chủ trương bồi đắp như vậy không hiểu rằng, về mặt sinh thái, khi nạo vét lòng biển để bồi đắp đảo nhân tạo, với việc san hô bị phá hủy, họ đã tấn công vào chính nền móng của “đảo”, việc bồi đắp sẽ phải tiến hành liên tục sau đó, để tránh cho đảo nhân tạo bị chìm. Cho đến nay, các rạn san hô ngoài khơi, còn tương đối yên lành, nhưng cần phải hành động khẩn cấp, theo nhà nghiên cứu Mỹ.
Các rạn san hô vòng ở quần đảo Trường Sa là nơi cư trú của khoảng hơn 6.500 loài sinh vật biển, trong đó có 571 loài san hô. Nhóm nghiên cứu ra thông cáo kêu gọi thành lập tại quần đảo Trường Sa, Biển Đông một vùng biển được bảo vệ, tương tự như các vùng biển được bảo vệ tại Nam cực (Antarctica Protected Areas). Ông John MacManus, một đồng tác giả thông cáo nhấn mạnh: “Các quốc gia ven bờ Biển Đông cần ý thức được giá trị của quần đảo Trường Sa, như nơi sinh trưởng của nhiều loài cá, nguồn hải sản không gì có thể thay thế được cho toàn khu vực”.
Cứu nguy san hô tại Trường Sa nằm trong chủ trương bảo vệ “an ninh về môi trường” nói chung, là điều mà nhà hải dương học Paul Berkman cho rằng cần được ưu tiên hàng đầu, bên cạnh các tiếp cận về chính trị hay quân sự. Báo The Diplomat (ngày 30-4-2016) dẫn lời cựu lãnh đạo chương trình Địa Chính trị của Viện nghiên cứu Scott Polar, thuộc Đại học Cambdrige (nổi tiếng với các nghiên cứu về Bắc cực và Nam cực). Ông cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần đặt “an ninh môi trường ở trung tâm của chiến lược an ninh quốc gia”.
Lê Quân (DNSGCT)