Dịp tết vừa qua, chúng tôi có dịp trở về quê hương thăm gia đình, nhân tiện cùng mấy người bạn tổ chức một chuyến du lịch xuyên Việt dài ngày bằng ôtô từ Sài Gòn ra Hà Nội, rồi đi thăm một số tỉnh Đông Bắc, một mơ ước từ rất lâu nay mới thực hiện được. Đây cũng là dịp kiểm chứng những thông tin không mấy tích cực về hoạt động du lịch trong nước được đăng thường xuyên trên báo nước ngoài và chiêm nghiệm về đất nước đang thời kỳ đổi mới.
Điều dễ nhận ra hơn cả là đất nước chúng ta rất đẹp. Suy nghĩ này không phải do tình cảm quê hương chi phối mà xuất phát từ so sánh thực tế qua những chuyến đây đó rất nhiều nước mà tôi từng đi du lịch hoặc công tác. Biển Việt Nam quá đẹp, xanh biếc một màu suốt dải miền Trung, đường quốc lộ ven biển hàng ngàn cây số đi qua những làng mạc, thị trấn và thành phố sầm uất không phải nước nào cũng có; đặc sản thì rất phong phú, nhất là ở vùng cao phía Bắc.
Hai người bạn nước ngoài cùng đi tấm tắc mãi suốt chuyến hành trình, nhưng cũng tỏ ra ngạc nhiên tại sao một đất nước xinh đẹp như vậy mà một năm chưa đến 8 triệu du khách nước ngoài! Đã từng du lịch Thái Lan gần hai tuần lễ, họ cho rằng về thiên nhiên Việt Nam có ưu thế hơn, chẳng hạn như Pattaya không bằng Nha Trang, Chiang Mai không bằng Đà Lạt, Phuket không bằng Phú Quốc. Thế nhưng người Thái Lan biết tận dụng vốn liếng thiên nhiên còn ít để sáng tạo nhiều sản phẩm nên thu hút ngày càng đông du khách, năm vừa qua con số đã lên đến 30 triệu người.
Thắc mắc đầy tình cảm của những người bạn nước ngoài cũng chính là băn khoăn của chúng tôi, mà có lẽ những người làm du lịch cũng biết nhưng vẫn không vượt qua được cách làm ăn thụ động đã trở thành quán tính.
Trên báo chí có nhiều bài viết về thời cơ mới của ngành du lịch Việt Nam khi Cộng đồng ASEAN khởi động vào đầu năm nay, trong khi sản phẩm của chúng ta còn nghèo nàn so với các nước, nhân sự ngành du lịch chất lượng kém. Đó là những hạn chế của các công ty làm du lịch, thế nhưng trên nhiều diễn đàn người ta vẫn kêu gọi “cần phải có sự hợp sức của các cơ quan quản lý, của hiệp hội ngành nghề”. Tại sao lại cứ than vãn và trông chờ người khác trong khi đó là vấn đề của người làm du lịch?
Hay như vấn đề sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, vậy mà các công ty cũng chờ đợi ai đó để tìm ra sản phẩm thích hợp cho thị trường ASEAN, sản phẩm nào đang bị cạnh tranh gay gắt. Ở Thái, đó là chuyện của người làm du lịch, còn cơ quan nhà nước, cụ thể là Tổng cục Du lịch Thái Lan chịu trách nhiệm về chiến lược quảng bá du lịch dài hơi và đặt văn phòng ở hầu hết các thị trường để giúp đỡ và tặng quà cho du khách cũng như các doanh nghiệp đưa khách đến nước này.
Người Thái Lan làm du lịch khác hẳn Việt Nam. Các công ty tự sáng tạo sản phẩm gần như không để thời gian trống trải vô vị cho du khách với đủ loại giải trí, ẩm thực, show nghệ thuật người chuyển giới, viếng chợ đêm, du lịch thể thao. Chúng tôi từng đi tour Thái Lan cả tuần mà không hề chán. Giá cả trong gói sản phẩm phù hợp túi tiền người du lịch trung lưu, một bữa ăn chỉ 4-5 đôla, còn Việt Nam thì chú trọng đưa khách vào các nơi sang trọng, giá cả chặt chém.
Ỏ Thái, chúng tôi đi đâu cũng bắt gặp những nụ cười thân thiện, còn người mình thì ở đâu cũng thấy vẻ mặt đăm chiêu, ngay cả ở các nhà hàng.
Ngay cả với cách làm du lịch của người Campuchia chúng ta cũng thua kém. Một du khách vừa đi Phnom Penh có bài viết trên báo than phiền trong khi visa vào Campuchia làm tại cửa khẩu dễ dàng, thoải mái trong vòng 10 phút thì ở Mộc Bài của Việt Nam phải xin phép trước, thủ tục nhiêu khê, chờ đợi cả giờ để làm nhập cảnh. Các chợ ở Siem Riep, Phnom Penh nhộn nhịp mà không xô bồ, không có nạn ăn xin, chèo kéo du khách. Người dân Campuchia cũng làm du lịch hiểu theo cách nào đó khi trẻ em ở bãi tắm Sihanoukville Chủ nhật hằng tuần rủ nhau đi lượm rác ở bãi biển, vì bãi biển sạch thì du khách đến đông và các em bán hàng được nhiều hơn.
Nguyễn Xuân Định (Q.3, TP.HCM)