Cũng như người Anh, người Việt Nam say mê bóng đá. Các giải bóng đá của Anh và châu Âu được hàng triệu fan bóng đá người ViệtNam theo dõi. Bóng đá là đề tài được nói đến nhiều nhất ở nhà, ở các quán bar, nhà hàng và ngay cả ở nơi làm việc trên khắp ViệtNam. Người Việt cũng cuồng nhiệt không kém với các giải bóng đá trong nước. Với chiến thắng tại Suzuki Cup năm 2008, hàng trăm ngàn người Việt đã diễu hành trên các đường phố bằng xe máy. Tuy nhiên, cũng cần nghĩ đến những hành động nguy hiểm có thể xảy ra khi niềm đam mê lên đến cao trào, trong cả khi hân hoan lẫn lúc tức giận theo đường lăn của trái bóng.
Là một người Anh, tôi lớn lên với vô số những câu chuyện về nạn hooligan, phân biệt chủng tộc và ám sát sau những trận bóng đá. Hậu quả là tài sản công cộng bị phá hủy với việc ném chai lọ, gạch đá, mọi người đánh nhau, đâm chém nhau và tệ nhất là có người thiệt mạng. Những câu chuyện nghiêm trọng nhất diễn ra vào giai đoạn những năm 1960-1970. Sau đó, nhờ áp dụng những biện pháp trừng phạt nặng và sử dụng camera để theo dõi sân bóng, những hành vi bạo lực giảm dần tại các sân vận động ở Anh. Tuy nhiên, cứ mỗi khi có bài báo về nạn hooligan xuất hiện trên báo chí địa phương và báo chí quốc gia, danh tiếng của môn thể thao vua trên thế giới lại bị sứt mẻ.
Vì vậy, khi tôi đọc trên báo chí Việt Nam về việc một trọng tài bị tấn công sau một trận đấu giữa đội Hải Phòng và Đồng Tháp, tôi lại cảm thấy thất vọng và buồn rầu vì môn thể thao tuyệt đẹp này bị ảnh hưởng. Cũng may là những câu chuyện như vậy không thường xuyên xuất hiện trên báo. Tôi thật sự mong rằng đấy chỉ là chuyện hiếm hoi chứ không phải là một xu hướng đáng lo ngại sẽ xảy ra liên tục sắp tới. Ở Anh, bạo lực và hooligan đã được giảm đi đáng kể nhờ vào sự hiện diện của một dàn cảnh sát hùng hậu tại các sân vận động và camera ghi hình tất cả những hành động trong sân. Những hình phạt nghiêm khắc cũng được áp dụng cho tất cả những hành vi có liên quan đến bạo lực trong bóng đá. Tôi nghĩ rằng những biện pháp này khá hiệu quả và ViệtNamcũng cần áp dụng nếu muốn ngăn chặn nạn bạo lực của bóng đá.
Tôi còn nhớ sau chiến thắng Suzuki Cup năm 2008, người ViệtNamđổ ra đường ăn mừng chiến thắng. Họ hạnh phúc vẫy lá cờ ViệtNam, bấm còi ầm ĩ, ca hát và hò hét vì đây là lần đầu tiên ViệtNamvô địch trong một giải bóng đá quốc tế. Lần đó tôi chỉ ở ViệtNamba tuần nhưng tôi cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc ấy. Tuy nhiên, việc ăn mừng chiến thắng đã khiến cho giao thông tắc nghẽn. Nhiều người chạy xe vòng quanh đường phố với một người không đội mũ bảo hiểm đứng trên yên xe phía sau. Một vài người bị thương. Một vài vụ va chạm xảy ra gây thương tích cho người đi đường.
Với một số người, việc ăn mừng chiến thắng là một cách thể hiện niềm tự hào dân tộc, nhưng với một số người khác, đám đông hò reo ấy có thể trở nên bất kham và có những hành động không đẹp mắt. Trong những dịp này, sẽ tốt hơn nếu lực lượng cảnh sát tích cực giám sát sự kiện và bảo đảm an ninh trật tự. Nếu không, sẽ có rất nhiều người trốn ở nhà trong những ngày có giải đấu lớn cho an toàn. Tôi sẽ luôn theo dõi những trận bóng của ViệtNamvà ủng hộ ViệtNam. Tôi chỉ mong rằng dù ăn mừng chiến thắng hay bực bội vì thất bại, những ai yêu mến bóng đá hãy quan tâm đến mọi người xung quanh và đừng có những hành động thiếu suy nghĩ khiến cho chính mình và những người quanh mình chịu nguy hiểm.
Lê Tâm dịch