Năm 2015 được xem là một năm khá thành công với phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam. Hàng loạt quỹ đầu tư nước ngoài đang nhắm đến thị trường 90 triệu dân đầy tiềm năng. Các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước cũng ra đời, tạo nhiều sân chơi để người trẻ học hỏi, cọ xát. Bảy công ty được rót vốn trong năm nay đã chứng minh sự trưởng thành và sức hút của trào lưu khởi nghiệp. Thế nhưng, cũng không ít trường hợp phải ngậm ngùi rời cuộc chơi.
“Thảm đỏ” cho phong trào khởi nghiệp
Kể từ sau bong bóng dotcom, cơn sốt khởi nghiệp đang bùng nổ trên thế giới, đặc biệt ở Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường khởi nghiệp phát triển mạnh nhất khu vực. Tuy chưa thể so sánh với Singapore hay Malaysia, Thái Lan nhưng Việt Nam vẫn đều đặn thu hút dòng vốn đầu tư mạo hiểm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư thiên thần (angel investor), quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư giai đoạn ươm mầm (seed-funding) hoặc vòng đầu tư sớm (Series A) đang tích cực tham gia vào thị trường để tìm kiếm các cơ hội. Sau làn sóng đầu tiên với IDG Ventures Capital và DFJ VinaCapital gia nhập thị trường Việt Nam trước năm 2007, hiện nay đã xuất hiện làn sóng thứ hai gồm CyberAgent Ventures (Nhật Bản), Golden Gate Ventures (khu vực Đông Nam Á), SBI Holdings (Hongkong)… Các quỹ đầu tư mạo hiểm thường quan tâm đến khởi nghiệp thương mại điện tử.
Không chỉ thu hút quỹ ngoại, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước gần đây cũng mở quỹ đầu tư cho các dự án khởi nghiệp. Quỹ Seedcom do ông Đinh Anh Huân, đồng sáng lập Thế Giới Di Động, khởi xướng từ giữa năm 2014 đến nay đã đầu tư vào 15 doanh nghiệp trong các lĩnh vực bán lẻ, chuỗi cung ứng và thương mại điện tử. Trong năm nay, FPT Ventures do Tập đoàn FPT hậu thuẫn cũng ra đời để đón sóng “start up”. Dự kiến mỗi năm FPT đầu tư vào quỹ 3 triệu USD, tập trung hỗ trợ vốn, kỹ năng công nghệ và kinh nghiệm quản lý cho các dự án khởi nghiệp quy mô dưới 1 triệu USD. Nhiều cá nhân khác cũng đang manh nha bỏ vốn để tìm kiếm các dự án tiềm năng.
Có thể thấy, sau một thời gian ngắn phát triển, các sản phẩm từ phong trào khởi nghiệp trong nước đã đáp ứng được nhu cầu thị trường và bắt đầu hút vốn lớn từ các quỹ đầu tư. Bảy dự án khởi nghiệp được cấp vốn đã chứng minh sức hấp dẫn của thị trường này. Trong đó, Cốc Cốc (được xem là Google Việt Nam) gọi vốn thành công từ tập đoàn truyền thông Đức Hubert Burda với 14 triệu USD. Quỹ CyberAgent cũng rót thêm tiền vào Công ty cổ phần VeXeRe – hệ thống đặt vé xe khách trực tuyến. Hai website chia sẻ vềẩm thực trong nước cũng kêu gọi được số vốn lớn là Foody và Lozi. Bên cạnh công nghệ, khởi nghiệp về dịch vụ hay nhà hàng cũng nhận được vốn đầu tư của các quỹ quốc tế khi Huy Việt Nam (chuỗi nhà hàng Món Huế, Phở Ông Hùng, Cơm Express) đã gọi vốn thành công series C với số tiền 15 triệu USD, chuỗi café The Kafe nhận được 5,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư tại London và Hongkong.
Điều đáng mừng, chính phủ đang quan tâm và tạo điều kiện cho phong trào khởi nghiệp. Tháng 11-2015, Nghị định 118/2015/NĐ-CP với những quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều trong Luật Đầu tư đã mở rộng đối tượng ưu đãi đầu tư gồm các nhà đầu tư mạo hiểm và phát triển công nghệ cao. Cũng theo nghị định này, việc kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư ngoại cho doanh nghiệp khởi nghiệp cũng sẽ đơn giản hơn trước.
Để khởi nghiệp thành công
Với những dấu hiệu tích cực từ thị trường, cộng đồng khởi nghiệp Việt sẽ sôi động hơn trong năm tới, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Sự sàng lọc ắt hẳn sẽ rất khốc liệt, khi những ý tưởng, dự án khởi nghiệp từ các nước láng giềng vốn phát triển khởi nghiệp sớm sẽ lấn sân vào thị trường này. Để khởi nghiệp bền vững, bên cạnh ý tưởng, “start up” Việt cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về năng lực cạnh tranh và tầm nhìn lâu dài.
Trong một hội thảo gần đây về khởi nghiệp, ông Lê Hồng Minh, Đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn VNG cho biết, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thường quan tâm đến những vấn đề trước mắt như gọi vốn, xây dựng đội ngũ, quảng bá… mà ít người nghĩ đến xây dựng chiến lược dài hạn. Theo ông Minh, doanh nghiệp phải biết mình đang ở đâu trên thị trường, hoặc ít nhất trả lời được câu hỏi, năm năm nữa, doanh nghiệp của mình sẽ ra sao rồi mới quyết định cần làm gì trong thời điểm hiện tại. Cũng theo ông Minh, trên thực tế, có nhiều ý tưởng rất khả thi nhưng doanh nghiệp vẫn không thu hút đầu tư vì không trả lời được câu hỏi về chiến lược, tầm nhìn. Ông cũng cho rằng, thay vì vội vàng khởi nghiệp ngay khi rời ghế nhà trường, bạn trẻ nên đi làm một thời gian trong lĩnh vực mà mình dự định khởi nghiệp để hiểu rõ về thị trường, cách vận hành công việc kinh doanh, những áp lực người chủ phải đối mặt…
Một thực trạng khác là các bạn trẻ khi khởi nghiệp thường luôn cho rằng ý tưởng là yếu tố quyết định thành công và đem ý tưởng đi gọi vốn. Tuy nhiên trên thực tế, ý tưởng không đóng góp nhiều vào sự thành công của một dự án. Theo nhiều chuyên gia, năng lực thực thi dự án và sự am hiểu nhu cầu thị trường mới là điều quan trọng. Thậm chí có người còn cho rằng ý tưởng chỉ đóng góp 1% vào sự thành công của dự án, năng lực thực thi chiếm đến 99%.
Phát biểu trong một cuộc thi khởi nghiệp thu hút hơn 200 dự án tham gia, ông Phạm Hợp Phố, Phó tổng giám đốc Quỹ Đầu tư IDG Ventures Vietnam, cho biết có sự chuẩn bị không đồng đều giữa các nhóm khởi nghiệp. Với những nhóm đã có nhiều kinh nghiệm, ý tưởng thường được trình bày mạch lạc, giải quyết được các thắc mắc của nhà đầu tư về cách thực thi dự án, khả năng phát triển trong tương lai. Ngược lại, một số nhóm hoàn toàn chưa mường tượng được cần phải trình bày gì trước nhà đầu tư, vì thế, dù ý tưởng rất hay, rõ ràng họ vẫn thua vì thiếu kinh nghiệm và sự chuẩn bị. Ông cho rằng, để khởi nghiệp thành công, các bạn trẻ nên tập trung vào thế mạnh của mình để giải quyết những vấn đề cụ thể của thị trường, đặc biệt nên tập trung vào thị trường ngách để tránh đối đầu trực diện với các công ty đã có thương hiệu.
Trào lưu khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử, hiện đã trở thành nhu cầu của thị trường. Các chuyên gia nhận định, thương mại điện tử Việt đang ở giai đoạn được người dùng tin tưởng để chuẩn bị cho giai đoạn bùng nổ. Tuy nhiên, để tồn tại, hiển nhiên cần có sự chuẩn bị kỹ càng. Sự ra đi của trang web beyeu.com vào tháng 11 với thông điệp “Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền, nhiều công ty đã chọn ngừng đốt tiền. Chúc may mắn cho những ai ở lại” như một lời cảnh tỉnh cho những ai muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Khởi nghiệp, mảnh đất màu mỡ hứa hẹn những hoa thơm trái ngọt nhưng cũng không ít cạm bẫy. Ý tưởng mới hoặc sao chép ý tưởng không quan trọng bằng năng lực thực thi, sự am hiểu thị trường và một tầm nhìn đủ dài để doanh nghiệp phát triển bền vững và thu hút nhà đầu tư.
Thiên Toàn (DNSGCT)