Đã bước qua đầu tháng 8 rồi mà mùa du lịch dường như chưa kết thúc ở vùng này. Các đoàn du khách cứ nhộn nhịp kéo nhau về, đẩy doanh thu du lịch ở các địa phương tăng cao so với các năm trước. Có nhiều nhận định khác nhau về sự tăng trưởng đột biến ấy, nhưng tựu trung vẫn là sự liên kết xây dựng bản đồ du lịch toàn vùng không có sự lặp lại nhàm chán, rập khuôn của các sản phẩm du lịch.
Chợ nổi – một sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ĐBSCL. Ảnh Phước Như
Tuy vậy, du lịch vùng ĐBSCL chưa có sự hợp tác bền chặt giữa các địa phương, các công ty du lịch. Lâu nay, chỉ có liên kết trong việc tổ chức sự kiện, chứ chưa thật sự liên kết để cùng phát triển sản phẩm du lịch. Thực tế đó làm nảy sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, liên kết chắp vá hoặc chưa có chiều sâu giữa các địa phương. Tình trạng “mạnh ai nấy làm” và “rập khuôn” đã ảnh hưởng đến tiến trình xúc tiến du lịch mang tính vùng, miền. Năm 2010, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL (MDTA) phối hợp với các Sở Văn hóa – Thông tin – Du lịch trong vùng xúc tiến việc bình chọn sản phẩm du lịch đặc trưng cho mỗi địa phương, song vẫn chưa có kết quả sau cùng. Nhìn chung, sản phẩm du lịch vẫn rập khuôn: Chợ nổi trên sông, ghé miệt vườn nghe đờn ca tài tử, thưởng thức các món ăn khá giống nhau… Ngay Kiên Giang – một địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch – nhưng theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, ngành du lịch Kiên Giang còn nhiều hạn chế trong đó sản phẩm du lịch còn trùng lắp, đơn điệu, gây nhàm chán, đầu tư còn dàn trải…