Nhân viên kinh doanh, bán hàng là vị trí quan trọng, quyết định doanh số, thu nhập của doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp thường phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để quảng cáo tuyển dụng hoặc chủ động “săn” ứng viên từ các hồ sơ trên mạng. Tuy nhiên, không nhiều công ty tìm được các nhân viên kinh doanh phù hợp và gắn bó lâu dài, doanh nghiệp nhỏ thì càng khó khăn hơn.
Theo số liệu của trang mạng tìm việc JobStreet.com, ngành bán hàng luôn có nhu cầu cao trên thị trường việc làm, đạt trung bình khoảng 25% vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, dịp cuối năm có thể tăng cao hơn. Tuy nhiên, ứng viên ngành này chỉ chiếm khoảng 17% nguồn cung ứng viên. Từ đó, nhân viên kinh doanh trở thành vị trí được săn đón nhiều nhất trên thị trường tuyển dụng và là một trong 10 nghề được trả lương cao nhất tại Việt Nam. Cũng theo khảo sát của JobStreet.com, nhân viên kinh doanh từ 1-4 năm kinh nghiệm có mức lương trung bình khoảng 17 triệu đồng, vị trí trưởng nhóm, giám sát lại nhận được mức lương khoảng 20 triệu đồng, còn cấp quản lý đạt mức lương khoảng 30 triệu đồng. Một nghịch lý là nhân viên ngành kinh doanh, bán hàng lại cảm thấy không hài lòng với mức lương của mình và luôn phải chủ động tìm kiếm các cơ hội việc làm tốt hơn (theo khảo sát trên 256 ứng viên thực hiện trong tháng 10-2015).
Chủ doanh nghiệp thường cho rằng tình trạng nhân viên kinh doanh có trình độ thấp và hay “nhảy việc” là nguyên nhân của nghịch lý trên. Tuy nhiên, nhân viên ngành này vẫn có xu hướng gắn bó với một công ty trong thời gian dài nếu như họ có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, môi trường làm việc thân thiện và họ học được nhiều kinh nghiệm từ công việc hằng ngày. Bên cạnh đó, lao động ngành này cũng quan tâm đến các yếu tố về thăng tiến sự nghiệp, tình trạng tài chính của công ty chứ không chỉ mức lương và phúc lợi.
Dự kiến vào dịp tết sắp tới, thị trường sẽ thiếu nguồn cung nhân lực kinh doanh, bán hàng nghiêm trọng nếu doanh nghiệp không thay đổi chiến lược tuyển dụng. Nhiều doanh nghiệp đưa ra chính sách tuyển dụng nhân viên kinh doanh một cách ồ ạt, không yêu cầu quá nhiều yếu tố đầu vào khiến cho nguồn nhân lực nhiều khi không được như mong đợi. Hệ quả là người vào cũng nhiều mà người ra cũng không ít, gây ra tâm lý tiêu cực cho những ứng viên đến sau. Doanh nghiệp cần hiểu rõ yêu cầu của mình đối với vị trí tuyển dụng, được thể hiện một cách rõ ràng, chính xác trong bản mô tả công việc để các ứng viên nhận biết cụ thể về những gì mình sẽ làm. Từ đó, các bên sẽ đánh giá được sự phù hợp của đối phương đối với mình. Đối với các doanh nghiệp nhỏ nếu không thể thu hút nhân viên kinh doanh bằng một môi trường lớn và chuyên nghiệp thì có thể xây dựng môi trường làm việc trẻ trung, năng động và đầy nhiệt huyết để nhân viên gắn bó với công ty hơn.
Doanh nghiệp nên cung cấp nhiều thông tin về công ty như môi trường làm việc, tình trạng tài chính của công ty cũng như thông tin mức lương mà hầu hết ứng viên đều mong muốn được biết. Một kế hoạch phúc lợi rõ ràng với chế độ đãi ngộ tốt là điểm quan trọng giúp các nhà tuyển dụng thu hút ứng viên và giữ chân nhân viên của mình.
Đức Hoàng (DNSGCT)