Nằm giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai, dãy núi Bạch Mộc Lương Tử địa hình hiểm trở chỉ mới được dân phượt khai phá từ năm 2012. Ngọn cao nhất của dãy núi này có độ cao 3.046m so với mực nước biển và để lên tới đỉnh, du khách phải leo quãng đường dài khoảng 30km qua nhiều địa hình khác nhau như đồi trọc, rừng tre nứa, rừng gỗ lớn, rừng trúc lùn đến những vách đá cheo leo toàn rêu phủ.
Hành trình của chúng tôi đi từ Lào Cai, đến bản Kỳ Quan San (xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát) thì bắt đầu “được” leo núi, hay chính xác là bò lên núi. Sau chín tiếng đồng hồ giữa rừng, nhóm mới hạ trại nghỉ ngơi tại khu lán nhỏ xíu ở độ cao 2.100m.
Thức giấc vào lúc 4 giờ sáng hôm sau, mọi người xuýt xoa vì lạnh. Bên ngoài lều, trời vẫn còn tối đen nhưng rồi tôi bỗng thấy mọi thứ xung quanh lấp lánh lạ thường, tay đụng vào cái gì cũng thấy buốt, hóa ra là băng tuyết đã bao phủ một lớp mỏng lên mọi thứ xung quanh. Cả nhóm mò mẫm cầm đèn pin mải miết đi xuyên rừng trong đêm tối, cho đến lúc quay nhìn lại và thấy một vệt đỏ rực nơi chân trời mới biết mặt trời sắp lên. Đoạn đường vừa qua thật hiểm trở, toàn vách đá dựng đứng, ai nấy thận trọng từng bước vì chỉ sơ sẩy một chút là trượt chân lăn xuống vực.
Lúc đi trong rừng, chúng tôi đinh ninh rằng thể nào mặt trời cũng mọc lúc đoàn vẫn còn ở trong rừng. Thôi thì ngước mắt nhìn qua kẽ lá cũng đủ thấy đẹp rồi. Ai ngờ ra đến con đường mòn nhỏ xíu dọc vách đá rồi hướng mắt ra xa thì nhìn thấy một đốm đỏ bé xíu. Mặt trời lúc ấy nhỏ bé thế đấy. Nhưng chỉ trong năm giây ngắn ngủi sau đó, đốm đỏ bùng lên như quả cầu thủy tinh rực rỡ khổng lồ.
Điểm dừng tiếp theo là mấy tảng đá nằm ở độ cao khoảng 2.600m nhìn thẳng lên đỉnh Chuồn Dê 2.800m. Ở đây trời xanh ngăn ngắt đến nhức mắt, không một gợn mây vì mây nằm ở bên dưới hết rồi. Từ độ cao 2.800m lên đến đỉnh cao nhất của Bạch Mộc cũng là những giây phút cuối cùng chúng tôi được nhìn thấy mây bên phía Lào Cai.
Chặng đường từ 2.800m lên đến 3.035m, ai nấy đều mệt và khá đuối sức, đi một chút nghỉ một chút. Cả đoàn cần mẫn xuyên rừng trúc, không còn biết là mất bao lâu nhưng cuối cùng thì cũng đặt chân được đến đỉnh cao nhất, đứng từ đây nhìn thấy được Fansipan.
Buổi sáng cuối cùng của chúng tôi ở trên Bạch Mộc không lạnh bằng bữa đầu tiên nên cũng không còn băng tuyết. Mọi người dọn lều xong thì xuống núi đồng thời dò tìm nguồn nước. Nhóm miệt mài leo xuống đến tận 10 giờ sáng mới đến suối. Đang mùa cạn, nên suối chỉ róc rách được vài ba dòng nước chảy tí tách qua thảm rêu nhưng ai nấy thấy nước ngọt mát không thể tả.
Sau khi nếm thử mùi vị thảo quả (rất giống củ riềng) trong một cánh rừng toàn thảo quả, nhóm tiếp tục băng qua thảm thực vật phong phú ở rừng già Lai Châu. Nhiều loại hoa rừng đẹp và lạ mắt thi nhau xuất hiện khiến các thành viên quên đi nỗi mệt đường dài. Và rồi chúng tôi cũng đến được cung đường hạnh phúc: đó là nơi bắt đầu xuất hiện ruộng bậc thang và nhà sàn. Cứ ngỡ là đã đến lúc kết thúc đường rừng, ai ngờ phải đi thêm hơn nửa giờ đồng hồ mới vào đến bản làng.
Bản Dền Sung, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là địa danh kết thúc chuyến leo núi ba ngày hai đêm vô cùng đáng nhớ của chúng tôi. Bạch Mộc Lương Tử hiểm trở nhưng tuyệt đẹp mang lại những trải nghiệm rất đặc biệt cho từng thành viên trong đoàn…