Do chịu tác động của biến đổi khí hậu, bây giờ TP.HCM không còn hiện rõ hai mùa nắng và mưa như trước. Mưa có thể đến và mưa to trong bất cứ tháng nào, chẳng kể đó là tháng mùa nắng. Do tồn tại những bất cập trong hệ thống thoát nước, hễ mưa xuống là người dân thành phố lại lo ngập lụt. Đã vậy, hiện tượng triều cường còn có vẻ phức tạp hơn. Những ngày này, con số báo động về triều cường thay nhau nhảy nhót như muốn lập kỷ lục mới. Cho dù đã có một số dự án chống ngập đã được triển khai, đã và đang hoàn thành, song tình trạng ngập lụt tại TP.HCM vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Nếu cần chọn điển hình của khu vực bị ngập do mưa lớn thì đó hẳn là những điểm trên các đường Âu Cơ, Đồng Đen, Bàu Cát, Trương Công Định… Cần thêm điển hình của khu vực ngập do triều cường sẽ có đường Lương Định Của, Kha Vạn Cân, rồi Huỳnh Tấn Phát, Bình Quới, Phú Định… Còn những điểm ngập do mưa kết hợp với triều cường là các con đường Kinh Dương Vương, An Dương Vương, Phan Đình Phùng…
Đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) ngập sâu, nhiều xe chết máy phải dẫn bộ
Đường phố như sông vẫn là “chuyện thường ngày”
Trung tâm Điều hành chương trình Chống ngập nước TP.HCM cho biết đến thời điểm hiện tại, các đơn vị chức năng đã xóa được tám điểm ngập lụt tại các đường Vũ Tùng, Ung Văn Khiêm, Lãnh Binh Thăng, Hậu Giang, Đỗ Xuân Hợp, Quang Trung, Phan Anh, An Dương Vương. Tuy nhiên, sau những trận mưa lớn thì mới hiện rõ “cái vòng luẩn quẩn”: chống ngập được nơi này thì nơi khác lại trở thành điểm ngập mới. Đợt triều cường hồi trung tuần tháng 10 vừa qua đã vượt mức đỉnh lũ năm 2011, cụ thể là từ 1,59m đã nhảy lên 1,62m, khiến cho nhiều khu dân cư, tuyến đường bị ngập khá sâu trong nước. Triều cường lại thường xảy ra vào giờ cao điểm càng làm cho tình trạng ùn tắc giao thông thêm nặng nề, việc lưu thông trên nhiều tuyến đường rất khó khăn, tình trạng hỗn loạn kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, công việc của người dân.
Khu vực bán đảo Thanh Đa dù đã được chống ngập nhưng vẫn là một trong những nơi bị ảnh hưởng triều cường nặng nề nhất. Một số nơi như khu Tân Cảng, đường Ung Văn Khiêm, Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh), Hoàng Diệu, Khánh Hội (quận 4), Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Lương Định Của (quận 2), Phú Định, Bình Đông (quận 8), Trần Hưng Đạo (quận 5)… nếu bị ngập ít thì nước cao hơn mặt đường cỡ 20cm, còn khi bị ngập nặng thì lên tới 40cm. Ngập lụt kéo dài nhiều giờ là tình trạng thường xuyên xảy ra.
Những con đường “phố bỗng thành sông” sau cơn mưa và triều cường:
Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) rộng rãi nhưng mênh mông nước