Gần 150 bức tranh đã được nhóm họa sĩ Ngũ Sắc giới thiệu trong triển lãm lần thứ ba của họ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97 Phó Đức Chính, Q.1, từ 4 đến 22-11-2015). Phòng tranh mở cửa đến ba tuần nhưng chỉ vài ngày đầu sau khai mạc đã có vài chục tác phẩm được gắn nơ.
Nhóm Ngũ Sắc được hình thành với năm họa sĩ là Lê Tuấn Anh, Ngô Văn Cao, Nguyễn Văn Chiến, Lê Xuân Chiểu, Trần Quang Hải và đã tổ chức triển lãm đầu tiên vào tháng 12-2012 cũng tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, từ đó cái tên “Ngũ Sắc” cũng được gọi cho các triển lãm của nhóm. Phòng tranh ra mắt nhóm ngày ấy cũng tầm cỡ như hôm nay với mỗi họa sĩ khoảng 30 tranh, có nhiều bức khổ lớn. Thay cho Lê Tuấn Anh là Nguyễn Trường Linh(*), người trẻ nhất của Ngũ Sắc nhưng cũng đã ở tuổi trung niên, các thành viên còn lại của nhóm tuổi đều đã lục tuần, tất cả đều có bề dày sáng tác, có người còn là giảng viên đại học như Lê Xuân Chiểu, Nguyễn Trường Linh. Chính vì thế có thể nói “Ngũ Sắc lần 3” là một phòng tranh có chất lượng về nghệ thuật cũng như tạo được sự tin cậy về kỹ thuật và thủ pháp nghề nghiệp ở các tác giả, đặc biệt là với tranh sơn mài truyền thống vốn chiếm một tỷ trọng khá lớn tại triển lãm lần này.
Chuyên tâm cho chất liệu sơn mài truyền thống là hai họa sĩ Trần Quang Hải và Nguyễn Trường Linh. Tranh Trần Quang Hải thường là những bộ ba, bộ bốn khổ lớn với cách tạo hình nửa hiện thực, nửa trừu tượng và đa dạng về đề tài. Có thể thấy tác giả như bay bổng trong thế giới riêng của ông, tạo được một ngôn ngữ sơn mài khác biệt, mạnh về nhịp điệu, tiết tấu và nhuần nhuyễn trong xử lý chất liệu như ông bày tỏ: “Sơn mài cho ta sự cảm thụ một cách thích thú và mê đắm bởi sự huyền bí, sâu lắng nhưng vô cùng quyến rũ. Mộc mạc như vỏ trai, vỏ trứng, bột điệp, bột son đến lung linh sang trọng như vàng, bạc, nhũ và sự huyền ảo ngọt ngào của màu cánh gián cứ như quyện vào, quyện vào để rồi tiết ra cái hồn, cái khí của con người, của trời đất. Trong quá trình sáng tạo tác phẩm, họa sĩ phải vận dụng khá nhiều thủ thuật chuyên môn mới tạo được hiệu quả chất liệu: cách gắn trứng, cách dán bạc, cách bôi màu… Có thể nói: người họa sĩ vẽ sơn mài truyền thống vừa phải là thầy vừa phải là thợ thì mới có thể đi xa trên con đường hun hút gập ghềnh mà mình đã lựa chọn”.
Là nhà giáo, chủ nhiệm khoa Mỹ thuật của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, chủ nhiệm Nhóm họa sĩ sơn ta Việt Nam nên họa sĩ Nguyễn Trường Linh gắn bó với tranh sơn mài truyền thống là điều dễ hiểu. Những năm gần đây, Nguyễn Trường Linh đã có nhiều triển lãm sơn mài cá nhân cũng như với nhóm họa sĩ sơn ta được tổ chức trong và ngoài nước. Tranh sơn mài của Nguyễn Trường Linh là những góc nhìn, những chiêm nghiệm về hiện thực cuộc sống và cả những cõi tâm linh mầu nhiệm với cách xử lý chất liệu mà theo nhận định của họa sĩ Lương Xuân Đoàn thì: “Tự tin khi con mắt được đánh thức, nên Nguyễn Trường Linh nhẹ nhõm bước chậm, bước sâu xuống đáy vóc mà vùng vẫy thỏa thuê trong những đĩa màu cũ, tinh túy của sơn mài. Để rồi, mỗi lần ngoi lên lại thấy mình khác. Hình khác, màu cũng khác khi giữa đôi bờ âm dương của mặt vóc, tiếng ngân vọng dưới đáy đen thăm thẳm kia mới là lời mời gọi quyến rũ nhất để hình sắc tự phá cõi mà tràn lên, hồn tìm được hình mà trú ngụ nơi bức họa, mặc cho cái đẹp hòa điệu bình dị, tự tại giữa vàng, bạc, son, than và vỏ trứng…”.
Cũng rất thuận tay với chất liệu sơn mài là họa sĩ Lê Xuân Chiểu dù họa sĩ còn trưng bày nhiều tranh sơn dầu và cả tranh lụa tại “Ngũ Sắc lần 3”. Giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật và là Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Lê Xuân Chiểu cho thấy ông vẫn tràn đầy năng lượng trong lĩnh vực sáng tác. Không chỉ thường xuyên có tranh tham dự các triển lãm nhóm, ông còn đi thực tế sáng tác ở nhiều địa phương trong nước, nên xem tranh Lê Xuân Chiểu cũng là một cách du ngoạn qua nhiều vùng đất, qua các lễ hội dân gian đầy màu sắc… Ở triển lãm này, tranh được gắn nơ nhiều nhất là của Lê Xuân Chiểu, cho thấy sự thành công của ông cả về nghệ thuật lẫn thương mại. Họa sĩ Văn Chiến và Ngô Văn Cao cũng đưa người xem đến với rất nhiều địa phương, nhiều vùng đất quê nhà, với cuộc sống sinh hoạt từ các chợ quê, các phố thị và các tỉnh vùng cao phía Bắc đất nước vào mùa hoa rực rỡ cho đến những dòng sông phương Nam hiền hòa. Trong tranh hai ông, các trạng thái của tự nhiên (và có lẽ của chính tác giả) được diễn đạt khi thì yên ả, bình dị, lúc lại reo vui, sôi nổi. Dù vẽ phong cảnh hiện thực nhưng trong nhiều tranh sơn dầu của họa sĩ Văn Chiến, các chi tiết đã bị giản lược, chỉ còn những mảng và khối màu phối với nhau như tranh trừu tượng.
Trong tình hình sinh hoạt tạo hình trầm lắng, nhiều phòng tranh không có người mua thì triển lãm “Ngũ Sắc lần 3” là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy tranh đẹp, có giá trị nghệ thuật vẫn tìm được những chủ nhân mới.
(*) Đến triển lãm lần thứ hai (tháng 11-2014 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội) nhóm Ngũ Sắc đã có một sự thay đổi: họa sĩ Nguyễn Trường Linh thay thế cho họa sĩ Lê Tuấn Anh
- Như Hoa