Truyền thông thế giới ngày 3-9 đã đồng loạt đăng tải bức ảnh gây rúng động về cậu bé ba tuổi người Syria chết đuối dạt vào bờ, khi cùng gia đình tìm đường vượt biển sang châu Âu tỵ nạn.
Bé trai này tên Aylan Kurdi, cùng anh trai Galip năm tuổi và mẹ của em đến từ thành phố Kobani. Họ nằm trong số 12 người Syria đã chết đuối khi chiếc thuyền di dân bị chìm sau khi rời Thổ Nhĩ Kỳ với hy vọng sẽ tới đảo Kos của Hy Lạp, nơi hàng ngàn người di cư đổ tới cách nay mấy tuần.
Bức ảnh hết sức đau lòng nói trên đã ngay lập tức trở thành hình ảnh biểu tượng cho cuộc khủng hoảng người tỵ nạn do cuộc chiến ở Syria gây ra.
Theo tờ Washington Post, quy mô của cuộc khủng hoảng người tỵ nạn Syria đã lớn tới mức khó tưởng tượng. Hiện có khoảng 11 triệu người Syria – tức nửa dân số nước này – đã chết hoặc chạy trốn khỏi nhà kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2011. Khoảng 4 triệu trong số đó buộc phải rời khỏi đất nước.
Làn sóng di cư kỷ lục đe dọa lục địa già
Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Bất chấp những biện pháp ngăn chặn và trấn áp từ nhiều nước, làn sóng người di cư đổ vào châu Âu vẫn không ngừng gia tăng trong thời gian qua.
Kể từ cuối năm 2014 và nhất là từ đầu năm 2015 đến nay, hàng trăm ngàn người tỵ nạn, bằng đủ loại phương tiện, chạy trốn chiến tranh ở Trung Đông đã tràn vào châu Âu qua cửa ngõ Italia và Hy Lạp.
Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), trong năm nay hơn 350.000 người đã liều lĩnh vượt Địa Trung Hải và khoảng 2.600 người đã thiệt mạng trên hành trình đầy nguy hiểm này để tìm kiếm cuộc sống mới ở châu Âu.
Ngoài những trường hợp thiệt mạng khi vượt biển, IOM cho biết khoảng 1.000 người di cư đã chết khi vượt qua sa mạc Sahara và vịnh Bengal ở Nam Á.
Trên bộ, hàng chục ngàn người mượn con đường Balkan vượt biên giới Serbia vào Hungary, sau đó chạy sang Áo và Đức. Tình hình càng nghiêm trọng hơn vì nhiều người dân Balkan cũng bị cuốn theo “phong trào” di cư gia nhập đội quân xin tỵ nạn.
Đa số những người di cư mong muốn tìm đến miền đất hứa châu Âu để chạy trốn khỏi chiến tranh và cuộc sống nghèo đói.
Nhiều nước châu Âu đã biến biên giới của mình thành những pháo đài với hàng rào dây thép gai và đây được coi là giải pháp trước mắt nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư trong khi chưa tìm được tiếng nói chung trong khối.
Tháng 7-2015, Chính phủ Hungary đã gây chấn động khi khởi công xây dựng một hàng rào cao bốn mét dọc biên giới kéo dài 175km với Serbia.
Trước đó, Bulgary vào đầu năm 2015 cũng thông báo kế hoạch xây tường rào dài hơn 160km trên đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính phủ Anh gần đây cũng chi 10 triệu USD để dựng lên hai hàng rào dây thép gai bao quanh nhà ga xe lửa Eurotunnel để ngăn người di cư vượt qua đường hầm eo biển Manche vào Anh.
Các hàng rào biên giới tương tự cũng đã được dựng lên ở Hy Lạp và Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, bất chấp trở ngại từ các hàng rào thép gai có thể gây thương tích, nhiều người nhập cư vẫn tìm cách vượt qua.
Việc dựng lên các chướng ngại vật, tăng cường lính gác tại khu vực biên giới hay bỏ tù những người vi phạm vẫn không dập tắt được quyết tâm của những người di cư – những người rời bỏ quê hương vì chiến tranh, loạn lạc hay khó khăn kinh tế để tới châu Âu, nơi họ hy vọng sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Khu vực miễn thị thực giữa 22 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (Schengen) đang đứng trước nguy cơ quá tải bởi làn sóng di cư vẫn tiếp tục đổ vào cửa ngõ Hy Lạp, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgary… Thủ tướng Đức Angela Merken đã tuyên bố “cả hệ thống Schengen đang đứng trước rủi ro nếu Liên minh châu Âu không thể đạt được sự đồng thuận về chính sách cho người tỵ nạn và nhập cư”.
Theo Công ước Dublin hồi năm 1990, những người nhập cư chỉ được phép xin tỵ nạn tại nước đầu tiên họ đặt chân lên châu Âu, tuy nhiên nhiều nước Bắc Âu cho rằng Italia và Hy Lạp đã không thống kê những người di cư mới đến khiến nhiều người có thể đến các nước châu Âu khác để xin tỵ nạn.
Cả thế giới đang chờ đợi các quốc gia châu Âu sớm đạt được sự đồng thuận trong chính sách và hành động thực tế nhằm đối phó với làn sóng người nhập cư, hiện được coi là thách thức lớn có nguy cơ đe dọa sựổn định về kinh tế và xã hội của lục địa già, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế vừa mới có dấu hiệu tạm thời lắng dịu.
UNHCR kêu gọi tiếp nhận thêm người tỵ nạn
Ngày 4-9, ông Antonio Guterres, người đứng đầu Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR), đã kêu gọi EU tiếp nhận thêm 200.000 người tỵ nạn với sự đóng góp bắt buộc của tất cả các quốc gia thành viên.
Ông Guterres cho rằng EU cần tạo điều kiện cho người di cư có yêu cầu bảo hộ hợp pháp được nhập cảnh và hỗ trợ các quốc gia cửa ngõ như Hy Lạp, Hungary và Italia.
Bên cạnh đó, ông Guterres cũng cảnh báo việc các quốc gia EU chia rẽ trong vấn đề giải quyết khủng hoảng sẽ là cơ hội thuận lợi cho nạn buôn người hoành hành. Từ đó, ông yêu cầu các quốc gia EU cần có những thay đổi cơ bản để mở ra nhiều cơ hội hơn cho người tỵ nạn nhập cư hợp pháp thông qua các hình thức như mở rộng đối tượng cấp thị thực, các chương trình tài trợ và quỹ học bổng…
Lời kêu gọi trên được ông Guterres đưa ra trước cuộc họp ngày 4-9 của Bộ trưởng An ninh và Nhập cư của các nước EU nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay.
Cũng trong ngày 4-9, Ngoại trưởng Ba Lan Grzegorz Schetyna cảnh báo EU phải giải quyết tận gốc nguyên nhân dẫn đến việc người di cư tràn vào châu lục này, thay vì chỉ tập trung tính cách phân chia các nước tiếp nhận những người này, nếu không châu Âu sẽ sớm phải đối mặt với hàng triệu người nhập cư mới.
Trong một diễn biến gần đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc các quốc gia EU đang biến Địa Trung Hải thành “nghĩa trang của người di cư” và cho rằng châu Âu phải chịu trách nhiệm về cái chết của rất nhiều nạn nhân.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp nhận khoảng 1,8 triệu người tỵ nạn từ cuộc khủng hoảng ở Syria và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chỉ trích châu Âu đã không chia sẻ gánh nặng này. Theo báo cáo của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng bảo vệ bờ biển của họ đã giải cứu được hơn 42.000 người di cư trên biển Aegean trong năm tháng đầu năm và hơn 2.160 người riêng trong tuần trước.
Cả châu Âu lên kế hoạch
Hình ảnh đau lòng của cậu bé Aylan đã gây tác động mạnh đến toàn thế giới – bất kể quan điểm về vấn đề di cư như thế nào – và được cho là sẽ đánh động tới chính sách của các nước lớn ở châu Âu trong cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay.
Không phải ngẫu nhiên mà chỉ vài giờ sau khi xuất hiện bức ảnh thương tâm nói trên, nhiều người ủng hộ Đảng Bảo thủ của Anh đã lên tiếng thúc giục Thủ tướng David Cameron rằng đã đến lúc chấp nhận thêm người tỵ nạn.
Bà Laura Padoan thuộc cơ quan Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn UNHCR – nơi cung cấp thức ăn, nước uống, giúp đỡ những người tỵ nạn từ Syria và những nơi khác – cho biết tổ chức này đã chứng kiến sự đóng góp to lớn trong tuần qua.
Ngày 4-9 tại Luxembourg, ngoại trưởng các nước EU đã lập tức nhóm họp không chính thức thảo luận về cuộc di cư đang ngày càng leo thang làm chao đảo gần như toàn bộ lục địa già. Ngay trước hội nghị, lãnh đạo nhiều nước đã công bố một loạt đề xuất mới nhằm giải quyết khủng hoảng.
Pháp và Đức cùng nhất trí rằng cần áp đặt ngay lập tức hạn ngạch bắt buộc tiếp nhận người di cư đối với các quốc gia thành viên nhằm chia sẻ gánh nặng này. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh “đó là nguyên tắc của tinh thần đoàn kết”.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker dự kiến cuối tuần này sẽ công bố một kế hoạch tái định cư cho ít nhất 120.000 người tỵ nạn để giảm gánh nặng cho các nước được coi là cửa ngõ châu Âu gồm Italia, Hy Lạp và Hungary.
Còn Chủ tịch Hội đồng hâu Âu Donald Tusk thì kêu gọi các quốc gia thành viên chia sẻ công tác tái định cư cho ít nhất 100.000 người tỵ nạn, cao hơn nhiều so với thỏa thuận 32.000 người hiện nay.
Tại London, Thủ tướng Anh David Cameron đang có động thái nhượng bộ trước áp lực ngày càng tăng về giải quyết cuộc khủng hoảng di cư với tuyên bố sẽ tiếp nhận số người tỵ nạn Syria nhiều hơn so với 216 người trong năm ngoái.
Trả lời báo giới tại Lisbon sau cuộc gặp với người đồng cấp Bồ Đào Nha, ông Cameron nói: “Xét tới mức độ của cuộc khủng hoảng và nỗi thống khổ của người di cư, chúng tôi sẽ tái định cư thêm hàng nghìn người tỵ nạn Syria”. Ông cho biết thêm Anh trước đó đã tiếp nhận khoảng 5.000 người Syria theo các chương trình tái định cư hiện hành và sẽ tiếp tục tiếp nhận thêm người tỵ nạn.
Đứng trước bài toán nan giải về làn sóng người di cưồạt, hiện 28 nước Liên minh châu Âu vẫn còn nhiều bất đồng trong cách giải quyết. Để sớm tìm được sự đồng thuận, các nhà lãnh đạo châu Âu đã có kế hoạch họp hội nghị khẩn cấp các Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp vào ngày 14-9 tới đây để phác thảo ra một kế hoạch điều phối nhằm xử lý, phân loại và cứu trợ hàng ngàn người nhập cư trái phép tới châu lục.