Là khu vực kinh tế năng động nhất nước, không ngạc nhiên khi TP. Hồ Chí Minh cũng là một trong những địa phương mà lĩnh vực bất động sản phục hồi nhanh nhất sau giai đoạn dài trầm lắng. Không chỉ thể hiện qua số liệu tồn kho bất động sản ngày càng giảm, lượng giao dịch thành công và niềm tin của người mua tăng lên, sự phục hồi còn thể hiện ở khả năng thu hút nguồn vốn trực tiếp đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản ngày càng tăng cao. Theo Cục thống kê TP. Hồ Chí Minh, sau tám tháng đầu năm, đứng đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại thành phố này chính là lĩnh vực bất động sản, với năm dự án có tổng trị giá 1,428 tỉ USD, chiếm đến 61,6% tổng vốn đăng ký cấp mới của toàn thành phố. Với con số này, FDI vào bất động sản TP. Hồ Chí Minh chiếm gần 78,5% tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực này cả nước, con số kỷ lục.
Nguồn vốn nước ngoài chỉ góp một phần vào sự phát triển của bất động sản TP. Hồ Chí Minh. Hầu như các doanh nghiệp bất động sản tên tuổi nhất cả nước đều có dự án đang hoặc sẽ tiến hành tại đây. Nhìn chung, các dự án được phân bổ trên nhiều địa bàn, tuy nhiên có hai khu vực nổi bật thu hút đa số các dự án đầu tư bất động sản cả hiện tại lẫn tương lai, đó chính là khu đông và khu nam thành phố.
Trong giai đoạn phát triển trước, với đầu tàu là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, khu nam (quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh và một phần quận 8) là nơi tập trung của hầu hết các dự án căn hộ nổi bật. Trong khi đó, khu đông (gồm quận 2, 9, Thủ Đức và một phần quận Bình Thạnh) được quan tâm hơn với phân khúc đất nền và biệt thự. Còn trong giai đoạn hiện nay, khu đông chính là xu hướng phát triển địa ốc của thành phố. Phân nửa trong số các sản phẩm địa ốc mới tung ra thị trường thời gian gần đây đến từ khu đông. Việc khu vực này bất ngờ nở rộ các sản phẩm địa ốc, đặc biệt là các dự án căn hộ cao cấp, các dự án quy mô lớn bắt nguồn từ những công trình trọng điểm của thành phố. Đó là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên, các dự án cầu Sài Gòn 2, hầm Thủ Thiêm, tuyến đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây và các đường vành đai… Có sự đảm bảo về cơ sở hạ tầng đó, không khó hiểu khi cả người dân lẫn nhà đầu tư đều chọn lựa nơi đây để sinh sống, đầu tư. Niềm tin của thị trường đối với bất động sản khu vực này tăng lên, giới đầu tư càng đổ về đây triển khai dự án, tạo nên một thị trường mua bán, cho thuê sôi động, từ đó tiếp tục thúc đẩy nhu cầu cư trú của người dân. Xét vị trí địa lý, khu đông cũng đáng để cho các nhà đầu tư giá trị tham gia, bởi đây là cửa ngõ phát triển liên vùng từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Đông và đất nền cũng rất phù hợp để phát triển đô thị. Ngoài ra, quỹ đất của khu vực này còn nhiều, được triển khai sau nên quy hoạch đồng bộ hơn các khu vực khác, càng thêm sức hút đối với các chủ đầu tư cũng như người mua.
Khu nam Sài Gòn với nền tảng là cơ sở hạ tầng sẵn có của khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng tiếp tục là khu vực được chủ đầu tư và người dân ưa thích, tuy không duy trì được vị thế số 1 như trước. Khu vực này cũng có lợi thế nhất định là cơ sở hạ tầng, giao thông và dịch vụ tiện ích nội khu đã định hình từ nhiều năm, với trung tâm là khu đô thị Phú Mỹ Hưng có đầy đủ dịch vụ tiện ích hiện hữu, ổn định có thể về ở ngay lập tức, tạo nên sức thu hút đặc biệt với giới doanh nhân cũng như chuyên gia nước ngoài và một bộ phận không nhỏ cư dân ưa chuộng lối sống hiện đại. Dù không được như thời hoàng kim của thị trường địa ốc, nhưng địa bàn này vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng nguồn cung rất cao.
Ngoài ra, các trục phía tây, tây bắc cũng đang phát triển, nỗ lực bắt kịp đà tăng trưởng của khu vực đông – nam để đưa bất động sản TP. Hồ Chí Minh vào bước phát triển mới, đồng bộ và bền vững.
Hồng Thuận (DNSGCT)