Nghệ sĩ nhân dân Đào Trọng Khánh là “lão làng” trong ngành điện ảnh và đặc biệt là mảng phim tài liệu. Ông nổi tiếng không những với tư cách là một đạo diễn, mà còn là người viết lời bình cho phim. Với gần 20 lần được xướng danh trong các giải thưởng liên hoan phim trong nước và quốc tế là một sự tóm lược ngắn gọn và súc tích nhất về sự nghiệp của ông. Tuy nhiên, cuộc đời “người nghệ sĩ nhân dân” này lại không suôn sẻ như sự nghiệp.
Ông nói: “Những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp có cái gì đó như nghiệp dính vào thân. Phim đầu tiên của tôi là Một phần 50 giây cuộc đời – cuộc đời của tôi, tính đến giờ là hơn 70 năm rồi, vậy mà thấy làm cái gì cũng có vẻ chỉ được một phần”. Nhưng chẳng vì thế mà sức sống và niềm vui sống ở ông suy giảm, trái lại, nó luôn tràn đầy và làm lây lan sang cả những bạn bè, đồng nghiệp mà mỗi tháng, ông vẫn cố gắng thu xếp thời gian về gặp gỡ một đôi lần (hiện ông sống cùng gia đình ở Hải Phòng – PV). Gặp chúng tôi lần này, ông giao hẹn: “Nói in ít về công việc thôi nhé. Bây giờ mình mới có thời gian để đọc, để học và hiểu ra nhiều điều trong cuộc sống hữu hạn này…”.
____
Ông khá nổi tiếng trong giới là người chịu khó đọc, vậy tại sao lại nói “Bây giờ mới có thời gian để học, để đọc”?
Đúng vậy. Tôi đọc để học chứ không phải đọc theo kiểu để biết như trước kia nữa. Sau khi nghỉ hưu tôi thích nghiên cứu về tôn giáo, triết học phương Đông. Càng đọc, tôi càng hiểu ra rằng xung quanh mình có không ít người cái gì cũng biết, khiến cho mình lúc đầu rất hoang mang. Nhưng sau đó tôi hiểu rằng, chẳng qua cái sự hiểu biết đó cũng chỉ là để “tầm chương, trích cú” trong các cuộc giao lưu, trò chuyện xã giao mà chưa giúp gì cho việc làm nên con người mình. Tôi cho rằng, điều quan trọng trong cuộc đời không phải chúng ta đạt được cái gì mà là chúng ta là người như thế nào.
____
Ông chắt lọc qua sự đọc ra sao?
Tôi luôn có quyển sổ ghi lại những điều nhận biết của riêng mình. Sách viết thì miên man, nhưng những gì mình học được chỉ tóm lược lại trong vài ba trang… Phật nói, kiến thức thực ra là sự trói buộc do vậy, muốn nhận biết và ngay cả muốn đạt được sự minh triết thì cũng phải vứt bỏ hay nói cách khác là vượt qua được những sự trói buộc ấy. Quan điểm làm phim của tôi cũng vậy, phải cố gắng biến những sự phức tạp thành đơn giản biến những cái khó thành cái dễ. Và chỉ khi nào đạt được như vậy mới thực sự là nghệ thuật.
Phật nói, kiến thức thực ra là sự trói buộc do vậy, muốn nhận biết và ngay cả muốn đạt được sự minh triết thì cũng phải vứt bỏ hay nói cách khác là vượt qua được những sự trói buộc ấy.
____
Nhưng nếu không có kiến thức thì làm sao để biến mọi sự phức tạp thành đơn giản?
Tôi tin vào khả năng nhận biết thông tin “từ trên” xuống. Tôi tin con người chỉ như bộ máy xử lý thông tin. Máy tốt thì xử lý nhanh, cho kết quả tốt, máy cũ, hoặc lạc hậu thì xử lý kém, đợi mãi mới có lời giải đáp. Vì thế cho nên tôi quan niệm, có những người là cỗ máy mới, họ thông minh, thành đạt… chứ không có gì là “sáng tác”. Khổng Tử nói rằng: “Thuật nhi ứng tác”, tức là tôi chỉ kể lại thôi chứ tôi chả sáng tác cái gì cả, trong khi đó ông cụ là người làm ra bao nhiêu sách. Đức Phật đi thuyết giảng suốt hơn 40 năm và cuối cùng cũng bảo “Tôi chưa nói câu nào”. Sau này, khi đọc Osho thì thấy Osho cũng nói ý rằng những tuyệt phẩm là có sẵn rồi, chúng ta chỉ việc lấy ra. Có những người được chọn để lấy ra và trình bày với mọi người.
____
Vậy thì theo ông, vai trò của trí tuệ – điều làm nên sự khác biệt ở mỗi cá nhân – là ở chỗ nào?
Có những người có trí nhớ tuyệt vời, họ đọc khá nhiều, nói chuyện cũng rất hấp dẫn nhưng đáng tiếc, chúng ta lại không tìm thấy được một sự nương tựa nơi họ. Người ta hay nói một câu rất hay là “chỗ dựa tinh thần”, chỉ có những người có trí tuệ chân xác nhất mới cho ta một chỗ dựa tinh thần.
____
Suy nghĩ của ông về sự giác ngộ?
Sự giác ngộ, thực chất là công việc của mỗi cá nhân chứ không phải là “giác ngộ tập thể”. Đó cũng là sự biến đổi của mỗi cá nhân. Có người thay đổi lại ngoặt sang một hướng khác, không còn gắn với cuộc đời này nữa. Sự nhận biết của mỗi cá nhân phải được biến đổi thế nào đó để trở thành chính mỗi con người đó một cách tự nhiên, lúc ấy mới thực sự đạt đến giác ngộ.
____
Và có thể nói, NSND Đào Trọng Khánh đã đạt đến giác ngộ khi nhiều người cho rằng, từ trẻ đến giờ, ông vẫn là một người luôn nhiệt tình với công việc, nhiệt tình với bạn bè, nhiệt tình với… rượu – ngay cả những khi cuộc đời quên “dành phần” cho ông?
Ồ, không. Nhưng tôi vui vì khi ai đó nhắc đến Đào Trọng Khánh, người ta không chỉ nhớ đến hình ảnh của “lão già” nặng gần một tạ, cao trên mét bảy, ăn to nói lớn với những bộ phim được giải nọ kia… mà quan trọng hơn, người ta nhớ đến một người bạn luôn thẳng thắn, luôn biết ơn trời đất vì được ngồi với những người bạn tâm giao khiến chén rượu nhạt trở thành chén rượu ngon nhất trên đời… Nói một cách nghiêm túc thì đến giờ phút này tôi vẫn luôn trăn trở với nghề, với kho tư liệu mà tôi đang có trong tay về việc làm sao cho nó có ích, chí ít là cho những người không thuộc thế hệ tôi. Thời gian còn làm việc ở cơ quan nhà nước, tôi đã quay được khá nhiều tư liệu về cụ Hồ Biểu Chánh – người được coi là khai phá ra văn chương mới ở VN; nhà văn Sơn Nam – cuốn từ điển về Nam Bộ; nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… thế nhưng lại chưa làm được phim về họ.
____
Lý do là vì…
Có thể do quan điểm, nhận thức mỗi thời của cán bộ quản lý nên những nhân vật văn nghệ sĩ không được chú trọng cho lắm. Lửa thiêng là phim cuối cùng tôi làm trước khi nghỉ hưu, nói về nhà thơ Huy Cận, cũng phải xin phép đến hơn một năm mới được làm.
____
Nếu như bây giờ có điều kiện làm phim về những nhân vật đó, ông sẽ dựng chân dung họ như thế nào?
Đương nhiên là dựa trên những tư liệu đã có rồi. “Kể” lại một cách chân thực những gì mình biết chứ không thể bịa đặt được. Tôi chơi với con trai của cụ Hồ Biểu Chánh do vậy tôi đã có dịp được về quê cụ, viếng thăm mộ hai cụ, gặp gỡ những người thân, người mến mộ cụ, được tiếp cận với những cuốn hồi ký của những người đó viết về cụ… Cụ Hồ Biểu Chánh trong suy nghĩ của tôi là một nhà tiểu thuyết phong tục đầu thế kỷ XX của Việt Nam. Đất Nam bộ trở nên hồn nhiên và thân thiết đến như vậy là nhờ một phần ở văn chương của cụ – hồn nhiên như một Ngọn cỏ gió lùa (tên một tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh – PV). Còn với nhà văn Sơn Nam tôi có ghi được một số hình ảnh, lời nói, câu chuyện của ông. Tôi thực sự cảm xúc với Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê (thơ Sơn Nam). Và nữa, nếu có điều kiện tôi còn có một điều mong muốn làm phim về những bạn bè cùng thời với tôi – những người tôi vẫn gặp hằng ngày, những người không cần phải nổi tiếng nhưng thật tuyệt vời, những người đang sống và sáng tạo không ngừng. Cuộc sống tại đây và ngay bây giờ làm nên thế giới và được sống trên thế giới này là những phút giây hạnh phúc tuyệt đỉnh của mỗi người.
____
Ông đã từng làm phim về Nam bộ chưa? Nếu làm phim về Nam bộ, điều gì sẽ là cốt lõi trong phim của ông?
Phương Nam là một điều kỳ diệu. Nhiều thế kỷ trước đã là một sự khám phá và giờ đây vẫn còn đang chờ đợi sự khám phá mới. Tôi có làm phim Giọt nước mắt rừng U Minh với hai lần đi ghi lại hình ảnh về đất phương Nam, mỗi lần cách nhau trên 20 năm. Tôi thực lòng không mong muốn những gì tôi ghi được lại mau chóng biến mất bởi những thay đổi của thời cuộc. Có những câu thơ thế này: “Ôi mưa phương Nam!/Mưa phương Nam cuốn hết đi rồi/ Ôi mưa phương Nam, mưa phương Nam/ Đất cao nguyên sa thạch”. Đất phương Nam không hóa đá và mưa phương Nam còn rơi mãi trong ta – đó là cảm nhận và mong muốn của tôi về vùng đất này.
____
Hiện ông có tiếp tục làm phim?
Vừa rồi tôi đã hoàn thành một việc rất thú vị là giúp dựng và viết lời bình cho phim Hồ Chí Minh – Ước vọng hòa bình. Phía tác giả người Pháp có một đoạn phỏng vấn phóng viên Phighe về Chủ tịch Hồ Chí Minh vì phóng viên này đã có dịp được làm việc với Bác ở Việt Bắc những năm 1950. Đoạn phim ấy, phóng viên Phighe đã nói đến tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nước Pháp, đối với người yêu chuộng hòa bình đòi chấm dứt chiến tranh và mong những người lính Pháp được trở về nước. Tôi đã dùng đoạn phim ấy, cộng với tư liệu sẵn có của mình, viết lời bình và dựng bộ phim dài chừng 50 phút. Thỉnh thoảng người ta cũng nhờ tôi làm các công việc tương tự vì họ biết tôi có nhiều tư liệu khác nhau. Tôi thích công việc dựng phim (montage) tư liệu, đặc biệt là tư liệu về những nhân vật lịch sử. Hiện tôi có tới 700 phút tư liệu về cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và cũng chừng ngần ấy tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi có may mắn là khi các cụ còn khỏe, các cụ đã dành cho tôi cả tháng trời để làm việc. Đó cũng là cơ duyên mà tôi cho rằng, không dễ gì có được trong đời một người làm phim tài liệu.
____
Ông nhận xét thế nào về phim tài liệu ở ta hiện nay?
Có thể nói, ngày xưa phim tài liệu đã làm được nền móng vững chắc cho điện ảnh Việt Nam. Có một thời, chúng ta có rất nhiều phim hay, có giá trị, ấy là vì giai đoạn đó, phần lớn những người làm phim tài liệu đều hướng tới sự giản dị và chân thật. Nhưng lại cũng có thời, người ta lại cố gắng dùng phim tài liệu mô tả sự thật, do vậy nó trở thành giả tạo. Đó là bi kịch của nghệ thuật nói chung, bởi nghệ thuật đích thực phải hướng tới sự chân thật (cái tinh thần) chứ không phải chỉ là mô tả sự thật (cái vẻ ngoài). Còn hiện nay, phim tài liệu dễ rơi vào tình trạng hời hợt và thiếu tính phát hiện đề tài. Liên hoan phim Cánh diều vừa rồi rất khó chọn giải thưởng cao cho thể loại này. Vậy cái gì đã làm cho phim tài liệu rơi khỏi vị trí của nó? Bản thân phim tài liệu đã qua thời kỳ đỉnh cao, không còn những bức thiết như thời chiến tranh. Những vấn đề xã hội thì truyền hình làm nhanh hơn, dễ hơn, lấn hết sân… Báo chí thì ít đề cập đến, sự đánh giá đúng đắn về giá trị của phim tài liệu cũng không còn. Ai cũng nói là quan trọng nhưng ít người để ý đến. Trong khi đó ở Mỹ hằng năm vẫn có những giải thưởng lớn cho phim tài liệu, gần đây nhất, phim về vụ khủng bố 11/9 đã được giải thưởng Oscar. Trên thế giới, nhìn chung vẫn rất coi trọng và đánh giá đúng mức về giá trị phim tài liệu. Thêm nữa, số người làm phim tài liệu chuyên nghiệp ở Việt Nam cũng rất hiếm.
Một thời, chúng ta có rất nhiều phim hay, có giá trị, ấy là vì giai đoạn đó, phần lớn những người làm phim tài liệu đều hướng tới sự giản dị và chân thật. Nhưng lại cũng có thời, người ta lại cố gắng dùng phim tài liệu mô tả sự thật, do vậy nó trở thành giả tạo.
____
Tình hình thiếu người chuyên nghiệp không chỉ xảy ra đối với mảng phim tài liệu mà có lẽ đối với cả nền văn học, nghệ thuật ở ta hiện nay. Ông nghĩ sao về nhận xét này?
Văn học, nghệ thuật hiện nay ít có những tác giả tên tuổi. Chúng ta cũng có thấy xuất hiện những tác giả đột khởi, lóe sáng lên nhưng rồi lại chìm mất, thiếu chiều sâu và chiều dài, hay nói cách khác là không tồn tại được với Không – Thời gian. Nguyên nhân có thể là do chúng ta chưa hội tụ đầy đủ những năng lực, yếu tố để có những tác giả lớn (fond phát triển). Điều này xảy ra trong từng giai đoạn của lịch sử, có giai đoạn không phải là mươi năm mà có khi còn kéo dài hàng thế kỷ.
____
Liệu có thể hình dung sự phát triển của văn học nghệ thuật như một biểu đồ hình sin, hình sin ấy đã qua đỉnh rồi và bây giờ thì nó đang ở đâu bên dốc kia, dưới đáy hay lưng chừng?
Tôi cho rằng biểu đồ này không phải hình sin mà là trục tung và trục hoành, có nghĩa là phát triển hoặc không phát triển. Chúng ta đang phát triển theo chiều ngang mà không có cái siêu việt là chiều thẳng đứng. Mà thực chất chúng ta phải phát triển theo chiều thẳng đứng: hoặc là chiều sâu hoặc là chiều cao. Trong lịch sử cũng có những thời kỳ phát triển như vậy, như thời Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… Nhưng cũng có những thời kỳ phát triển theo chiều ngang.
____
Thực tế thập niên nào cũng có nổi lên vài tên tuổi đấy chứ thưa ông?
Đúng. Cũng có một vài tên tuổi nổi bật, nhưng sau này tôi nhận ra rằng, nếu đi vào hiệu sách, nhìn lên những giá sách ta rất khó bắt gặp những tên sách sống được ở thế kỷ XX mà tồn tại được ở thế kỷ XXI. Nghĩa là chỉ sau khoảng hai thập niên là đã gần như “rụng” hết những tên tuổi tác giả, tác phẩm đó. Những tác phẩm, tác giả của thế kỷ XX còn lại đến thế kỷ XXI chủ yếu là của giai đoạn 1930-1945. Tôi cho rằng, đây là thời kỳ đặc biệt của lịch sử và được đánh giá như là thời kỳ đổi mới của văn học, nghệ thuật. Đổi mới thật sự. Từ một quan niệm về chính trị, từ một hoàn cảnh của lịch sử nó quyết định sự ra đời của nền móng văn học, nghệ thuật. Cho nên một thời kỳ rất dài, ta quan niệm văn học, nghệ thuật là “vũ khí”. Nếu đã là vũ khí thì nó chỉ có thời kỳ của nó thôi, đến một giai đoạn nào đó anh phải giã từ vũ khí chứ. Hoặc phải biết cách chuyển hóa chúng, chứ nếu không nó trở thành một thứ vô tích sự. Thế cho nên đến giai đoạn nào đó phải có sự đột biến. Sự phát triển của lịch sử nhân loại thực chất là sự xuất hiện của nhiều đột biến.
Một thời kỳ rất dài, ta quan niệm văn học, nghệ thuật là “vũ khí”. Nếu đã là vũ khí thì nó chỉ có thời kỳ của nó thôi, đến một giai đoạn nào đó anh phải giã từ vũ khí chứ.
____
Từ một người làm thơ rồi trở thành một nhà làm phim chuyên nghiệp – đó có thể coi là những bước đột biến rất tích cực của NSND Đào Trọng Khánh. Vậy hoàn cảnh nào khiến cho ông có những bước đột biến ấy?
Với hoàn cảnh của tôi thì không phải là “đột biến” mà chỉ là “chuyển biến”. Thơ không thay thế cho phim tài liệu mà phim tài liệu cũng không thay thế cho thơ. Có vẻ như cũng chỉ là một. Chỉ khác nhau ở hình thức thể hiện. Làm thơ bằng phim hay làm phim như thơ, tôi nghĩ cũng là xúc cảm nghệ thuật trong một con người. Hoàn cảnh càng khó thì càng nghĩ ra nhiều trò. Không biết chừng tôi sẽ trở thành một người nào khác, làm một nghề nào khác chứ không phải là người làm phim tư liệu như bây giờ. Nhưng dù làm gì thì mình vẫn là người yêu thơ và yêu công việc làm phim tư liệu. Có thể đó là sự sắp đặt và lựa chọn của nhiều kiếp chứ không phải chỉ một kiếp này. Kiếp này có lỡ thì kiếp sau cố gắng để lại được tiếp tục làm thơ và làm phim. Làm sinh linh trong vũ trụ, chúng ta chấp nhận cả chiều “tiến hóa” và chiều “thoái hóa”, có điều phải cố nhận biết để Thay đổi.
____
Nhắc đến thơ, nhiều người vẫn chưa quên những câu thơ rất ấn tượng, giàu hình ảnh của ông về thành phố Hải Phòng quê hương của ông: “Thành phố, ăn nằm với biển/ Đẻ ra một lũ cần lao” (Hải Phòng trở lại, 1967) hoặc “Chiều Thu đẩy một người rối trí ra đường/Đi dạo quanh một chiếc lá rụng khổng lồ” (Hà Nội em, Mỵ Châu, 1970)… Đến giờ ông có còn làm thơ? Ông không có ý định ra một tập thơ tặng bạn bè sao?
Lúc trước tôi làm thơ như một nhu cầu chia sẻ tự nhiên. Làm xong, đọc cho bạn bè nghe, rồi cũng “quên” luôn bản thảo. Đến giờ, nhiều bản đã thất lạc, nhiều bài không còn nhớ trọn vẹn được nữa… Nếu có điều kiện, tôi cũng sẽ cố gắng sưu tầm lại…
____
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.