Tiểu đường type 2 thường xuất hiện ở những người trên 40 tuổi, chiếm khoảng 90% các trường hợp tiểu đường. Cơ thể bệnh nhân vẫn có thể sản sinh ra một ít insulin nhưng không đủ để cho cơ thể phản ứng một cách phù hợp. Những người phải ngồi nhiều và béo phì có nguy cơ bị tiểu đường type 2 cao.
Các triệu chứng để nhận biết bệnh tiểu đường type 2 là đi tiểu nhiều lần, có cảm giác khát hoặc đói quá mức, mờ mắt, thường xuyên mệt mỏi và dễ bị kích thích, xuất hiện các vấn đề về tuần hoàn máu (ngứa ran hoặc tê buốt ở cẳng chân, bàn chân hoặc ngón chân), vết nứt lâu lành (đặc biệt là ở bàn chân), bị nhiễm trùng thường xuyên, da ngứa ngáy.
Chứng béo phì và bệnh tiểu đường có mối liên hệ mật thiết với nhau. Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ khẳng định rằng khi giảm trọng lượng từ 2 đến 6kg, bệnh nhân tiểu đường sẽ giảm được lượng đường trong máu, giảm chứng huyết áp cao, cải thiện tình trạng mỡ máu, giảm áp lực lên các khớp hông, đầu gối, lưng, bàn chân, bớt khó thở và hoạt động dễ dàng hơn.
Bệnh nhân tiểu đường mỗi ngày nên cắt giảm 500 calorie từ cả protein, chất béo và tinh bột trong khẩu phần để giảm cân. Tỷ lệ phù hợp nhất trong chế độ ăn của người tiểu đường để giảm cân là 50 – 55% tinh bột, 30% chất béo, 10 – 15% protein.
- A.H.L theo Health.com