Người Việt Nam có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Thật bất ngờ khi biết rằng rất nhiều quốc gia khác từ Đông sang Tây cũng có những câu ngạn ngữ với nội dung tương tự. Liệu điều này có “ứng” với các doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) ở nước ta khi thực tế có một số DNGĐ đã bắt đầu quá trình chuyển giao quyền sở hữu và điều hành từ thế hệ sáng nghiệp cho thế hệ kế thừa? Làm thế nào để các DNGĐ thực hiện được giấc mơ “cơ nghiệp dòng họ trăm năm”? Chương trình đào tạo đặc biệt “Từ Công ty gia đình đến Tập đoàn Kinh tế Toàn cầu” lần đầu tiên được tổ chức cho các DNGĐ của Việt Nam do Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) phối hợp cùng Trường Kinh doanh của Đại học Quốc gia Singapore (NUS Business School) tổ chức vào hạ tuần tháng 6-2012 vừa qua tại Singapore đã cung cấp cho 30 chủ doanh nghiệp tầm nhìn, nhiều kiến thức và các giá trị bổ ích thiết thực.
Tầm quan trọng của doanh nghiệp gia đình
Ở nhiều nền kinh tế trên thế giới, DNGĐ đóng vai trò rất quan trọng và từ hàng trăm năm nay được xem là loại hình tổ chức kinh doanh phổ biến nhất. Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Cambridge, ở Mỹ có đến 90% công ty là DNGĐ, tại Đức là 85%. Ở Pháp và Tây Ban Nha, các DNGĐ tạo ra 75% việc làm. Khoảng 1/3 công ty trong danh sách Fortune 500 là do các gia đình điều hành. Các tập đoàn hùng mạnh với những thương hiệu danh tiếng ở rất nhiều lĩnh vực và ngành nghề như Hermes, Ford, Casio, Toyota, Hyundai, Samsung, Formosa, Maersk,… đều là các DNGĐ.
Tại Việt Nam, sau hơn 20 năm đổi mới và hội nhập, thành phần kinh tế tư nhân, mà chủ yếu là kinh tế gia đình, đã đóng một vai trò quan trọng, đóng góp gần 50% GDP của đất nước và tăng trưởng với một tốc độ rất nhanh. Suốt quá trình đó nhiều DNGĐ tên tuổi đã hình thành và phát triển như Thép Việt – Pomina, Gốm sứ Minh Long I, Nova Group… Các doanh nghiệp này đều chiếm các vị trí cao trong bảng xếp hạng Top các thương hiệu Việt được ưa thích, các cuộc bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao hằng năm, đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế của đất nước, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động. Nhiều DNGĐ ở Việt Nam đã bắt đầu bước sang thế hệ thứ hai với nhiều hoài bão và thách thức đặt ra.
Học để giữ gìn cơ nghiệp trăm năm
Với vai trò to lớn và tầm quan trọng trong nền kinh tế, phải quản trị DNGĐ như thế nào để thế hệ sau kế tục cơ nghiệp từ thế hệ trước vừa bảo đảm duy trì được quyền sở hữu của dòng họ, vừa phát triển vững chắc hơn, trở thành cơ nghiệp trăm năm là vấn đề lớn được đặt ra. Trên cơ sở khảo sát thực tiễn và nghiên cứu hàng nghìn DNGĐ thuộc nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều DNGĐ hàng trăm năm tuổi và được chuyển giao qua hàng chục thế hệ, các nhà nghiên cứu kinh tế đã đúc kết thành các bài học quý giá dành cho đối tượng là chủ DNGĐ.
Tại khóa đào tạo “Từ Công ty gia đình đến Tập đoàn Kinh tế Toàn cầu” mới đây, 30 học viên là chủ của 20 DNGĐ đã được học hỏi, chia sẻ những vấn đề cốt lõi: ưu thế cạnh tranh của DNGĐ so với các loại hình doanh nghiệp tại các nền kinh tế; những thách thức, hạn chế về quản trị của DNGĐ; xây dựng chiến lược chuyển giao và kế thừa tại các DNGĐ; đa dạng hóa và quốc tế hóa DNGĐ; phương cách thiết kế cơ cấu sở hữu để bảo toàn sự thịnh vượng qua các thế hệ; quản trị công ty và quản lý gia đình qua những chu kỳ thay đổi… Những nghiên cứu mang tính học thuật này được minh chứng bằng nhiều câu chuyện thành công cũng như thất bại của các DNGĐ nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới.
Đúc kết lại nội dung chương trình đào tạo này, có thể thấy rằng để giữ vững sự tăng trưởng và bảo vệ sự thịnh vượng của DNGĐ trong thời điểm hội nhập và chuyển giao đầy quan trọng hiện nay, điểm cốt yếu chính là khả năng nâng cao năng lực tổ chức, năng lực con người của mỗi doanh nghiệp. Gia nhập AFTA và WTO một vài năm trước, các doanh nghiệp Việt Nam đã trải nghiệm nhiều cơ hội lẫn thách thức khi cánh cửa thế giới rộng mở. Tính cạnh tranh của thị trường cũng lớn hơn bao giờ hết. Đồng thời, ở góc nhìn nội vi, nhiều DNGĐ của chúng ta hiện đang bước vào giai đoạn củng cố và chuyển giao cơ nghiệp từ thế hệ khởi nghiệp sang thế hệ kế thừa với nhiều hoài bão cũng như không ít khó khăn… Thực tế cho thấy rằng trong các DNGĐ, những quyết định kinh doanh quan trọng có thể được thống nhất rất nhanh nhờ sự đồng thuận và tập trung điều hành cao giữa các thành viên trong gia đình, giúp doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội kinh doanh hay phản ứng trước những động thái của thị trường một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, sẽ rất khó tìm được tiếng nói chung, hoặc thậm chí có thể phát sinh mâu thuẫn và chia rẽ, nếu các thế hệ không cùng chia sẻ một tầm nhìn, sứ mệnh, các chuẩn giá trị và những quy tắc hành xử trong công ty và trong gia đình.
Cuối cùng nhưng cũng hết sức quan trọng, một câu hỏi hóc búa mà bất kỳ DNGĐ nào cũng phải tự tìm ra lời giải cho riêng mình trong quá trình phát triển, củng cố và chuyển giao qua các thế hệ, đó là: giữa việc kinh doanh và gia đình, đâu là ưu tiên quan trọng nhất?
DNGĐ của Việt Nam, đã đến lúc bước ra khu vực và thế giới
Ngoài khóa học tại NUS Business School, các doanh nghiệp Việt Nam tham dự chương trình còn có buổi giao lưu kết nối với các DNGĐ thành viên của Hiệp hội Kinh doanh Singapore (Singapore Business Federation – SBF). Đến tham dự và chia sẻ với các DNGĐ hai nước, ông Trần Hải Hậu, Đại sứ Việt Nam tại Singapore đánh giá cao sự phát triển và đóng góp của khối kinh tế tư nhân, mà phần lớn trong đó là các doanh nghiệp phát triển từ mô hình gia đình, cho sự phát triển của nền kinh tế. Ông cũng mong muốn những chương trình đào tạo và giao lưu kết nối này được tiếp tục và mở rộng để tăng cường cơ hội học hỏi và hội nhập cho các DNGĐ Việt Nam.
Hai mươi năm đổi mới và hội nhập, nền kinh tế của chúng ta nói chung và các DNGĐ ở Việt Nam nói riêng còn quá non trẻ. Nhưng chắc chắn rằng trong một tương lai không xa chúng ta sẽ có những điển hình tiêu biểu với đặc thù riêng của Việt Nam trong lịch sử phát triển của mô hình doanh nghiệp gia đình trong khu vực và trên thế giới.
Nguyễn Thiện
[note color=”#ecebef”]
Ông Lương Xuân Hà, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (VIHAJICO), doanh nhân khởi nghiệp và vẫn đang giữ vai trò lãnh đạo và điều hành trực tiếp trong công ty của mình chia sẻ: “Điều làm tôi tâm đắc nhất là những bài học thành công cũng như thất bại của các công ty hoạt động theo mô hình doanh nghiệp gia đình. Mỗi trường hợp có những nét đặc thù riêng, nhưng cũng có rất nhiều điểm chung có thể khái quát thành những quy luật tất yếu. Nhìn lại công ty của mình, chúng tôi thấy tự tin hơn vì mình đang đi đúng hướng với sự phát triển chung”.
Bà Mai Thanh Diệu, Tổng giám đốc Công ty Phúc Thành, người khởi nghiệp và gắn bó gần 20 năm với thương hiệu dầu nhớt Nikko tại Việt Nam, chia sẻ khi tham dự chương trình cùng con gái của mình: “Xây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng nên đối với tôi công ty là sự gắn bó máu thịt. Các con tôi nay đã lớn và đứa nào cũng nhiệt tình muốn góp sức với mẹ trong việc kinh doanh của gia đình. Tuy nhiên, tôi muốn các con phải có tình yêu với công ty, với công việc kinh doanh, luôn khiêm tốn với những kiến thức và kinh nghiệm mà mỗi đứa tự tích lũy. Có như vậy tôi mới yên tâm giao lại cơ nghiệp. Những bài học từ chương trình này cho tôi một tầm nhìn và chiến lược để chuẩn bị cho sự chuyển giao và kế thừa một cách bài bản”.
Chị Đỗ Duy Hiếu, một nhà quản trị trẻ thuộc thế hệ thứ hai, hiện là Giám đốc điều hành Tập đoàn Thép Việt, cho biết: “Đối với chúng tôi, sự tham gia của các thành viên gia đình trong công ty là một sức mạnh mà hiếm nơi nào khác có được, tuy nhiên điều này cũng mang lại những thách thức lớn mà Thép Việt phải vượt qua để phát triển xa hơn. Tôi đã nhận ra những vấn đề và hướng giải quyết cho công ty của mình khi nghiên cứu và đối chiếu với rất nhiều trường hợp của các DNGĐ khác, và sẽ từng bước áp dụng vào thực tế trên cơ sở đối thoại và chia sẻ của các thế hệ trong công ty và gia đình”.
[/note]