Có một khu vườn đào tạo kỹ thuật làm vườn trong đô thị cho tất cả những ai có nhu cầu nằm ở phường Thảo Điền, quận 2, TP. Hồ Chí Minh, hướng tới đào tạo nghề và tạo việc làm cho trẻ lang thang và thanh niên thất nghiệp. Nhân viên của khu vườn còn cung cấp dịch vụ tư vấn, làm vườn cho các cá nhân, tổ chức có yêu cầu nhằm gây quỹ cho dự án môi trường của họ. Đó là mô hình kinh doanh xã hội của nhóm Green Youth Collective (GYC).
Gợi cảm hứng làm vườn, trồng cây
Hiện nay, ô nhiễm không khí và vệ sinh an toàn thực phẩm là các vấn đề mà người dân thành phố đang phải đối mặt hằng ngày. Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, những công trình cao tầng mọc lên liên tục khiến cho môi trường sống của chúng ta ngày càng trở nên ngột ngạt hơn. Dự án “Vườn đô thị” của nhóm GYC là lời gợi ý cho mọi người chủ động cải tạo không gian sống của mình bằng việc làm vườn, vừa là giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tự sản xuất nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình. Xây dựng “mảng không gian xanh” theo cách làm của nhóm bạn trẻ GYC này là một khu vườn “sống” thật sự, nơi hạt giống nảy mầm từ vùng đất không sử dụng hóa chất, côn trùng giúp đất tơi xốp và thụ phấn cho hoa… Qua khu vườn, dự án cũng hướng tới mục tiêu đào tạo nghề làm vườn, tạo công ăn việc làm ổn định cho thanh thiếu niên, chuẩn bị cho thế hệ những công dân có thái độ sống hài hòa với thiên nhiên. Được biết, ban đầu dự án được hỗ trợ bởi quỹ của Tập đoàn Accor (Pháp). Về sau, GYC sẽ cung cấp các dịch vụ trồng cây, làm vườn cho các cá nhân, tổ chức có yêu cầu. Lợi nhuận thu được từ dịch vụ này được sử dụng để đào tạo hướng nghiệp cho thanh niên.
Từ khi GYC đi vào hoạt động từ năm 2012 đến nay, nhiều khu vườn đã được thực hiện miễn phí ở các khu vực quận 9, quận 2, Hóc Môn… Nhóm thường tìm đến những khu đất bỏ hoang, sình lầy chưa khai phá để vừa thử nghiệm các hình thức làm vườn khác nhau, vừa để người quan tâm có thể tham gia tình nguyện và học hỏi kinh nghiệm trực tiếp. Đầu năm nay, nhóm đã tiến hành san lấp và tạo một mảng vườn tươi xanh cho Cơ sở Bảo trợ xã hội Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh). Sự xuất hiện của nhóm kỹ thuật viên người Việt và cả người nước ngoài ở một vùng sình lầy lâu năm đã gây sự chú ý cho đông đảo người dân trong vùng. Nhiều em nhỏở khu vực lân cận đã học được nhiều kỹ năng bổ ích sau khi tham gia làm vườn một cách nhiệt tình. Chỉ sau một thời gian ngắn, nơi vốn là vùng sình lầy hôi thối, nay đã trở thành một khu vườn nhỏ, có luống cải và giàn bầu xanh tươi. Mới đây, các em học sinh ở Trường Đinh Thiện Lý (quận 7) đã có cơ hội tham gia một xưởng vườn do GYC tổ chức tại sự kiện Ngày hội Mùa xuân của trường. Cả các em nhỏ và nhiều phụ huynh đều tỏ ra rất hào hứng khi được ngửi đất, đóng thùng gỗ, trồng cây…
Bà Vũ Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc dự án GYC cho biết: “Với vườn cộng đồng, không gian “chết” ở thành phố sẽ được “sống lại” bằng một hệ sinh thái tự nhiên, rác thải được tái sử dụng, người làm vườn có cơ hội học hỏi thêm những kỹ năng bổ ích, đối tượng trẻ em, phụ nữ nghèo có thêm cơ hội để cải thiện cuộc sống hằng ngày và có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống. Có thể thấy rằng mô hình kinh doanh này có tiềm năng rất lớn, cần nhân rộng trên phạm vi cả nước. Chúng ta có thể kết nối được chính quyền địa phương, trường học, doanh nghiệp, nhà tài trợ cá nhân và các tổ chức xã hội để cùng sẻ chia, đóng góp, hỗ trợ lẫn nhau trong việc triển khai mô hình nông nghiệp bền vững”.
Đào tạo kỹ năng sống cho giới trẻ
Dự án GYC không chỉ đào tạo kỹ năng làm vườn đơn thuần mà còn cung cấp những kỹ năng sống cần thiết cho giới trẻ, nhất là đối tượng thanh niên thất nghiệp và trẻ em không được đến trường. Công việc trong một khu vườn sinh thái sẽ giúp các bạn trẻ yêu thích lao động và phát triển các kỹ năng cần thiết như: tư duy độc lập, giải quyết khó khăn, thích ứng nhanh với môi trường, nhạy cảm trước những vấn đề xã hội… Chương trình giáo dục và đào tạo nghề của GYC hiện nay được thiết kế dựa trên ba cấp độ chính: (1) Mầm: người học có khả năng tự bắt đầu khu vườn của riêng mình với những kỹ năng trồng trọt và sử dụng công cụ lao động cơ bản. Phương pháp chính là quan sát – đặt câu hỏi, thực hành và phản ánh kinh nghiệm; (2) Chồi: người học có khả năng làm vườn, hiểu cách thức hoạt động của các thành tố và hệ thống sinh thái xung quanh như đất, nước – tưới tiêu, chất dinh dưỡng, phân ủ, vòng đời của cây và sử dụng không gian theo những cách khác nhau. Phương pháp chính là tổng hợp thông tin để phân tích hiện trạng, lập kế hoạch, thiết kế và triển khai; (3) Lá: người học có khả năng làm vườn và kết nối việc làm vườn với bức tranh phát triển rộng lớn hơn như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, cảnh quan đô thị, khởi xướng mô hình kinh doanh quy mô nhỏ.
Tuy dự án vườn cộng đồng được đông đảo mọi người ủng hộ trong ba năm qua nhưng hoạt động của GYC cũng gặp không ít khó khăn. Ở khu vực mà “tấc đất như tấc vàng” như quận 2 thì việc xây dựng một khu vườn lâu năm, làm nơi đào tạo nghềổn định lâu dài là điều không dễ dàng. Đối tượng người nghèo khó có nhu cầu học nghề rất lớn nhưng họ thường phải lo mưu sinh, lại ở xa nên khó đến tham gia học và thực hành làm vườn mỗi ngày. Để có một ngôi nhà dành cho người học nghề gắn liền với nơi đào tạo nghề, GYC quyết định đưa khu vườn cộng đồng về thôn Triêm Tây (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) từ đầu tháng 5-2015. Theo bà Vũ Thị Mỹ Hạnh, người học nghề phải sống với khu vườn của mình mỗi ngày, chăm sóc đất và cây như hơi thở mới có thể khơi dậy niềm đam mê với nghề. Khu vườn Triêm Tây sẽ tiếp tục mở rộng vòng tay với tất cả những ai có nhu cầu đến cư trú và học nghề. Việc thay đổi bối cảnh học và cách tương tác với khu vườn hy vọng sẽ là một giải pháp để tăng hiệu quả đào tạo trong tương lai.
GYC cho biết sẽ tiếp tục duy trì mạng lưới những người tiên phong cho phong trào vườn đô thị cho dù khu vườn không còn được đặt ở TP. Hồ Chí Minh nữa. Thông qua các tình nguyện viên và mạng xã hội, tổ chức này luôn đồng hành với các cá nhân hoặc nhóm cư dân đô thị để cùng thực hiện dự án vườn quy mô nhỏ, từ đó tạo nên một môi trường sống xanh rộng lớn và bền vững hơn.
Xuân Lộc (DNSGCT)