Bây giờ ở Trung Quốc và cả ở xứ ta, giới giàu có nhưng vẫn… quê mùa phải bỏ thật nhiều tiền để học sành điệu, học phong cách sống của nhà giàu. Cần quá đi chứ, bởi ngay mang tiếng là “dân thành phố”, thậm chí ở Sài Gòn hay dân thủ đô mà nhiều người vẫn cư xử “nhiều cái kỳ chết”.
Mấy bà mấy cô có của, mới thoát nghèo, không biết ăn chơi sành điệu đã đành, đến người giàu nứt trứng cũng có khi… hà tiện không phải lối: Thích mua đồ rẻ, thích ăn đồ còn dư để tủ lạnh đã lâu, thích cả những nơi… miễn phí, đồ khuyến mãi.
Thiên hạ nói, bởi keo kiệt mới giàu và đã giàu là “keo kiệt không đều”. Thí dụ mua món đồ rẻ tiết kiệm trong khi phóng tay… chơi bạc thua bao nhiêu cũng không chừa.
Thích ăn chơi, biết nhà hàng lớn, khách sạn sang. Đi xe sang, vào trung tâm thương mại. Tóm lại là nơi ra vô của những người giàu có.
- Xem thêm: Thà chết chứ không chịu xấu
Cái thói này đã “lan rộng” ra các bà, các cô. Chỉ cần có một đoàn đi tham quan nghỉ mát thôi, quan sát mà xem. Người nào cũng son phấn, váy áo như sắp lên… truyền hình đến nơi. Vừa đến địa điểm là “chiếm lĩnh nhà tắm” (có bà tắm cả tiếng đồng hồ trong đó). Mọi người chưa kịp thở thì các bà các cô đã… thay bộ mới rồi. Váy áo xanh đỏ tím vàng, chẳng lạnh rét gì cũng model khăn lụa đủ thứ tha thướt.
Đi chơi thường là ba ngày, nhưng kéo theo vali bự chảng, mở ra thì đủ thứ, áo quần, mỹ phẩm, giày dép, máy sấy tóc, bàn ủi, các loại dầu tắm dầu xả thơm lừng.
Nếu là một đoàn đi hội thảo giao lưu quốc tế nữa thì còn ghê hơn. Người ta đến nơi lo tìm hiểu, tham quan giao lưu kết bạn. Còn ở đâu quần áo chăn đệm gối mùng phơi lố nhố thì đó chính là đoàn người Việt. Sao phụ nữ ta có vẻ sạch sẽ hơn cả Tây – những người “quần jeans cả tuần mới giặt”.
Thế nên đi đâu mà chờ xe các bà các cô thì đố có đoàn nào không gặp cảnh sao cũng có người say xe khốn khổ (“Các bạn ít rèn luyện từ nhỏ” – có ông Tây nhận xét như vậy). Và nhất là cả đoàn chờ… dài cổ mấy bà mấy cô hoặc là chưa trang điểm xong, hoặc là xuống xe rồi còn… quên đồ phải lên lấy.
Coi chuyện chờ thế là bình thường. Người ta cho vào chợ, điểm tham quan hẹn giờ ra, thế nào cũng có bà cô ra trễ do mải mua sắm, để người hướng dẫn vào tìm hết hơi.
Những phong cách sống đó nói lên “sự nghèo hèn” thiếu văn minh, chứ không phải là do áo quần. Người ta nói rằng, thời đại này, trừ những nơi quá nghèo, vùng sâu vùng xa, bão lũ thiên tai ra, dân thành phố – nhất là nhóm trung lưu, áo quần các bà các cô có thể “mặc đến chết không hết”.
Tủ nhà nào lại chẳng chật ních các móc treo áo quần đồ hiệu. Thiếu gì cái cứ treo đó, chủ chẳng bao giờ mặc mà thấy sao chúng xấu quá, cũ quá, thường quá. Phải đi mua cái mới luôn luôn.
Đi đâu có đoàn phụ nữ là phải cẩn thận kẻo “trật chìa” vì mình quá đơn giản giữa “rừng hoa”. Họ diện lắm đó, mình ăn mặc xuềnh xoàng họ coi thường, trong khi bà nào cô nào cũng có thể nói “giản dị là tốt – ai chẳng biết”.
- Xem thêm: Sư tử làm đẹp
Rõ ràng có một “xã hội phù hoa”, nhiều bà cô là nạn nhân của truyền thông, các trò truyền hình thực tế các cô người mẫu chân dài đủ kiểu quần áo váy tóc đua nhau tạo ra một xã hội ảo – nhìn trên đường phố không thấy họ bao giờ (Thấy sao được, gái đẹp cao sang quý bà giàu có ngồi xe hơi máy lạnh cả rồi, đâu có bịt mặt chạy trối chết trên đường bụi mù, đắp trên đùi cái váy chống nắng chẳng giống xứ nào!). Họ cũng đâu có ở các chợ chồm hổm hay các quán xá bình dân. Thế nên đâu có ai thấy họ nơi công cộng nhiều?
Cái “xã hội ảo ít thấy tận mắt đó” lại là ảnh hưởng phù phiếm mà dữ dội lên các bà các cô. Là “chuẩn” để những ai thiếu bản lĩnh, cá tính, cứ chạy theo mệt nghỉ.