Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Patrick Leahy, người sáng lập kiêm Chủ tịch Quỹ hỗ trợ Nạn nhân Chiến tranh Leahy (Leahy War Victims Fund – LWVF)chuyên tài trợ cho các dự án giúp đỡ nạn nhân chiến tranh tại 20 quốc gia đã trải qua chiến tranh trên toàn thế giới từ năm 1989 – từng phát biểu: “Những nỗ lực giúp đỡ người khuyết tật do bom mìn gây ra của Hội hỗ trợ Người khuyết tật Việt Nam (VietNam Assistance for the Handicapped – VNAH) không chỉ hàn gắn những vết thương mà còn là một cầu nối thúc đẩy việc bình thường hóa giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”.
Suốt 25 năm qua, “cây cầu nối” ấy đã cấp phát miễn phí 150.000 bộ chân giả, xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật; cung cấp dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng, hỗ trợ cải tạo các trung tâm phục hồi chức năng; xây dựng 145 trường trung học, tiểu học và nội trú tại nhiều vùng nông thôn và miền núi trên khắp cả nước…
Sáng lập kiêm Chủ tịch VNAH là ông Trần Văn Ca người gốc ở Quảng Nam, đến Hoa Kỳ năm 1975, mê mải làm ăn cho đến năm 1989, trong một lần về thăm quê nhà thăm người cha lâm bệnh nặng, cảnh nghèo khổ của người dân đã tác động mạnh vào suy nghĩ của ông chủ chuỗi năm nhà hàng tại Virginia.
Đất nước đang vật lộn với công cuộc tái thiết. Người dân vẫn nghèo, vẫn đói. Thành phần chịu khá nhiều thiệt thòi là những thương phế binh, không tìm được việc làm phù hợp, họ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Hình ảnh những “người què, người cụt” khiến ông Ca bị ám ảnh. Vậy là VNAH ra đời năm 1990. Trụ sở đặt tại thành phố McLean, bang Virginia, với mục đích giúp đỡ những người khuyết tật, những thương binh không phân biệt nguồn gốc, quá khứ.
Trong bối cảnh hai nước Việt – Mỹ chưa nối lại bang giao, một sự ủng hộ chính trị sẽ quyết định sự tồn vong của VNAH. Tổ chức phi chính phủ này giành được thiện cảm của Quốc hội và Hội Thương phế binh Hoa Kỳ (Disabled American Veterans – DAV), vốn được xem như “con cưng” của chính phủ và nhân dân Mỹ. Khoảng 40% trong số một triệu hội viên của DAV từng để lại một phần thân thể tại chiến trường Việt Nam.
Trở lại quê nhà, ông Ca vận động Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hỗ trợ. Năm 1991, VNAH phối hợp với Trung tâm Chỉnh hình – Phục hồi chức năng Cần Thơ triển khai dự án đầu tiên tại địa phương này. Cụ thể là hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên viên chỉnh hình để sản xuất chân giả miễn phí cho nạn nhân chiến tranh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố tháng 4-1997, có khoảng 250.000 người bị cụt chân tay trong phạm vi từ vĩ tuyến 17 trở vào. Rõ ràng, nhu cầu chân giả, phục hồi chức năng thông qua vật lý trị liệu là rất lớn.
Thế nên sau thời gian triển khai ở Cần Thơ, VNAH tiếp tục nhân rộng mô hình. Việc hợp tác với Trung tâm Chỉnh hình – Phục hồi chức năng TP HCM là một trường hợp điển hình.
Không dừng lại ở những hoạt động thiện nguyện, VNAH còn đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng chính sách của Chính phủ Việt Nam đối với người khuyết tật. Đây cũng chính là chủ đề được Quốc hội Hoa kỳ đặc biệt quan tâm. Từ năm 2006, Quỹ Hỗ trợ Nạn nhân chiến tranh Leahy đã tài trợ cho VNAH một hoạt động trị giá ba triệu USD nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình soạn thảo bộ luật dành cho người khuyết tật.
Thông qua hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam, cùng với sự trợ giúp của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), VNAH đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các cơ quan chính phủ trong quá trình xây dựng và ban hành Luật Người khuyết tật đầu tiên tại Việt Nam.
Năm 2010, bộ luật này được Quốc hội chính thức thông qua, trở thành khung pháp lý bảo vệ quyền và cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật, đảm bảo những điều kiện dịch vụ phù hợp, khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, xã hội, phục hồi chức năng, việc làm và đào tạo nghề cũng như các dịch vụ xã hội khác.
Luật Người khuyết tật có hiệu lực trở thành tiền đề để VNAH tiến thêm bước nữa, hỗ trợ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng và trình Chính phủ hai đề án trợ giúp người khuyết tật. Từ những đề án này, VNAH hỗ trợ Bộ Y tế ban hành kế hoạch quốc gia nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại địa phương.
VNAH cũng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội tìm giúp việc làm cho hàng ngàn người khuyết tật.
Ngoài ra, VNAH còn thành lập Hội thiện nguyện Y tế và Giáo dục (Health & Education Volunteers – gọi tắt là HealthEd), hợp tác với Hiệp hội Giáo dục Hữu nghị châu Á (AEFA) của Nhật Bản và Quỹ Nippon Foundation, một trong những quỹ từ thiện lớn nhất của Nhật Bản
Ra đời năm 1994, HealthEd đã tài trợ xây dựng 145 trường học ở khu vực vùng sâu, vùng xa, nâng cao điều kiện học tập của học sinh nghèo người dân tộc thiểu số, xuất phát từ quan điểm giáo dục chính là cơ hội để thay đổi cuộc sống một cách bền vững.
Về y tế, HealthEd tổ chức những đoàn tình nguyện gồm y bác sĩ ở Mỹ, Nhật đến khám bệnh tại Việt Nam. Đối tượng được đặc biệt khuyến khích về Việt Nam là những người trẻ, chủ yếu là thế hệ người Việt thứ hai, sinh ra và trưởng thành trên nước Mỹ, có suy nghĩ độc lập và không bị day dứt bởi những định kiến chính trị.
Nhìn lại các cuộc vận động hành lang khá mạnh ở Hoa Kỳ của các cộng đồng người Israel, Ý, Hy Lạp, Hàn Quốc, Trung Quốc…, nhiều người tỏ ra tiếc nuối khi trong suốt một thời gian dài, cộng đồng người Việt ở Mỹ ít có điều kiện đóng góp cho quê hương. Đến bây giờ mới đánh giá tầm quan trọng của giới trẻ người Việt tại Mỹ thì cũng khá trễ, nhưng trễ còn hơn không. Làm sao để các bạn ấy đừng nhìn Việt Nam như một xứ sở xa lạ.
Hai mươi lăm năm qua, VNAH đã đi một chặng đường dài trong các hoạt động cộng đồng, thể hiện tình cảm sẻ chia với những người thiếu may mắn. Điều này giải thích tại sao VNAH vẫn đang tiếp tục được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức thiện nguyện quốc tế trong công việc đầy tính nhân ái của mình.
Yến Anh (DNSGCT)