Hiếm có một vở diễn nào lại sống bền lâu mà vẫn không ngừng được sáng tạo như Dạ cổ hoài lang. Từ một kịch bản ngắn như bức thư nói về nỗi lòng của người xa quê của Thanh Hoàng trên sân khấu kịch quần chúng tại Nhà Văn hóa Phú Nhuận, Dạ cổ hoài lang sau một đoạn đường trường được rất nhiều nghệ sĩ của sân khấu kịch nói TP. Hồ Chí Minh thêm da đắp thịt. Còn nhớ khi đó Thanh Hoàng là một diễn viên mới tốt nghiệp Trường Sân khấu Điện ảnh, làm diễn viên kiêm đạo diễn và tác giả tại Câu lạc bộ Sân khấu kịch của Nhà Văn hóa Phú Nhuận. Anh viết kịch ngắn có duyên và cảm xúc, đặc biệt là những vở về tình yêu quê hương.
Hai mươi năm trước, khi xuất hiện trên Sân khấu 5B Võ Văn Tần, vở kịch Dạ cổ hoài lang lập tức đã tạo nên một ấn tượng đẹp trong lòng khán giả và cả những nghệ sĩ đang nổi danh ở Hà Nội cùng thời. Thành Lộc, Việt Anh thời ấy còn rất trẻ, nhưng khi vào vai những người cao tuổi đã tạo nên ấn tượng mạnh trong đời sống nghệ thuật. Lúc đó, khán giả phải đặt vé trước cả hai tháng mới mong có một chỗ để xem. Hai mươi năm trước, mọi chuyện đi ở vẫn còn là sự giằng co của lòng người và Dạ cổ hoài lang với tình cảm đau đáu của hai người bạn già nơi đất khách quê người hướng về quê hương đã tạo nên một dòng chảy cảm xúc đầy quyến luyến. Giai điệu của bài ca cùng tên do nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác như có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, được đông đảo bạn trẻ tìm đến.
Thời gian trôi qua, lớp diễn viên của Dạ cổ hoài lang năm nào như Thành Lộc, Việt Anh, Hoài Linh, Công Ninh, Thanh Hoàng, Lê Vũ Cầu… đã trở thành những nghệ sĩ ưu tú nhất của kịch nói Sài Gòn và cả nước. Việt Anh vẫn giữ vai ông Năm và trong khi vai ông Tư đã có nhiều nghệ sĩ tiếp nối. Về mặt nghệ thuật, vở diễn không bị “đóng đinh” bởi đỉnh cao đã đạt được, mà luôn xuất hiện trong sự sáng tạo, thăng hoa, sự từng trải của các nghệ sĩ. Công bằng mà nói, kịch bản của Thanh Hoàng qua sự sáng tạo của các đạo diễn, diễn viên ngày càng hoàn chỉnh và sâu sắc hơn, luôn tạo cảm hứng sáng tạo cho những người diễn sau. Sức truyền cảm của vở kịch cũng được tôn lên, thăng hoa hơn cũng bởi giai điệu của tuyệt tác mang dấu ấn Cao Văn Lầu. Trong lịch sử sân khấu Việt Nam chưa có vở diễn nào giúp một bài ca cổ bay lên và có truyền cảm mạnh mẽ đến như vậy. Thành công của vở diễn là sự trọn vẹn của cả kịch bản, bài ca và nỗ lực sáng tạo của đạo diễn cùng các diễn viên.
Thành Lộc trở lại với Dạ cổ hoài lang như một tri ân, tri kỷ. Ông Tư của Thành Lộc vẫn đau đáu nổi nhớ quê hương. Vẫn một Thành Lộc đôi mắt lúc nào cũng như ngân nước mắt, đứt từng khúc ruột trải lòng. Khán giả vẫn nghẹn lại khi ông bị sốc trước những khoảng cách về cuộc sống, khoảng cách văn hóa của cô cháu gái trên đất Mỹ. Ông già hiền lành chất phác, mang đậm dòng máu nghệ sĩ tài tử Nam bộ ấy bây giờ có phần từng trải, bình tâm hơn. Ông truyền cảm tình người Việt đến cô cháu gái (Vân Trang vào vai) vốn rạch ròi và rõ ràng đúng theo lối sống kiểu hiện đại Âu – Mỹ bằng nỗi đau xa quê của mình. Không thể đổ lỗi cho ai về những mâu thuẫn và va chạm đó của ông cháu họ. Tất cả chỉ là khoảng cách văn hóa, khoảng cách của những nền giáo dục với lối sống khác nhau. Chỉ vào phút chót, khi đứa cháu bật khóc: “Ông ơi, con hiểu rồi. Quê hương chính là ông!” thì trái tim khán giả mới vỡ òa vì sung sướng và hạnh phúc.
Với Việt Anh, ông Năm đã trở thành máu xương của anh suốt 20 năm qua. Khán giả như thấy anh sống trọn với cuộc đời, tính cách và cả nỗi đau của ông Năm trong từng dỗi hờn, tức giận. Trước đây, khán giả cười vui cách giễu bạn, giễu mình của ông Năm, rồi qua nỗi xót xa cho niềm cô quạnh của bạn, xót cho chính mình của ông mới thấy ngấm ra rằng Việt Anh tài hoa là thế, hanh ngộ là thế. Bây giờ, Hữu Châu vào vai ông Năm, cùng diễn với Thành Lộc. Anh mang lại cho ông Năm một diện mạo mới, không thâm trầm bí ẩn như ông Năm – Việt Anh, mà trực tính hơn, nóng nảy hơn, cũng hồn nhiên hơn. Ông Năm hờn bạn vì bạn là người đã cưới cô gái mình yêu, nhưng khi câu chuyện xưa là hồn quê, bến cũ của đôi bạn già sống tha hương, cho dù gần nhau là lại cắn đắn chuyện cũ thì vẫn còn đó một tình bạn chí cốt. Trong từng lớp diễn, hai ông quặc nhau, hay khi cao hứng, lúc tỉ tê khiến khán giả thấy bồng bềnh thương cảm, thấy tình yêu, tình bạn của cuộc đời sâu sắc quá. Chỉ là những câu thoại giao đãi mà người diễn thăng hoa, người xem bị cuốn hút, không biết có bao nhiêu vở kịch làm được như vậy? Thành Lộc và Hữu Châu đã bao năm gắn bó trên Sân khấu Idecaf thì khi cùng nhau hòa điệu, hòa thanh trong Dạ cổ hoài lang thì còn gì phải nói! Có cảm giác tiếng thở của ông Tư hòa trong tiếng thở của ông Năm, nỗi buồn của ông Tư là nỗi buồn của ông Năm làm ấm cả khán phòng. Xem kịch mà thấy lòng người nhân ái hơn, tử tế hơn và Dạ cổ hoài lang bền được trong lòng khán giả cũng từ điều đó.
Bài Dạ cổ hoài lang như một thông điệp quê hương được Thành Lộc ngâm trong từng cung bậc của cảm xúc. Có thấu nỗi buồn ly tán trong lời ca, trong giai điệu quyện vào tâm tình người xa quê mới thấy hết sự thẩm thấu tuyệt vời của tác phẩm mà cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu tạo nên trong nghệ thuật đương đại. Một khi đã chạm tới mạch thiêng liêng của văn hóa cội nguồn thì sự sinh tồn của nghệ thuật là vô giá và đó chính là điểm son của vở kịch.
Trong mảng màu trầm của hoài niệm, cuộc sống hiện tại lại hiện lên rất sắc nét. Nó tạo ra tương phản và kịch tính cho người thưởng thức. Hình ảnh cô cháu gái xinh đẹp, hiện đại ngơ ngác và dị biệt với người ông tạo nên sức hấp dẫn và sự tò mò cho khán giả. Thế hệ trẻ sinh ra hôm nay giỏi giang, hội nhập rất nhanh nhưng tiếc là nhiều người trong số họ không được trang bị đầy đủ văn hóa cội nguồn. Chính câu chuyện của con cái chúng ta ngày hôm nay làm cho câu chuyện xưa có ý nghĩa. Dạ cổ hoài lang đã tồn tại 20 năm nay và vẫn luôn cuốn hút khán giả trẻ là như vậy. Cô gái và chàng trai (Vân Trang và Lương Thế Thành đóng) là hai trường hợp riêng biệt khá tiêu biểu: một người chỉ biết hiện tại, người kia lại cố gắng trở về tìm hiểu cuội nguồn. Những bi kịch của lòng người trong vở vì thế mạnh mẽ và người xem càng thấy thấm thía. So với lớp diễn viên xưa đã vào hai vai này thì Vân Trang và Lương Thế Thành bây giờ đẹp và có đất “tung tẩy” hơn. Đạo diễn Vũ Minh và họa sĩ Kim B đẩy phần sau của vở hiện đại hơn.
Mỗi một lần vở diễn được dựng lại là người xem lại thấy câu chuyện Dạ cổ hoài lang chi tiết hơn vì lớp diễn viên mới luôn hào hứng tiếp tục sáng tạo cho các nhân vật. Chỉ có bốn nhân vật mà vở diễn tạo ra một dòng chảy cảm xúc đến kỳ lạ. Đến với Dạ cổ hoài lang hôm nay có những khán giả lần đầu, nhưng cũng có những khán giả đã thuộc lòng câu chuyện và câu ca xưa.
Việt Nga (DNSGCT)