Dẫn số liệu điều tra về lao động – việc làm của Tổng cục Thống kê, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết trong quý III-2014, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,17%, tăng 0,33% so với con số 1,84% của quý II. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động thanh niên (từ 15 đến 24 tuổi) hiện nay là 7,02%, tương đương 543.820 người, chiếm 43,9% tổng số người thất nghiệp. Phân theo vùng lãnh thổ, Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất. Lần lượt tỷ lệ thất nghiệp chung của hai thành phố lớn nhất nước là 4,3% và 3,32%.
Cũng tính đến hết quý III-2014 có 174.000 lao động có trình độ đại học thất nghiệp, chiếm 16,8% tổng số người thất nghiệp tăng thêm 27.000 người so với quý II.
Con số 174 ngàn cử nhân đang thất nghiệp là một con số làm cho những người quan tâm về kinh tế xã hội hết sức sửng sốt. Nếu nhìn ở góc độ đầu tư của toàn xã hội, mỗi suất đào tạo được xã hội đầu tư ở bậc đại học (trong bốn năm) với chi phí năm 10 triệu đồng/người/năm thì chi phí cho 174.000 cử nhân là 6.960.000 tỉ đồng, tương đương 316 triệu USD. Đây là một “công trình” đầu tư khổng lồ nhưng chưa đem lại hiệu quả kinh tế xã hội. Không những thế, hằng năm chúng ta vẫn tiếp tục “mù quáng” đổ tiền và lao động “có tuyển chọn” vào công trình này! Đây là một sự lãng phí ghê gớm nhưng hình như mọi người chúng ta “đành” cam chịu gần 40 năm qua. Không lẽ đây là “thế mạnh, sức chịu đựng” của đất nước ta?
Thực tế nêu trên do đâu? Chúng ta có thể nhận dạng vấn đề này một cách khách quan ba góc độ khác nhau:
Những người được đào tạo, các cử nhân
Một cử nhân thì ít ra các bạn đã kinh qua trường lớp của 12 năm học hành suốt quá trình trưởng thành và sau đó lại được đào tạo kỹ năng bốn năm trên bậc đại học thì nhận thức và hiểu biết ít ra phải hơn các thanh niên, lao động không có điều kiện được đào tạo ở trường lớp. Theo thống kê nêu trên, thất nghiệp của người lao động (từ 15 đến 24 tuổi) hiện nay là 7,02%, tương đương 543.820 người, chiếm 43,9% tổng số người thất nghiệp. Về lý thuyết thì người tốt nghiệp đại học luôn luôn vượt trội hơn trong sự cạnh tranh tìm việc làm. Do đó nếu trong thời gian anh cử nhân chưa tìm được việc làm theo ý nguyện thì hãy tạm tham gia vào đội ngũ lao động trình độ thấp hơn, vừa có công ăn việc làm trong thời gian chờ việc thích hợp hơn, vừa làm tăng chất lượng của đội ngũ lao động xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là làm giảm bớt sự lãng phí hơn cho xã hội chúng ta.
Thực tế xã hội cho chúng ta biết rằng, chỉ có những anh cử nhân nghèo, sống cảnh “ăn đong từng bữa” thì mới chịu tham gia vào đội ngũ lao động đó. Còn đa số các anh có bằng cử nhân không chọn hướng đi như thế nên đành chịu thất nghiệp (vì còn ăn bám được gia đình). Do đó đây không phải là sự yếu kém về kỹ năng làm việc mà là yếu kém về nhận thức xã hội, yếu kém về nhận thức về giá trị lao động, giá trị cuộc sống. Và cả nhận thức về trách nhiệm của mình đối với chính mình, đối với gia đình và cả xã hội. Đây là loại bệnh “sĩ”, như thỏi sắt bị rỉ sét vậy. Vấn đềở đây thuộc về nhận thức về giá trị con người. Do thang bậc giá trị của xã hội ta đã lệch, xem học nghề là kém cỏi hơn học phổ thông. Tương lai không vươn cao được vì không thể có cơ chế liên thông lên bậc cao đẳng hay đại học sau này. Giá trị của bằng nghề nghiệp trong xã hội cũng không được thừa nhận đúng tầm yêu cầu của phân công xã hội. Đó cũng là lý do tạo nên tâm lý từ chối chọn con đường học nghề của thanh niên chúng ta. Từ đó, tạo nên một thị trường đại học mở rộng, thu hút hàng trăm ngàn thanh niên cố vào cho được đại học, bất chấp loại đại học nào, chất lượng đào tạo ra sao miễn sao có được một cái bằng trong tay để nâng mình lên một đẳng cấp “có bằng cấp” trong xã hội. Hệ quả của nó chính là con số thất nghiệp của đội ngũ cử nhân như chúng ta đã biết.
Trách nhiệm của hệ thống giáo dục và đào tạo
Giáo dục là một lĩnh vực mà đất nước ta vô cùng chú trọng từ ngàn xưa. Vai trò của giáo dục đã thể hiện rõ trong thứ bậc giá trị xã hội của con người, thể hiện qua câu Quân, Sư, Phụ. Người thầy chỉ dưới vua (vì uy quyền) nhưng đứng trên cha mẹ vì cha mẹ cho ta thân xác còn người thầy cho ta trí tuệ để ta trở thành một con người, đó là một con người hữu ích cho xã hội (đạo đức và tài năng).
Ngày xưa, tốc độ phát triển kinh tế xã hội rất chậm, mặt khác điều kiện cho sự đổi mới sáng tạo trong xã hội chưa được nhà nước phong kiến quan tâm, thậm chí còn bị kềm kẹp, ngăn chặn, khiến lượng kiến thức trong xã hội tăng chậm. Do đó nền giáo dục thời xa xưa lệ thuộc vào kiến thức có được của người thầy và ý thức hệ và quyền lợi của nhà nước cầm quyền đương thời. Và cách học từ chương ấy thực tế nhằm tạo ra lớp người làm quan để bảo vệ chế độ hiện hành, do đó kiến thức nhằm phát triển kinh tế xã hội không được xem trọng. Đây là nguyên nhân khiến kinh tế xã hội chậm phát triển và giáo dục rơi vào cái vòng lẩn quẩn oan nghiệt.
Ngày nay mọi nền giáo dục nào đều phải lấy yêu cầu phát triển kinh tế xã hội làm mục tiêu. Khi đời sống xã hội tiến bộ văn minh hơn thì giá trị tinh thần cũng như hệ giá trị cuộc sống sẽ được nâng cao, chuẩn giá trị đạo đức cũng được nâng lên với những nội dung phát triển tương ứng. Như vậy ngành giáo dục luôn phải lấy yêu cầu của xã hội, của thị trường làm mục tiêu đào tạo. Giáo dục luôn cập nhật kiến thức theo đòi hỏi học tập của người học, chương trình giảng dạy cũng luôn phải cập nhật nội dung. Nếu có một số lượng lớn người học ra trường tìm không được công ăn việc làm thì nội dung, phương pháp đào tạo của ngành giáo dục – đào tạo phải trả lời cho vấn đề này. Sự bất cập trong giáo dục – đào tạo phải chịu trách nhiệm lớn nhất vì không đáp ứng được chiến lược phát triển của đất nước. Mặt khác, nhằm điều chỉnh giá trị lao động và thang bậc xã hội, Nhà nước phải có một chiến lược đào tạo lao động dài hạn phù hợp với yêu cầu thị trường lao động, theo sát tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước chúng ta. Từ đó có được một cơ cấu ngành nghề, hướng dẫn cho nội dung giáo dục – đào tạo, cũng như tỷ lệ trường lớp, cấp bậc đào tạo v.v… để tránh tình trạng lãng phí trong lĩnh vực đầu tư trong ngành giáo dục – đào tạo như hiện nay.
Thị trường lao động hạn chế
Xã hội nước ta có quá nhiều nghịch lý, nền kinh tế phát triển vẫn trong quá độ từ nông nghiệp tự nhiên sang nền công nghiệp gia công và thương mại dịch vụ truyền thống. Thế nhưng chúng ta cũng đã có cơ hội hội nhập vào nền kinh tế thế giới, và người dân được sống trong một thời đại internet tràn ngập thông tin.
Yêu cầu lao động có kỹ năng ở mọi ngành nghề của nước ta lớn hơn nhiều so với lao động bậc đại học và trên đại học. Nhưng trong khi trường đào tạo nghề của nước ta còn quá ít thì có điều nghịch lý là trường nghề mở ra không chiêu sinh được. Lý do vì sao? Cho đến nay, các cấp có thẩm quyền còn đang tranh luận với nhau là hệ thống dạy nghề do bộ nào quản, thì việc học sinh từ chối với trường nghề có nguyên nhân từ đâu lại không ai bàn tới. Kinh nghiệm 60 năm trước ở Đài Loan cho chúng ta nhiều bài học. Vào thời điểm ấy, tỷ lệ trường nghề và trường phổ thông là 1:1 và khi nền kinh tế phát triển, trường nghề nâng lên thành trường chuyên năm năm trong đó ba năm trung học nghề, hai năm cao đẳng và sau đó được liên thông với hệ đại học. Chính lực lượng lao động này tạo ra năng suất cũng như kỳ tích của Đài Loan trước đây.
Một vấn đề thời sự khác cần phải nêu, đó là để phát triển một nền kinh tế thì yếu tố năng suất lao động là quyết định, yếu tố này là nền tảng cho sức cạnh tranh của một nền kinh tếở mọi nấc thang của nó. Có đội ngũ lao động với năng suất lao động cao thì có thể thu hút nhà đầu tưở mọi ngành kinh tế. Từ đó tình trạng thất nghiệp của nước ta sẽ thấp và nền kinh tế của nước ta cũng không ngừng vươn lên. Từ gia công tiến lên tự sản xuất và vươn lên sáng tạo ra công nghệ mới, sản phẩm mới. Tất cả phải trên cơ sở năng suất của người lao động.
Sự thất nghiệp của cả trăm ngàn anh chị cử nhân đã nói lên một điều là xã hội không có khả năng hấp thu số lao động qua đào tạo “quý giá” mà chúng ta đã đầu tư. Hay chúng ta đầu tư vào một sản phẩm với số lượng quá lớn, chưa có yêu cầu sử dụng trong khi một loại sản phẩm khác thì đang rất thiếu (lao động có tay nghề, làm việc năng suất cao).
Phan Chánh Dưỡng (DNSGCT)